Trong cuốn Mặt trời cũng là một vì sao, tác giả Nicola Yoon có đề cập tới một khái niệm mới mẻ: “koi no yokan” có nghĩa là “yêu từ cái nhìn thứ hai”. Đây là một cụm từ tiếng Nhật rất đẹp, dành cho những người có thể vừa gặp, chưa thể đắm say, nhưng đó là cảm giác – rồi bạn sẽ dần tiếp nhận và yêu con người họ, bởi bạn hiểu tình yêu chân chính ngoài rung động, còn là trách nhiệm, là gánh vác, là sự thấu hiểu và còn là chỗ dựa.
Cụm từ “koi no yokan” có ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa Nhật Bản
Người Nhật tin rằng mọi cuộc gặp gỡ đều có một ý nghĩa nhất định của nó. Nếu bạn cảm thấy “koi no yokan” đối với ai đó, thì nó là dấu hiệu cho một mối quan hệ tình cảm thực sự.
Có một khái niệm gần giống với “koi no yokan” là “magokoro” (chân tình). Đây là khái niệm dùng để chỉ cảm giác của một người khi họ nhận ra một tình cảm đặc biệt đối với người khác.
Với “yêu từ cái nhìn thứ hai”, nó như là một sự bổ sung cho “hitomebore” (一目惚れ) – yêu luôn từ cái nhìn đầu tiên. Bởi thực chất, có những sự việc, có những câu chuyện, có những trải nghiệm, có những cơ hội, và có cả những tình yêu, tất cả chỉ thực sự trọn vẹn hơn ở lần thứ hai.
Người Nhật còn có rất nhiều cách diễn đạt thú vị khác về tình yêu. Chẳng hạn như, tình yêu lãng mạn, tình yêu lứa đôi, tình cảm dành riêng cho một người, cả những mong mỏi, khát khao, ham muốn, mê đắm – hết thảy đều là Koi. Trái ngược với “Koi”, “Ai” (愛) lại là tình yêu vị tha, bao dung, không màng đến nhận lại mà chỉ nghĩ đến cho đi. Tình yêu của cha mẹ với con cái là một ví dụ điển hình của “Ai”.
Ngôn ngữ của một đất nước giúp cho chúng ta hiểu được cách họ suy nghĩ, hiểu được cách họ nhìn thế giới. Và khi tìm hiểu về ngôn ngữ Nhật Bản, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy được họ là những con người đầy chất thơ, mộc mạc và tinh tế.
Yêu từ cái nhìn thứ hai là như thế nào?
Được xem là “kỳ tích 2016 của nền hoạt hình Nhật Bản”, phim điện ảnh Your Name (Kimino Na Wa) của đạo diễn Makoto Shinkai đã khắc họa sâu sắc ý nghĩa “yêu từ cái nhìn thứ hai”.
Your Name là câu chuyện tình cảm kéo dài từ thời thiếu niên của những người trẻ tuổi. Cô bé Mitsuha sinh ra và lớn lên tại một vùng quê hẻo lánh, cảm thấy không bằng lòng với cuộc sống nơi thôn quê buồn chán. Còn Taki là cậu học sinh bình thường ở Tokyo, cuộc sống đều đều trôi qua với bè bạn và việc đi học. Một ngày kia, hai người họ thức dậy trong thân xác của người còn lại. Rất nhiều những chi tiết kỳ ảo và lãng mạn được đưa ra nhằm giải thích cho sự kiện phi lý này. Trong quá trình tìm kiếm cách trở về, cả hai bắt đầu cảm thấy rằng có sự kết nối đặc biệt giữa họ, dù cho họ chưa từng gặp mặt. Những ngại ngùng rung động, những nỗi buồn mong manh, những mơ hồ của tuổi trẻ cứ thế được phủ lên một sắc màu lấp lánh của điều kỳ diệu phi lý, nhưng lại quá đỗi ngọt ngào. Sự hoán đổi thân xác mang đậm vẻ liêu trai ấy hoá ra lại chính là sợi chỉ đỏ của số phận đem tới kết nối cho hai con người xa lạ lại gần nhau.
Cuối cùng, vượt qua bao sự khó khăn thì Mitsuha và Taki vẫn tìm được đến nhau. Họ là những con người kiên cường không chịu thua trước nghịch cảnh. Họ lần theo những manh mối để tìm lại nhau, và vào thời khắc khi hoàng hôn buông xuống khi không gian và thời gian dừng lại, họ gặp lại nhau bởi chính niềm tin sắt đá nơi con tim của mình. Tại đây, mọi giới hạn cảm xúc như vỡ òa.
Người ta vẫn nói, yêu là khi bạn sẵn sàng chấp nhận mọi khuyết điểm của đối phương để dung hòa và san sẻ. Nếu như vậy, một cái chạm nhẹ lần đầu sao có thể hiểu được nhau? Mà phải mãi sau này, khi bạn gặp lại họ lần thứ hai, thứ ba và nhiều hơn thế nữa, bạn mới có thể chắc chắn đó có phải là tình yêu hay không.
Yêu từ cái nhìn thứ hai, bạn đã từng trải qua cảm giác ấy chưa? Yêu những lúc đầu tuyệt nhiên không hề có cảm xúc rồi “mưa dầm thấm lâu”, càng về sau lại càng mạnh mẽ hơn, nồng cháy hơn và sâu sắc hơn rất nhiều.
Có những thứ bạn làm, ngay từ lần đầu tiên đã thất bại. Điều đó không có nghĩa là bạn nên bỏ cuộc, nó có nghĩa là: làm tới đi – lần thứ hai – sẽ thành công!
Còn yêu – hãy yêu từ cái nhìn thứ hai.
Đông Miên (Tổng hợp)
Ảnh: Sưu tầm