Có lẽ chúng ta đều đã nghe nói đến hai từ “định mệnh”. Định mệnh lý giải vì sao bạn sinh trưởng trong gia đình này, gặp gỡ những người này mà không phải người kia. Còn duyên thì ở, hết duyên thì đi. Với những mối tình dang dở, trắc trở, yêu nhưng không đến được với nhau cũng vì duyên phận của hai người chỉ có thể đi cùng nhau một đoạn đường ngắn ngủi. Con người có thể tự do trong việc dành tình cảm cho ai, nhưng việc có đến được với nhau hay không và đi được cùng nhau bao lâu thì lại phải dựa vào định mệnh. Người mà bạn kết hôn, bạn tưởng rằng đó là lựa chọn của mình, nhưng thực ra không phải mà vốn dĩ đã cả hai đã có định số từ trước. Định mệnh xoay phần để họ gặp được nhau, kết hôn với nhau. Thuyết định mệnh lý giải vì sao bạn phải dính lấy người này mà không thể ở cạnh người kia.
Thuyết định mệnh là gì?
Thuyết định mệnh là niềm tin rằng mọi thứ xảy ra trong cuộc sống đều được định trước bởi một thế lực nào đó, chẳng hạn như ý của Thượng Đế, số phận hay luật nhân quả.
Niềm tin vào thuyết định mệnh đã tồn tại trong nhiều nền văn hóa khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Nguồn gốc của thuyết định mệnh có thể bắt nguồn từ thời cổ đại, khi đối mặt với những sự kiện bất ngờ, khó hiểu, con người thường tin rằng những sự kiện đó là do ý muốn của một vị thần hoặc lực lượng siêu nhiên nào đó.
Trong triết học Hy Lạp cổ đại, thuyết định mệnh được thể hiện rõ nét trong học thuyết của các nhà triết học khắc kỷ. Theo đó, mọi sự kiện trong vũ trụ đều được định trước bởi một lực lượng vô hình, gọi là số phận. Con người không có khả năng tự do lựa chọn, và mọi hành động của con người đều là để thực hiện số phận đã được định sẵn.
Thuyết định mệnh cũng được đề cập đến trong nhiều tôn giáo, chẳng hạn như đạo Hindu, đạo Phật và đạo Hồi. Trong đạo Hindu, thuyết định mệnh được gọi là “nghiệp”, đó là những hành động, lời nói, ý nghĩ của con người trong quá khứ và sẽ tạo ra quả báo trong tương lai. Trong đạo Phật, thuyết định mệnh được gọi là “duyên khởi”. Theo đó, mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ đều có mối quan hệ nhân quả với nhau. Mọi sự kiện xảy ra đều là kết quả của một chuỗi nhân duyên, và con người không có khả năng tự do lựa chọn. Trong đạo Hồi, thuyết định mệnh được gọi là “taqdir”. Theo đó, mọi sự kiện trong vũ trụ đều là do Allah sắp đặt, và con người không thể lựa chọn.
Chính vì mỗi người đều có định số từ khi sinh ra nên những thầy bói toán, tử vi, tướng số mới xem được vận mệnh của con người dựa trên sinh thần, bát tự hoặc những đặc điểm cá nhân khác.
Ngày nay, thuyết định mệnh vẫn được nhiều người quan tâm. Có nhiều người tin rằng những sự kiện xảy đến trong cuộc sống đều là do ý muốn của Thượng Đế, thánh thần. Tuy nhiên, cũng có nhiều người tin rằng con người có khả năng tự do lựa chọn và những điều xảy đến đều là kết quả của những lựa chọn trong quá khứ.
Thuyết định mệnh có thể giúp con người chấp nhận những sự kiện bất ngờ, khó lý giải trong cuộc sống. Nếu mọi thứ đã được định trước, thì không có gì xảy ra trên đời là ngẫu nhiên. Mặt khác, việc hiểu về thuyết định mệnh một cách phiến diện khiến con người trở nên thụ động, không có động lực để phấn đấu và thay đổi.
Việc tin hay không tin vào thuyết định mệnh là lựa chọn của mỗi cá nhân, không có câu trả lời đúng hay sai. Việc tìm hiểu về thuyết định mệnh giúp chúng ta có thêm một góc nhìn để chiêm nghiệm cuộc đời.
Khi con người bước không qua số phận
Trong bộ phim Phong thần diễn nghĩa (2019), cải biên từ tiểu thuyết cùng tên của Hứa Trọng Lâm, nhân vật Đát Kỷ (Vương Lệ Khôn) ban đầu vốn là một khuê nữ hiền thục, con gái của thủ lĩnh Ký Châu Tô Hộ. Đát Kỷ có mối tình thanh mai trúc mã với Dương Tiễn (La Tấn), người anh trai được cha mẹ cô nhận nuôi từ nhỏ. Nhưng rồi Đát Kỷ rơi vào cảnh nước mất nhà tan, cô đã xin dâng chính mình cho Trụ Vương để cầu hòa. Cuối cùng người dân Ký Châu vẫn không tránh khỏi cuộc tàn sát đẫm máu, cha mẹ Đát Kỷ cũng bị bức tử. Đát Kỷ ôm hận trở thành phi tần của kẻ thù, dần dần trở thành người phụ nữ độc ác, từng bước lật đổ nhà Thương và trở thành hình tượng “hồng nhan họa thủy” lưu danh muôn đời.
