Thời gian vừa qua, bộ phim “Gia đình mình vui bất thình lình” chiếm được cảm tình của khán giả nhờ nội dung “chữa lành” nhẹ nhàng, không drama, kịch tính. Bộ phim kể về cuộc sống của gia đình bà Cúc, ông Toại với 3 người con trai, Công, Thành, Danh.
Sau khi Danh lấy Trâm Anh, gia đình có thêm thành viên mới và có không ít chuyện xảy ra. Xuất thân trong gia đình giàu có, ban đầu, mẹ Trâm Anh muốn con gái ra ở riêng và đồng ý mua nhà cho các con. Tuy nhiên, Danh muốn Trâm Anh về ở chung với nhà chồng để các thành viên trong gia đình làm quen, vun đắp tình cảm.
Sau thời hạn 2 tháng ở chung với gia đình chồng, Trâm Anh và Danh rục rịch chuyển về nhà Trâm Anh ở vì nhà cô chỉ có 2 mẹ con. Việc Danh về nhà vợ ở rể là hợp lý, tuy nhiên, phản ứng của các thành viên trong gia đình nhà ông Toại được cho là thái quá và đặt nặng định kiến việc ở rể.
Cả nhà ông Toại – bà Cúc buồn bã khi Danh chuyển đi
Trong tập 18, Danh và Trâm Anh chuẩn bị chuyển về nhà Trâm Anh ở với mẹ của cô. Gia đình bà Cúc tỏ ra lưu luyến, không muốn con trai và con dâu chuyển đi. Mặc dù trước đó, hai bên gia đình đã thống nhất sau khi cưới, Trâm Anh sẽ sống cùng nhà chồng một thời gian ngắn. Sau đó, đôi trẻ sẽ về ở cùng bà Ngọc (Phương Hạnh) – mẹ ruột của Trâm Anh.
Việc cặp đôi con trai út nhà bà Cúc về ở nhà ngoại là hợp lý vì nhà Danh chật chội, đông người. Trong khi đó, bà Ngọc sống một mình. Tuy vậy, khi Danh chuẩn bị chuyển đi, cả nhà không muốn cho anh đi ở rể.
Bà Cúc, ông Toại buồn bã vì Danh sắp đi ở rể.
Trong khi đó, bà Cúc buồn bã, tiếc nuối vì nhà chật chội, không giữ được con trai. Ông Toại chẳng biết làm gì ngoài an ủi vợ. Cháu trai Danh nói: “Con thích chú Danh ở nhà cơ. Vợ phải ở nhà chồng chứ. Biết thế con không đồng ý cho chú cưới vợ nữa. Chú lấy vợ bây giờ chú phải ở nhà vợ…”. Câu nói này khiến cả Danh và Trâm Anh khó xử.
Bé Long không muốn chú Danh chuyển đi.
Chi tiết ba anh em trai chia tay nhau cũng bị cho là làm quá. Khi Thành vui vẻ khen em trai “số hưởng” vì mẹ vợ có điều kiện, Công than thở: “Xuân đâu chưa thấy, mới chỉ thấy rét mướt của mùa đông. Bố có vẻ suy nghĩ về chuyện chú chuyển đi”. Thành nhắc nhở Danh: “đã làm cho bố mẹ buồn thì phải cố mà vui”.
Thành và Công cũng nặng nề chuyện em út đi ở rể.
Phân đoạn ba anh em nhớ lại lời thề ngày bé cũng có câu thoại được cho là nêu định kiến về chuyện ở rể: “Lấy vợ thì vợ về ở với mình thôi. Mẹ dạy như thế mà”. Danh tỏ ra buồn bã khi sang nhà mẹ vợ ăn cơm.
Mang nặng định kiến chuyện ở rể
Nhiều khán giả nhận định trong xã hội hiện đại, chuyện ở rể không còn quá nặng nề, to tát. Hiện tại, mỗi gia đình sinh ít con hơn xưa. Vì vậy, tùy hoàn cảnh, người phụ nữ có thể làm dâu, đàn ông cũng có thể ở rể. Vì vậy, tình tiết gia đình bà Cúc buồn rầu, than thở, ba anh em chia tay sướt mướt khá bất hợp lý.
Tất nhiên, giống như việc phụ nữ đi làm dâu, đàn ông đi ở rể cũng chịu nhiều áp lực. Ngày nay, không ít cảnh con rể đau đầu vì định kiến của gia đình vợ và gia đình của chính mình. Một khi trong lòng đã có ác cảm, rất khó để hóa giải nếu bản thân người mang định kiến đó không thay đổi suy nghĩ. Do đó, để quan hệ mẹ vợ – con rể tốt đẹp hơn, đòi hỏi thiện chí từ đôi bên, nhất là người ở giữa – người vợ (hay con gái).
(Ảnh minh họa)
Đàn ông thường giỏi xoay sở trong cách điều hòa các mối quan hệ bằng phụ nữ. Một số anh con rể không biết làm sao để lấy lòng gia đình vợ. Có trường hợp, chàng rể tránh mặt bố mẹ vợ. Người vợ đứng ở giữa, phải là người khôn khéo trong cách xử lý các mối quan hệ. Bạn cần nhỏ to với bố mẹ, với chồng để đôi bên hiểu nhau. Ngoài ra, vợ cần biết giữ thể diện cho chồng, khi có mâu thuẫn, tuyệt đối không đem chuyện ở rể ra để nói.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Minh Tâm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), quan niệm ở rể tựa như “chó chui gầm chạn” xuất phát từ tư tưởng trọng nam, khinh nữ thời xưa. Xã hội giờ đã thay đổi, nam nữ đã tiến đến bình quyền, quan niệm đó lẽ ra phải bị coi là lỗi thời, lạc hậu nhưng rất tiếc, với nhiều người, nó vẫn ăn sâu vào nếp nghĩ, lối sống. Thử đặt ra câu hỏi, người phụ nữ có thể theo chồng về làm dâu, phụng dưỡng bố mẹ chồng, vì sao người đàn ông lại không thể đến ở rể, chăm sóc bố mẹ vợ? Nếu câu trả lời là không thì vì lý do gì? Hay chính là bởi những định kiến đã gắn chặt vào suy nghĩ của chúng ta chưa thoát ra được?
Còn chuyên gia tâm lý Minh Công (Trung tâm Tâm lý học Ứng dụng Sông phố) cho rằng, ở rể hay làm dâu cũng đều giống nhau ở việc phải học cách sống chung. Việc hạnh phúc hay khổ sở phụ thuộc nhiều vào việc người trong cuộc ứng xử thế nào, có làm chủ được bản thân hay không. Nếu người con rể hiếu nghĩa với bố mẹ vợ, sống có trách nhiệm với gia đình, người vợ khéo léo, không “ỷ thế” nhà mình khiến chồng chạm tự ái… việc ở rể sẽ rất thuận lợi.
Anh Đào (Tổng hợp)