EQ còn được biết đến là trí tuệ cảm xúc, là khả năng nhận biết, hiểu và điều khiển cảm xúc của bản thân cũng như của người khác. Đây là một yếu tố quan trọng giúp chúng ta điều chỉnh hành vi, xây dựng mối quan hệ tích cực và đạt được thành công trong cuộc sống.
Sự cao thấp của EQ không chỉ phản ánh ở cách chúng ta xử lý các tình huống trong thế giới thực, mà còn được thể hiện qua cách mỗi người tương tác và tham gia vào không gian mạng. Những người có EQ cao đánh giá cao văn hóa trên mạng xã hội, họ biết cách thể hiện bản thân một cách phù hợp, tôn trọng người khác và tạo ra một môi trường trực tuyến lành mạnh, tích cực. Ngược lại, những người có EQ thấp thường đăng tải những nội dung khó chịu trên mạng, đặc biệt là những điều dưới đây.
1. Newfeed tràn ngập bài đăng bán hàng online
Trên dòng thời gian mang xã hội, không ít lần chúng ta bị quấy rầy bởi việc bạn bè liên tục đăng các bài viết quảng cáo sản phẩm trực tuyến. Mặc dù mỗi người có một công việc và mục tiêu riêng việc họ đăng quá nhiều các bài bán hàng online khiến những người xung quanh cảm thấy không thoải mái. Sử dụng mạng xã hội, theo cách mà hầu hết mọi người mong muốn, là để tương tác và kết nối, không phải để trở thành một thị trường trực tuyến.
Những hành động này có thể dẫn đến sự mất lòng tin và thậm chí là việc những người đó dễ bị loại bỏ khỏi danh sách bạn bè mà không hề biết. Những mối quan hệ có chất lượng cũng có thể tan vỡ vì lý do này.
2. Thích đăng tải những điều tiêu cực, than thân trách phận
Việc thích chia sẻ những suy nghĩ tiêu cực và than thở về cuộc sống không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mình mà còn lan tỏa tiêu cực đến những người xung quanh. Những người xung quanh sẽ dễ bị “nhiễm” bởi tâm trạng tiêu cực của bạn, làm cho môi trường xung quanh trở nên ảm đạm và khó chịu.
Người có EQ cao thường chủ động giải quyết những vấn đề cá nhân một cách riêng tư thay vì đưa chúng lên mạng xã hội. Họ nhận thức rõ rằng việc chia sẻ cảm xúc tiêu cực công khai không chỉ không giải quyết vấn đề mà còn tạo ra sự không thoải mái cho người khác. Đồng thời, họ hiểu rõ rằng việc chia sẻ những suy nghĩ tiêu cực có thể gây ra những hiểu lầm không mong muốn và ảnh hưởng đến hình ảnh của mình trong mắt người khác.
3. Bình phẩm, đá xéo người khác
Thói quen bình phẩm và chỉ trích người khác trên mạng xã hội không thể giúp giải quyết mâu thuẫn, thậm chí còn làm tổn thương mối quan hệ. Những bài đăng như vậy thường chỉ phục vụ cho nhu cầu giải toả cảm xúc cá nhân của người viết, trong khi làm tăng cảm giác không thoải mái cho những người khác trong danh sách bạn bè trên mạng xã hội.
4. Tỏ vẻ mình ta đây, flex sự giàu có
Việc thường xuyên “khoe” sự giàu có và những đồ xa xỉ trên mạng xã hội có thể gây ra sự khó chịu cho người khác và tạo ra khoảng cách trong mối quan hệ. Mặc dù đôi khi việc chia sẻ này có thể nhận được sự ngưỡng mộ từ người khác, nhưng nếu làm quá mức có thể dẫn đến phản cảm và đánh mất lòng tin từ đối phương khi giao tiếp.
Những người có trí EQ cao thường biết cách biểu đạt cuộc sống của họ một cách kỹ lưỡng và thận trọng để tránh những hậu quả không mong muốn như gây ra sự ghen tức hoặc trở thành mục tiêu của những tình huống không mong đợi.
Khánh Chi(Tổng hợp)