Thông thường, trong lễ cưới, cô dâu và chú rể thường cùng nhau rót rượu vang đỏ vào ly. Tuy nhiên, trong một đám cưới đặc biệt được tổ chức ở Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội, thay vì rót rượu vang, cặp đôi đã rót trà sữa vào các ly để mời mọi người. Sau đó, cả hai dùng ly trà sữa thay vì rượu, khiến quan khách đến dự đám cưới trầm trồ.
“Trà đổ vào sữa. Sữa đổ vào trà. Như em đổ vào anh, như anh đổ vào em. Một chút vị trà đậm chát cho cuộc tình thử thách. Một chút sữa ngọt ngào thơm béo cho cuộc tình êm đẹp đắm say”, giọng MC vang lên trong khoảnh khắc thiêng liêng của đôi vợ chồng trẻ.
Cặp đôi Chính Trương – Thu Hương nhận nhiều sự quan tâm khi “chiêu đãi” các em nhỏ đến dự đám cưới những ly trà sữa.
Chia sẻ với VietNamNet, chú rể Chính Trương (SN 1996) cho biết anh đã dành hơn 2 tiếng đồng hồ đêm trước ngày cưới để tự tay nấu ly trà sữa “siêu to khổng lồ”. Anh và vợ gặp nhau lần đầu tiên ở quán trà sữa. Anh muốn dành ly trà sữa lớn này để ôn lại kỷ niệm với vợ. Không chỉ thay rượu vang bằng trà sữa, đám cưới của Chính Trương và Thu Hường còn thay bánh kem bằng bánh bông lan trứng muối.
Cặp đôi và bạn bè đã lên ý tưởng và chuẩn bị từ trước đám cưới. Khi Trương nói ý tưởng sẽ dùng trà sữa thay rượu với bố mẹ, cả gia đình đều hưởng ứng. Bố mẹ của cặp đôi nhất trí vì các cháu trong nhà đều thích uống trà sữa. Đây cũng là món đồ uống cô dâu – chú rể “chiêu đãi” các em nhỏ đến dự đám cưới.
Ý nghĩa của nghi thức rót rượu sâm banh trong lễ cưới
Khi lễ cưới bắt đầu, sau nghi thức cắt bánh cưới, cô dâu chú rể sẽ cùng nhau bật nút chai champagne, rồi cùng nhau đổ đầy tháp rượu. Tháp rượu thường được đổ đầy với khoảng hai chai champagne và tạo nên một khung cảnh huyền ảo với khói bay mờ ảo và thường được trang trí thêm màu bởi ánh đèn của sân khấu.
Cô dâu chú rể sẽ mời rượu ba mẹ hai bên như một lời cảm ơn gửi đến đấng sinh thành, cũng như một lời hứa từ hôm nay sẽ thay ba mẹ hai bên chăm sóc cho người kia. Sau đó, hai người sẽ cùng nhau uống li rượu giao bôi với ý nghĩa cùng nhau “đồng cam cộng khổ”, bên nhau trong mọi thời khắc tươi sáng lẫn xấu xí của cuộc đời sắp tới.
Cũng như nghi thức cắt bánh cưới, việc cùng chung tay rót rượu có ý nghĩa như lời chúc phúc dành cho cô dâu chú rể, mong rằng tình yêu hai người khi bước sang giai đoạn mới sẽ luôn được đong đầy và ngày càng đậm đà hơn.
Người ta thường có nhiều câu chúc dành cho những buổi tiệc rượu hạnh phúc như thế này. Trích lại một câu chúc về tình yêu của Paolo Mantegazza: “Dù khoa học có phát triển đến đâu, tình yêu vẫn mãi là nghệ thuật. Dù thiên thần có bay cao đến đâu, tình yêu vẫn luôn có đôi cánh mạnh mẽ hơn đôi cánh của thiên thần. Dù tiền bạc và công danh có làm cho con người hạnh phúc đến đâu thì niềm vui lớn nhất của cuộc đời vẫn mãi là niềm vui do tình yêu mang lại”.
Khánh An(Tổng hợp)