Sau một lần đưa con đi làm xét nghiệm máu, ông Lưu, ở Hà Bắc, Trung Quốc được biết con trai mang nhóm máu O, trong khi con gái mang nhóm máu AB. Ban đầu, ông Lưu nghi ngờ kết quả này và liên tục hỏi lại nhưng các bác sĩ khẳng định rằng không có sự nhầm lẫn nào. Điều này khiến ông tỏ ra nghi ngờ về chuyện vợ ngoại tình, bởi ông mang nhóm máu B.
Sau vài tuần căng thẳng, suy nghĩ nhiều, ông Lưu quyết định đưa cả hai con đi làm xét nghiệm ADN. Giám đốc của Trung tâm xét nghiệm ADN tại tỉnh Hà Bắc đã thông báo với ông Lưu rằng cả hai đứa trẻ đều là con của ông.
Theo giải thích của giám đốc này, việc 2 người có cùng nhóm máu chưa chắc đã là cha con. Có những trường hợp, mặc dù có nhóm máu khác nhau với ông Lưu nhưng kết quả phân tích vẫn chỉ ra mối quan hệ cha con. Để giải thích hiện tượng này, giám đốc giải thích rằng đó là kết quả của quy luật di truyền. Thực tế, một đứa trẻ có thể có cùng nhóm máu với bố mẹ nhưng điều này không xảy ra mọi lúc.
Giám đốc cũng thêm vào rằng, không thể dựa vào việc có cùng hoặc không cùng nhóm máu để xác định mối quan hệ huyết thống cha con. Thay vào đó, việc thực hiện xét nghiệm ADN, phân tích thông tin ADN của 23 cặp nhiễm sắc thể của hai hay nhiều người mới có thể xác định mối quan hệ di truyền. Có nhiều phương pháp để thực hiện xét nghiệm ADN, bao gồm sử dụng mẫu tóc, móng tay, máu từ ngón tay, niêm mạc miệng hoặc cuống rốn của trẻ sơ sinh.
Vì sao con có thể không cùng nhóm máu với bố mẹ?
Việc xác định mối quan hệ huyết thống dựa vào nhóm máu chỉ mang tính chất tương đối, có độ chính xác không cao và không được thừa nhận về mặt pháp lý. Con cái có thể cùng nhóm máu với bố mẹ và có thể không giống, nguyên nhân là do gen di truyền quy định.
– Nếu cả bố và mẹ mang nhóm máu A thì con sinh ra có thể mang nhóm máu A hoặc là O. Trường hợp mà con sinh ra mang nhóm máu khác với A và O thì có khả năng người con không phải là con của bố mẹ.
– Nếu cả bố và mẹ đều có nhóm máu B, con cái có thể có nhóm máu B hoặc O. Trường hợp con sinh ra mang nhóm máu khác với B và O thì có khả năng người con không phải con của bố mẹ.
– Bố mẹ có cùng nhóm máu O mà con lại mang nhóm máu A, B hoặc AB thì hẳn đó không phải con thực sự của họ.
Lưu ý: Xác định mối quan hệ huyết thống dựa vào nhóm máu có xác suất chính xác chỉ khoảng 30%. Đây là một xác suất thấp, không đủ thuyết phục để chứng minh quan hệ huyết thống. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có xét nghiệm ADN là phương pháp xác định được mối quan hệ huyết thống chính xác cao nhất lên đến 99,999999% và được công nhận trước pháp luật.
Anh Chi (Tổng hợp)