Trong tiểu thuyết gốc, xác Đát Kỷ bị hồ ly tinh vâng lệnh Nữ Oa vào cung để mê hoặc Trụ Vương, hòng đẩy nhanh tiến trình diệt vong của nhà Thương. Như vậy từ một tiểu thư nhà lành, Đát Kỷ bất đắc dĩ bị chiếm xác và trở thành yêu cơ độc ác. Trong bản phim cải biên, hình tượng Đát Kỷ được xây dựng trong mối quan hệ tình cảm phức tạp với Dương Tiễn, Trụ Vương và Tử Hư (Đặng Luân) – Hồ vương của tộc hồ ly. Đát Kỷ yêu Dương Tiễn nhưng định mệnh của hai người là không thể đến được với nhau. Đát Kỷ đã có nhiều cơ hội rời thành Triều Ca, sống cuộc đời khác với Dương Tiễn nhưng vì nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan mà cô vẫn phải quay lại. Cô căm hận Trụ Vương nhưng vẫn phải trở thành phi tần của hắn, ngọt ngào giả lả với kẻ thù đã sát hạt cả gia đình, quê hương mình, nhẫn nhục để báo thù.
Đát Kỷ còn có mối quan hệ phức tạp với Tử Hư, ban đầu hắn thao túng cô, bắt cô phải thực hiện một giao kèo để cô phải tự nguyện trao linh hồn cho hắn. Nhưng trong khoảng thời gian cả hai bên nhau, hồ yêu dần trở thành một kẻ si tình, còn Đát Kỷ vì quá cô độc mà đã cầu xin hắn: “Đừng để ta lại một mình.”
Dương Tiễn bẩm sinh đã có thiên nhãn, có thể nhìn trước tương lai. Trong hầu hết những viễn cảnh mà anh thấy, anh và Đát Kỷ vốn không thể có một kết thúc có hậu. Nhưng cũng có lần anh nhìn thấy cả hai sánh đôi hạnh phúc, điều đó cho anh một niềm hy vọng rằng biến số vẫn có thể xảy ra.
Trong phim, Khương Tử Nha – sư phụ của Dương Tiễn, một vị thần tiên hạ phàm với trọng trách phò Chu diệt Thương được biết đến với tài bói toán thần thông. Ông có thể nhìn ra số phận của người khác, từ Khương Hoàng hậu đến Thái tử Ân Giao nhưng bản thân ông cũng không thể giúp họ thay đổi được gì vì đó là ý Trời. Trong lần gặp Đát Kỷ, ông đã nhìn ra số phận “hồng nhan họa thủy” của cô và cũng có đôi lời khuyên cô rằng số phận con người bảy phần do Trời định, ba phần do người tạo. Nhưng chính Đát Kỷ đã lựa chọn đi theo con đường ác, không chấp nhận quay đầu, từ chối sự giúp đỡ của Tử Hư lẫn Dương Tiễn. Cuối cùng, cô tự sát dưới lưỡi kiếm Hiên Viên, từ chối phong thần, chịu sự đày đọa khắc nghiệt nhất nơi địa ngục như một kẻ dám làm dám chịu. Đó là định mệnh của cô, cũng là lựa chọn của cô.
Trong phim You Are My Destiny (2014), Lee Gun (Jang Hyuk) và Kim Mi Young (Jang Nara) đã nên duyên với nhau sau sự cố tình một đêm. Trước đó Lee Gun đã có mối tình 6 năm với Kim Se Ra nhưng cô luôn trì hoãn việc kết hôn vì theo đuổi sự nghiệp múa ballet. Ngay cả kế hoạch cầu hôn của Lee Gun ở Macau, Se Ra cũng bỏ lỡ vì không muốn vuột mất cơ hội có được suất diễn chính trong một buổi diễn quan trọng. Kim Mi Young vô tình trở thành người thay thế và Lee Gun buộc phải kết hôn vì cô đã có thai.
Có lẽ nhiều người sẽ tiếc cho mối tình 6 năm của Lee Gun và Se Ra nhưng rõ ràng là họ có duyên, không phận, khi buộc phải lựa chọn, Se Ra cũng chọn sự nghiệp thay vì tình cảm. Ban đầu Lee Gun miễn cưỡng cưới Mi Young nhưng dần dần anh cảm mến sự ngọt ngào và trái tim trong sáng của cô. Mối quan hệ của họ cũng trải qua nhiều thử thách khi Mi Young bị sảy thai, còn Lee Gun cũng phát hiện mình mang gen bệnh di truyền. Họ ly hôn, Mi Young đi du học 2 năm và trở về với thân phận mới là họa sĩ Ellie Kim. Trong thời gian đó, Lee Gun và Se Ra từ tình cũ trở thành bạn bè, tri kỷ, dù Se Ra còn tình cảm nhưng Lee Gun không muốn quay lại với cô bởi anh vẫn luôn yêu và thương nhớ Mi Young. Giữa họ có duyên phận, có nỗi đau chung là đứa bé đã mất khi chưa kịp chào đời.
