Chàng thanh niên trong lòng có băn khoăn đã lâu, bèn tới hỏi thiền sư:
“Thưa người, tại sao những người tốt như tôi thường chịu nhiều đau khổ, trong khi có rất nhiều kẻ ác lại đang sống rất tốt?”.
Người thiền sư cười hiền từ:
“Nếu một người có nỗi đau trong tim, điều đó có nghĩa là trong lòng họ phải có ý niệm tà ác tương ứng với nỗi đau đó. Nếu một người không có tà ác trong lòng thì họ sẽ hoàn toàn không thấy đau đớn. Do vậy theo nguyên tắc này, anh thường xuyên cảm thấy mình đau khổ có nghĩa là trong anh ít nhiều vẫn có ác tâm.
Và có thể những người mà anh đang nghĩ là ác, lại không hẳn là người ác thật sự. Một người có thể sống hạnh phúc, ít nhất có thể nói rằng người này không phải là kẻ xấu xa thuần tuý.
Chàng thanh niên nghe vậy rất ấm ức:
“Sao tôi có thể là một người xấu xa được chứ? Tôi đã luôn cư xử rất tốt bụng!”
Nếu một người có nỗi đau trong tim, điều đó có nghĩa là trong lòng họ phải có ý niệm tà ác tương ứng với nỗi đau đó.
Thiền sư đáp lời:
“Nếu trong lòng không có ác thì sẽ không có khổ. Có đau khổ nghĩa là trong lòng có ác. Hãy bình tâm một chút chàng trai, ta sẽ kể cho anh nghe điều gì ác trong lòng anh”.
Anh ta bắt đầu nói về những nỗi khổ của mình:
“Tôi khổ lắm! Nhiều khi tôi thấy lương mình thấp quá, nhà ở không đủ khang trang và thường có cảm giác không tốt về sức khoẻ. Vì vậy tôi thường chẳng mấy khi vui, chỉ hy vọng tình trạng này có thể được thay đổi càng sớm càng tốt. Về mặt xã hội, tôi cảm thấy rất bất mãn khi một số người không có được trình độ văn hoá bằng mình lại kiếm được nhiều tiền hơn mình. Thật quá bất công cho một tri thức như tôi. Mọi người trong nhà cũng nhiều khi không nghe lời tôi khuyên bảo, tôi cảm thấy rất khó chịu…”
Thiền sư gật đầu cười, ân cần nói:
“Thu nhập hiện tại của anh đủ nuôi sống bản thân và gia đình. Anh cũng có nhà để ở, không phải sống ngoài đường như nhiều người khác. Chỉ là diện tích nhà nhỏ hơn một chút, lẽ ra anh không cần cảm thấy đau khổ vì những điều này. Tuy nhiên, vì lòng tham tiền bạc và vật chất nên anh mới đau khổ. Lòng tham này chính là một loại tà ác. Nếu buông được những cảm giác tham hận, anh mới bớt đau khổ được.
Về chuyện có những người giàu hơn anh nhưng không có học thức bằng anh, liệu có phải anh đang ghen tị không? Văn hoá và học thức không phải là nguyên nhân của sự giàu có đâu chàng trai ạ. Người biết cho đi trong quá khứ mới có lý do để giàu có trong cuộc sống này.
Nếu trái tim đủ rộng lượng, thì sao có thể đau khổ được?
Mọi người trong gia đình không nghe lời khuyên của anh, và anh cảm thấy khó chịu. Điều này là sự thiếu bao dung. Dù họ là người thân ruột thịt của anh, nhưng họ cũng có những suy nghĩ và quan điểm của riêng mình. Tại sao anh lại ép buộc suy nghĩ của họ phải phù hợp với anh? Không khoan dung sẽ dẫn đến lòng dạ hẹp hòi, lòng dạ hẹp hòi cũng là một loại ác”.
Thiền sư tiếp tục nói:
“Loại bỏ sự tham lam, ghen tị, kiêu ngạo hay lòng dạ hẹp hòi, thì nỗi đau trong lòng anh ắt sẽ biến mất.
Anh nên nhìn vào thu nhập và nhà ở của mình với tâm lý mãn nguyện vui vẻ. Anh sẽ không bao giờ chết đói hoặc chết cóng. Một người có hạnh phúc hay không, không phụ thuộc vào của cải ngoài thân, mà nằm ở thái độ sống của chính họ.
Nếu người không có nhiều học thức trong xã hội giàu lên, anh nên mừng cho họ, mong họ có thêm nhiều hạnh phúc hơn. Khi người khác có được điều gì, anh cũng vui như mình đang có được; người khác mất đi điều gì, anh không có tâm lý hả hê. Người như vậy mới có thể gọi là người tốt.
Khi bản thân ta cho rằng mình đã vượt trội hơn người khác ở một khía cạnh nào đó, đấy chính là sự kiêu ngạo. Một khi đã kiêu ngạo, con người sẽ không thể nhìn ra những khuyết điểm cảu bản thân để thay đổi, trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy, người kiêu ngạo tự ngăn cản sự tiến bộ của mình. Không chỉ vậy, họ thương có cảm giác thua thiệt và tự ti. Một người chỉ khi biết khiêm nhường mới cảm thấy hạnh phúc và đủ đầy trong tim.
Sự hào phóng kiếp trước là nguyên nhân thực sự của sự thịnh vượng kiếp nay. Trồng dưa lấy dưa, gieo đậu được đậu. Anh hãy học cách giúp đỡ người khác bằng tấm lòng nhân hậu, không vì muốn đòi hỏi lại điều gì từ họ. Nếu trái tim một người đủ rộng lượng, thì sao có thể đau khổ được?
Chỉ khi tự tu dưỡng và hiểu rõ nhân quả ở đời, con người mới có được tâm sáng, biết nghĩ đúng và hành động đúng, chuyển hoá từ khổ đau đến hạnh phúc”.
Nghe vị thiền sư nói với ánh mắt từ bi dịu dàng, chàng thanh niên xúc động không nói nên lời. Anh từng cho rằng mình là một người rất tốt bụng, nhưng hôm nay mới nhận ra trong tâm mình đã có nhiều ý niệm ác đến thế nào.
“Cảm ơn thiền sư! Nếu không có người chỉ dạy, có lẽ tôi sẽ không bao giờ nhận thức được những ác niệm trong lòng mình!”.
Con người sống ở đời, nếu còn thấy khổ đau chứng tỏ lòng vẫn còn tạp niệm. Nếu không có ác tâm, làm sao có khổ sở có đau thương?
Cẩm Mịch/Theo Visiontimes
Ảnh: Sưu tầm