Chuyện tình của chàng cảm tử quân và cô tiểu thư Hà thành
Bối cảnh phim diễn ra vào mùa Đông năm 1946 – 1947, thời điểm quân và dân Thủ đô chuẩn bị di tản lên vùng kháng chiến. Trên đường đi, cô tiểu thư Hà thành Thục Hương (Cao Thùy Linh thủ vai) bị lạc mất gia đình.
Cô trở về căn nhà cũ lấy cớ là tìm lại cây đàn piano cũ. Thực ra, Thục Hương mong gặp lại người yêu của mình là chàng dân quân Văn Dân (Doãn Quốc Đam đảm nhiệm). Hai người quyết định tổ chức đám cưới trước khi bước vào trận quyết chiến.
Chuyện tình yêu của Văn Dân và Thục Hương là chuyện tình cảm của chàng dân quân hơi ngờ nghệch nhưng đầy gan dạ và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc cùng với nàng tiểu thư Hà Thành mặc hết hiểm nguy để đi theo tiếng gọi của con tim, tìm đến nơi người mình yêu thương nhất. Cả hai đã sống trọn vẹn những ngày tháng có thể là cuối cùng. Giữa bối cảnh bom rơi, đạn lạc, Thục Hương chẳng màng nguy hiểm, vẫn quay trở lại phố cổ để tìm gặp người yêu.
Trong khi đó, Văn Dân yêu thương Thục Hương, quyết định tổ chức đám cưới với nàng nhưng vẫn chiến đấu, hy sinh vì quê hương, đất nước. Trong những thời điểm tăm tối nhất, chúng ta thấy được tình yêu lứa đôi đã hòa quyện vào tình yêu quê hương đất nước, tạo thành bản anh hùng ca bi tráng.
Phim mở đầu bằng tình yêu và kết thúc cũng là tình yêu!
Bộ phim mở đầu bằng cảnh đôi lứa thể hiện tình cảm, cảm xúc lãng mạn, kết thúc bằng hình ảnh cả hai cùng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước và chọn cái chết bi tráng nhất. Mỗi người chúng ta đều bước đi trên con đường riêng của mình, có thể gặp gỡ nhau, có thể chỉ bước qua nhau và có thể chia sẻ mọi khắc khoải, mọi niềm vui, mọi khát khao. Trong bộ phim, cặp đôi chính đã hết mình với tình yêu và hiến dâng tất cả cho Tổ Quốc.
Lịch sử dân tộc đã trải qua hàng ngàn năm với những trận dựng nước và giữ nước và trong đó, bao nhiêu người đã hy sinh và bao nhiêu câu chuyện tình yêu còn dang dở? Đào, phở và piano một lần nữa khẳng định: Ngoài tình yêu của đôi lứa, còn có tình yêu, sự hy sinh cho quê hương, đất nước!
Khánh An(Tổng hợp)