Có những người dù bên nhau 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa, đến khi hết duyên vẫn buộc phải xa nhau. Cũng có những người chỉ gặp nhau trong thời khắc ngắn ngủi cũng đủ nên duyên trăm năm. Định mệnh sẽ cho họ gặp đúng người vào đúng thời điểm.
Con người có khả năng thay đổi định mệnh không?
Định mệnh bao trùm lên mọi khía cạnh của đời sống chứ không chỉ chuyện tình cảm. Định mệnh không phải là để con người thụ động, bất lực trước số phận mà để họ biết tu thân, tích đức, hành thiện để tăng phước giảm nghiệp, hóa nguy thành an.
Mỗi người có một vận mệnh khi ra đời nhưng một người làm những việc thất đức tổn phúc thì cũng khiến vận mệnh thay đổi, phước lộc tiêu tán. Ngược lại, một người biết tu thân, tích đức thì cũng có thể khiến vận mệnh thay đổi ở một mức độ nào đó. Có những thứ con người nhờ nỗ lực mà đạt được, cũng có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Thuận theo tự nhiên, tùy duyên mà sống mới là lựa chọn tốt nhất.
Trong Phật học, thực hiện Lục Độ Ba La Mật sẽ giúp con người giác ngộ chân lý và đạt được những lợi ích thực tế trong cuộc sống như sức khỏe, vật chất, hạnh phúc, bình an. Sáu hạnh Ba La Mật gồm bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ.
Bố thí là hành động cho đi, chia sẻ tài vật, năng lực hoặc trí huệ cho người khác với tâm từ bi, không mong cầu được báo đáp. Việc cho đi giúp con người phát triển tâm trí, trở nên rộng lượng hơn.
Trì giới là giữ gìn giới luật, là những quy tắc đạo đức mà con người cần tuân theo để hướng tới đời sống đạo đức, thanh cao. Trì giới giúp con người làm lành tránh ác, tăng phước, giảm nghiệp và giúp tâm trí thanh tịnh, sáng suốt. Với người tu tại gia cần giữ ngũ giới cấm gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không say xỉn.
Tinh tấn có nghĩa là siêng năng, chuyên cần, cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được mục tiêu. Tinh tấn có thể được thể hiện ở nhiều khía cạnh như học tập, làm việc, tu tập.
Nhẫn nhục là là khả năng chịu đựng những khó khăn, thử thách, những điều không vừa lòng, không thuận lợi, không mong muốn một cách bình thản, không để những điều đó làm ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của mình. Hạnh nhẫn nhục giúp con người kiểm soát tâm trí, giúp bản thân bình tĩnh, sáng suốt, vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống và trở nên mạnh mẽ hơn.
Thiền định là một quá trình tập trung tâm trí vào một đối tượng duy nhất, chẳng hạn như hơi thở, một câu thần chú hoặc một hình ảnh. Khi tâm trí được tập trung, nó trở nên tĩnh lặng và sáng suốt. Điều này giúp chúng ta nhìn rõ hơn bản chất của thực tại và vượt qua những phiền não.
Trí tuệ trong Phật giáo được gọi là “bát nhã”, đó là sự thấu hiểu chân lý, vượt qua mọi mê lầm và chấp thủ. Có hai loại trí tuệ gồm trí tuệ thông thường và trí tuệ Phật quả. Trí tuệ thông thường giúp ta nhận thức được thế giới một cách đúng đắn, không bị mê mờ bởi ảo tưởng. Trí tuệ này có thể được trau dồi thông qua học tập, suy luận và thực hành. Trí tuệ Phật quả là trí tuệ hoàn hảo, thấu hiểu được bản chất của thực tại. Trí tuệ này chỉ có thể đạt được thông qua quá trình tu tập lâu dài và gian khổ.
Nếu một người kiên trì thực hành Lục Độ Ba La Mật kể trên sẽ có một cuộc sống quân bình, an lành, hạnh phúc hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những mong cầu của họ sẽ được như ý. Trong chuyện tình cảm lứa đôi hay hôn nhân, con cái, nếu như đã có duyên phận thì chạy trời không khỏi nắng, còn một khi đã vô duyên thì cưỡng cầu cũng không được.
Một người bạn của tôi từng phát nguyện xuất gia, nhưng sau đó bạn đã kết hôn và đã có hai đứa con. Bạn nói rằng có những việc tưởng như là lựa chọn của mình nhưng thật ra không phải. Chồng con cũng là duyên nợ. Nếu một người đã mong cầu nhưng vẫn lẻ bóng một mình thì có thể hiểu là đời này họ không phải trải qua bài học trong hôn nhân và làm cha mẹ. Họ có thể ung dung, tự tại, tự do làm những điều họ muốn mà không vướng bận chuyện gia đình. Vậy nên hãy cứ bình thản, tùy duyên mà sống, vì mọi chuyện đều có sự an bài của định mệnh.
I Am NGA