Văn hóa Á Đông luôn đề cao chữ hiếu, vì thế mới có câu “Con không chê cha mẹ khó” và dù bố mẹ ra sao thì con cái cũng không có quyền trách móc. Dù thế nào thì ơn nghĩa sinh thành vẫn như trời cao biển rộng. Song trên thực tế, trên các diễn đàn mạng xã hội, không ít những đứa con vẫn đăng đàn “kể tội” chính cha mẹ mình, xả hết nỗi uất ức trong lòng.
Công bằng mà nói, nếu những đứa con ấy được sống sung sướng, hạnh phúc, thỏa mãn thì đã không hằn học, trách móc những người xung quanh. Khi nội tâm không yên ổn thì đối tượng đầu tiên mà họ chĩa mũi dùi lại chính là cha mẹ ruột của mình.
Tâm lý học phương Tây đánh giá cao vai trò của cha mẹ trong việc hình thành xu hướng tính cách của một con người và những điều này sẽ theo họ suốt cuộc đời. Chẳng hạn một người hút thuốc, một nhà phân tâm học sẽ phân tích dưới góc độ người này bị dứt sữa mẹ từ sớm, hành động hút thuốc cũng giống việc ngậm bầu sữa mẹ, hơi khói nhả ra cũng ấm nóng như hơi sữa. Cả việc bú sữa và việc hút thuốc đều đem đến một trạng thái thoải mái về tinh thần. Cứ như thế, họ đổ hết mọi tội lỗi lên đầu người mẹ, còn họ thì vô tội.
“Thế thì kiếp sau đừng có chui vào tử cung của một người phụ nữ nào nữa” – đạo sư Osho đã nói câu phũ mà thật, điều này đã được ghi lại trong cuốn Đạo – Con đường không lối. Đúng là cha mẹ có tác động không nhỏ đến sự hình thành tính cách của một con người. Những điều cha mẹ dạy dỗ khi ta còn nhỏ sẽ theo ta đi suốt cuộc đời. Không phải cha mẹ nào cũng yêu thương, chăm sóc, dạy bảo con một cách ân cần, chu đáo. Có những người quá bận rộn nên không dành đủ thời gian cho con. Cũng có những người lại quá nghiêm khắc, thường xuyên dạy con bằng đòn roi.
Thương cho roi cho vọt và những “roi vọt” ấy cho đến khi đứa trẻ lớn vẫn còn thấy đau. Đòn roi có thể khiến đứa trẻ sợ hãi nhưng không phục mà còn đem lòng oán giận. Sau này, chúng sẽ đáp trả bằng cách thờ ơ, xa cách với cha mẹ. Đối đãi với cha mẹ bằng trách nhiệm chứ không phải bằng tình cảm xuất phát từ trái tim của một người con.
Dẫu thế nào, cũng nên thông cảm cho cha mẹ. Sinh đẻ và nuôi dưỡng một đứa con đến khi trưởng thành vốn không dễ dàng gì. “Nó xé toạc người tôi để chui ra đấy” – một bà mẹ đã nói như vậy về trải nghiệm sinh con. Nuôi một đứa trẻ lớn lên bình thường đã vất vả, lại còn những khi đau ốm. Một người mẹ trong gia đình vừa phải quán xuyến việc nhà, hai bên nội ngoại, vừa phải lo kiếm tiền nuôi con thì làm sao đảm bảo lúc nào cũng ân cần, dịu dàng, dành nhiều thời gian cho con được. Tương tự, người cha lúc nào cũng phải mang vác trên vai trọng trách làm trụ cột gia đình.
Dù cha mẹ thiếu sót đến đâu cũng không hoàn toàn là sai lầm từ một phía. Có thể do hoàn cảnh, cuộc sống lúc bấy giờ quá khó khăn. Có thể do họ cũng được giáo dục nghiêm khắc như vậy từ ông bà nội ngoại hai bên, nên đem cách giáo dục đó áp lên con cái. Chúng ta được ăn học, tiếp xúc, mở mang hiểu biết hơn, phần nào nhờ sự hy sinh của cha mẹ. “Con hơn cha” không phải để quay lại trách móc mẹ cha mà hãy dùng sự hiểu biết của mình để thấu hiểu cha mẹ. Có hiểu mới có thương và khi đã hiểu người ta khó có thể trách móc được nữa.
Mỗi khi cảm thấy bất mãn điều gì với cha mẹ, hãy tự hỏi “Cha mẹ đối với mình như thế nào?” Hãy thật công bằng khi kể ra những điều khiến mình bất mãn, cũng phải kể ra những điều mình biết ơn. Vì não người thường nhớ rõ hơn những ký ức không vui nên hãy ngồi xuống, viết ra giấy thật rõ ràng mới được. Có điều già cha mẹ đã làm cho mình, khiến mình vui vẻ hay không? Những lần cha mẹ phạt đòn roi, mắng mỏ mình, tại sao cha mẹ lại làm như vậy? Mình có bị đòn oan hay không?
Khi liên tục hỏi bản thân những câu như vậy, chúng ta sẽ dần chuyển hóa được nỗi oán giận, trách móc thành tình thương. Cha mẹ và con cái, dẫu thế nào cũng là mối ràng buộc cả đời, trong gia đình ấm thì ngoài mới yên. Dù trong quá khứ mình đã từng chịu tủi thân, ấm ức thế nào thì đó cũng là chuyện qua rồi. Cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng, cha mẹ cũng cần một quá trình để trưởng thành và hoàn thiện vai trò của mình. Có khi nào bạn cố gắng để hiểu lòng cha mẹ chưa?
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm.