Rau đay là gì?
Rau đay một số nơi gọi là rau nhớt, có vị ngọt và tính hàn. Loại rau này có nhiều tác dụng tốt như tăng cường sức đề kháng, giải nhiệt, cải thiện tiêu hóa, kích thích tiểu tiện, giúp làm dịu các triệu chứng đờm và có tác dụng kháng viêm, làm dịu sưng đau,…
Bên cạnh đó, rau đay cung cấp capsin, một hoạt chất thuốc được biết đến với tác dụng tương tự các glycosid cường tim, đã được sử dụng làm thuốc chống suy tim trong thời gian dài.
Chất nhầy trong rau đay còn chứa nhiều acid hữu cơ như coumaric, ferulic, vanillic, và hydroxybenzoic, tất cả đều có tác dụng kháng viêm mạnh mẽ.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã phát hiện các chất đường như glucose, fructose, sucrose và hai chất inositol có khả năng nhuận tràng, giúp cải thiện sức khỏe tiêu hóa.
Canh cua rau đay
Nguyên liệu món canh cua rau đay:
• 1 bó rau đay
• 1 bó mồng tơi
• 300gr cua đồng
• 100gr mướp
• Gia vị: muối, dầu ăn bột ngọt…
Canh cua rau đay
Cách làm món canh cua rau đay:
Bước 1: Sơ chế cua:
Bóc bỏ yếm và mai cua. Nhẹ nhàng tách lớp gạch ở mai cua và đặt vào một bát riêng.
Cho phần thân cua vào máy xay nhuyễn. Thêm vào phần cua đã xay vào một nửa thìa muối trắng và một bát nước. Sau đó lọc lấy nước và bỏ đi phần xác cua.
Bước 2: Sơ chế rau:
Rửa sạch và thái nhỏ rau đay, mướp và mồng tơi.
Bước 3: Nấu canh cua rau đay
Đổ nước cua vào nồi và đun sôi ở mức lửa nhỏ vì khi canh sôi mạnh, thịt cua có thể trào ra ngoài.
Khi canh cua sôi và thịt cua bắt đầu kết lại thành mảng, bạn nghiêng nồi để gạch sôi đẩy về một phía. Sau đó, bạn có thể thêm rau đay, mướp và mồng tơi vào nồi.
Cho phần gạch cua đã được lấy từ mai cua vào. Thêm muối và một ít bột ngọt theo khẩu vị của bạn. Sau khi nước canh sôi lại, bạn có thể tắt bếp và cho ra bát thưởng thức cùng gia đình.
Canh cua rau đay và mồng tơi nấu theo cách này sẽ thơm phức, nước canh ngọt ngào, và thịt cua béo ngon, đóng mảng, không bị nát vụn. Món canh này sẽ chắc chắn khiến ai cũng mê mệt.
Mai Hương (Tổng hợp)
Ảnh: Sưu tầm