Tôi từng đọc được một câu nói thế này: “Chỉ khi học được cách từ bỏ, bạn mới thực sự đạt được.”
Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta sẽ phải đón nhận những điều bản thân không mong muốn, trong quá trình này, chỉ bằng cách học cách đưa ra những lựa chọn, chúng ta mới có thể thực sự trưởng thành.
Đừng cố theo đuổi sự hoàn hảo
Có một câu nói thế này: “Cái gọi là sự hoàn hảo trên thế giới thực chất chỉ là ảo ảnh. Theo đuổi sự hoàn hảo sẽ làm mất đi tính chân thực của cuộc sống.”
Chỉ khi buông bỏ được những nỗi ám ảnh, chúng ta mới có thể sống một cách thư thái. Thực tế, những người theo đuổi sự hoàn hảo là những người dễ rơi vào mâu thuẫn nội tâm nhất. Ví dụ, khi ai đó thốt ra lời nào đấy vu vơ, bạn có nghi ngờ rằng nó nhắm đến bạn không? Khi ai đó cư xử một cách lạnh lùng, bạn có cho rằng người ấy không thích bạn không?
Theo đuổi sự hoàn hảo quá mức dẫn đến việc tập trung quá mức vào bản thân, từ đó đem lại đau khổ cho chính mình. Những người cầu toàn không chỉ làm tổn thương bản thân mà còn làm tổn thương người khác.
Có câu: “Trăng tròn thì khuyết, nước đầy thì tràn”. Đừng cố gắng trở nên hoàn hảo trong mọi việc, chỉ cần bạn nỗ lực hết sức mình đã đủ. Hãy chấp nhận những điểm khiếm khuyết của bản thân và người khác, buông bỏ những ám ảnh của mình và bạn sẽ có được cuộc sống thảnh thơi.
Đừng quá chú trọng đến kết quả
Xưa kia, có một thanh niên hỏi Đức Phật: “Thưa ngài, thành công là gì ạ?”
Đức Phật trả lời: “Thành công là cuộc sống, thành công là kinh nghiệm, thành công là mồ hôi.”
Chàng trai lại hỏi: “Thành công không phải là hoa tươi và tiếng vỗ tay hay sao?”
Đức Phật dạy: “Đừng bị ám ảnh bởi vinh quang của thành công, mà hãy tận hưởng quá trình đi đến thành công ấy.”
Không quá chú trọng đến kết quả không có nghĩa là mặc kệ mọi chuyện ra sao thì ra, mà là chuyển trọng tâm vấn đề. Ví dụ, khi bạn đặt mục tiêu, hãy tập trung vào quá trình và kết quả sẽ đến một cách tự nhiên. Ưu điểm của việc này là giảm bớt lo lắng về sự được – mất cũng như có thể nhìn rõ toàn diện vấn đề.
Ý nghĩa của quá trình là ý nghĩa của cuộc sống. Hãy ngừng lo lắng về vấn đề được – mất, hãy buông bỏ những ám ảnh của mình và khi đó bạn mới có thể trân trọng ý nghĩa sâu sắc của thời gian.
Buông bỏ sự “chấp trước”
Đạo Phật dạy con người cần phải thoát khỏi “sự chấp ngã” và khuyên chúng ta đừng coi trọng bản thân quá mà hãy chú ý đến mọi thứ trong hiện tại.
Khi đọc thì tập trung vào sách, khi làm việc thì tập trung vào công việc, khi ăn thì tập trung vào ăn. Chỉ khi bạn không nghĩ đến điều gì khác, bạn mới có thể tập trung vào hiện tại và hoàn thành tốt mọi việc. Chỉ khi thoát khỏi sự chấp trước vào bản thân, chúng ta mới có thể mở được xiềng xích khóa trái tim và nhìn thấy một chân trời mới.
Đừng ngây ngất vì được lợi, đừng buồn rầu vì mất mát, hãy cứ để cuộc sống diễn ra theo quy luật của nó và bạn chỉ cần sống tùy duyên.
Như có câu nói: “Mỗi hạt cát là một thế giới, mỗi bông hoa là một thiên đường, hai tay nắm giữ sự vô tận, một khoảnh khắc đều là vĩnh cửu.”
Cuộc sống quý giá, đừng lãng phí nó. Con đường phía trước vẫn còn dài, hãy đón nhận khi mọi chuyện xảy đến bằng tâm thái an nhiên, và rồi bạn sẽ có được sự bình yên trong mọi hoàn cảnh.
Vivian (Tổng hợp)/ Theo Baijiahao
Ảnh: Sưu tầm