Báo Global Times đưa tin Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc sẽ thực hiện các dự án nhằm khuyến khích phụ nữ kết hôn và sinh con. Được biết, dự án này tập trung vào việc khuyến khích kết hôn và sinh con ở độ tuổi phù hợp, đồng thời khích lệ các bậc phụ huynh chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái và giải quyết vấn đề tiền sính lễ quá cao. Tiền sính lễ là một phong tục lâu đời ở Trung Quốc, trong đó gia đình của chú rể phải trả một số tiền cho gia đình của cô dâu trước khi kết hôn.
Hãng thông tấn Reuters, có trụ sở tại Anh, cho biết các thành phố tham gia vào dự án thử nghiệm bao gồm Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông và Hàm Đan thuộc tỉnh Hà Bắc. Phó Chủ tịch Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc – Yao Ying, đã phát biểu trong một sự kiện tại Quảng Đông: “Các khu vực tham gia dự án thử nghiệm dự kiến sẽ áp dụng các biện pháp cải tiến và tích cực để tạo ra môi trường ủng hộ việc sinh sản, đồng thời đóng góp vào quá trình hiện đại hóa Trung Quốc thông qua việc hỗ trợ sự phát triển dân số chất lượng cao”.
Dự án này được triển khai trong bối cảnh nhiều tỉnh ở Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp khuyến khích người dân sinh con, bao gồm ưu đãi thuế, hỗ trợ nhà ở, miễn phí hoặc hỗ trợ giáo dục khi có con thứ ba.
Trong 3 tháng gần đây, tại Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, các đại biểu đưa ra đề xuất rằng cả phụ nữ độc thân cũng có quyền tiếp cận các phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và bảo quản trứng đông lạnh, nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh tại đất nước này.
Năm 2022, Trung Quốc đã chứng kiến sự giảm dân số lần đầu tiên kể từ năm 1961. Theo số liệu mới được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, vào cuối năm ngoái, dân số của nước này là 1,41175 tỷ người, giảm so với con số 1,41260 tỷ người ghi nhận một năm trước đó.
Tỷ lệ sinh trung bình tại Trung Quốc trong năm 2022 là 6,77 trẻ mỗi 1.000 người, giảm so với tỷ lệ 7,52 trẻ mỗi 1.000 người được ghi nhận vào năm 2021. Đây cũng là mức tỷ lệ sinh thấp nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc.
Trung Quốc đã kết thúc gần 3 năm áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để phòng Covid-19, song đại dịch đã tác động lâu dài đến kinh tế và sức khỏe tinh thần của người dân.
Với nhiều người, áp lực tài chính và lo âu khiến họ hoài nghi về tương lai, do đó có xu hướng không muốn có con. Xu hướng này đã xuất hiện ở Trung Quốc trước khi đại dịch bùng phát, nhưng càng phổ biến khi nước này đóng cửa, dừng nhiều hoạt động, cùng với bất ổn kinh tế lan rộng.
Thực trạng các cặp đôi trẻ ngại sinh con đã phần nào được thể hiện khi vào năm 2022, dân số Trung Quốc lần đầu giảm sau 61 năm. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, dân số nước này năm 2022 giảm 850.000 người so với năm 2021. Tỷ suất sinh của bà mẹ sinh con đầu lòng giảm từ còn 0,7 năm 2019 xuống 0,5, độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh con đầu lòng tăng từ 26,4 lên 27,4.
Anh Đào (Tổng hợp)