Nhìn vào thời gian nghỉ thực tế
Phương pháp Pomodoro là một kỹ thuật quản lý thời gian được nhiều người áp dụng với hy vọng tăng cường hiệu suất làm việc. Theo phương pháp này, bạn thiết lập một đồng hồ bấm giờ 25 phút để tập trung hoàn toàn vào công việc, sau đó được thưởng cho 5 phút nghỉ giải lao. Mô hình này lặp lại bốn lần và sau đó bạn được thưởng một khoảng thời gian nghỉ dài hơn là 20 phút.
Ngày nay, có nhiều ứng dụng và trang web được thiết kế dựa trên phương pháp Pomodoro để hỗ trợ việc cải thiện năng suất. Tuy nhiên, Dalton – một nhân viên văn phòng ở Mỹ đã đưa ra quan điểm riêng khi cho rằng việc này có thể là một sai lầm. Vì hầu hết mọi người không thể linh hoạt kiểm soát việc tập trung.
Dalton lý giải: “Một trong những vấn đề quan trọng là mất khoảng 23 phút để khôi phục lại tình trạng tập trung sau khi bị phân tâm. Do đó, khi bạn đang chìm vào luồng ý tưởng sáng tạo và đột nhiên bị gián đoạn, mọi thứ sẽ tự động bị trì hoãn.”
Đo lường năng suất của bạn bằng các nhiệm vụ chứ không phải thời gian
Một trong những quan niệm sai lầm cơ bản liên quan đến năng suất trong xã hội là quan niệm làm việc 40 giờ mỗi tuần.
“Không có gì đặc biệt về con số 40. Nó thực sự không có ý nghĩa!”, Dalton nhấn mạnh. “Chúng ta nên bỏ qua việc tập trung vào thời gian mà đồng nghiệp của mình dành cho công việc, thay vào đó, chú trọng đến chất lượng và xác định khía cạnh nào là quan trọng nhất để đạt được sự thành công”, cô nói thêm.
Bằng cách điều chỉnh cách tiếp cận với công việc, Dalton nhanh chóng nhận ra cô không cần phải dành đúng 40 giờ trong tuần để hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng nhất. Cô thừa nhận rằng việc có danh sách công việc cần thực hiện và liên tục đặt lịch trình có thể tạo cho cô một cảm giác làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy chúng ngăn trở hiệu suất thực sự của cô.
Nguyên nhân nằm ở chỗ bộ não chúng ta sẽ ưu tiên chọn những nhiệm vụ dễ dàng để hoàn thành.
Kết quả là: Các nhiệm vụ khó và quan trọng thường bị trì hoãn và kéo dài trong nhiều ngày liền.
“Kiểm tra” lại bản thân thường xuyên
Trong một thời kỳ quá tải với lịch làm việc cùng với những tuần làm việc kéo dài tới 70 giờ trước đây, Dalton không bao giờ dành thời gian để thực sự nhận ra mình đang tiến gần đến tình trạng kiệt sức – một tình trạng ngày càng phổ biến trong môi trường làm việc. Điều này đã thúc đẩy việc kiểm tra thường xuyên tình trạng sức khỏe của bản thân trở thành một phần quan trọng trong quá trình làm việc hiệu quả của cô ấy ở thời điểm hiện tại.
Dalton đã thiết lập một cuộc họp với chính mình mỗi quý một lần, xem đó như một thời gian dành cho việc tự suy ngẫm về bản thân. Trong mỗi buổi họp này, cô sẽ đánh giá vị trí của mình trong cuộc sống và xem liệu cô có cảm thấy hài lòng với điều đó hay không. Cô ấy suy ngẫm về tốc độ lịch trình, sự cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc cũng như những thay đổi cần thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Mỗi “cuộc kiểm tra” đó đồng nghĩa với việc cô biết rõ mình đang trở nên mất cân bằng như thế nào, liệu công việc có chiếm lĩnh quá nhiều thời gian và cách xa gia đình. Cảm giác không dành đủ tình thương cho con cái đã thúc đẩy cô xác định rõ ràng ranh giới thời gian giữa công việc và cuộc sống gia đình, đồng thời thiết lập một lối sống với tuần làm việc chỉ còn 30 giờ của riêng cô.
“Thói quen này thực sự hiệu quả vì nó giúp bạn trải nghiệm cuộc sống một cách sâu sắc hơn. Nó khiến tôi cảm thấy như mình đang là người điều khiển tay lái, chứ không chỉ đơn giản là người ngồi trên xe buýt”, Dalton chia sẻ.
Anh Chi (Tổng hợp)