Xã hội ngày nay, nhịp sống vội vã, dễ bị thu hút bởi những người sớm đạt được thành công trong các lĩnh vực của họ. Nhưng tại sao ta lại không tìm hiểu một kiểu người khác – những người đạt được thành công khi đã ở độ tuổi không còn trẻ trung cho lắm?
Đời người chính là một cuộc tu luyện
Tự cổ chí kim, những người thành công ở độ tuổi trẻ tất nhiên sẽ khiến người khác ngưỡng mộ, chẳng ai không muốn thành công sớm, không hơn bạn hơn bè thì ít nhất cũng phải bằng bạn bằng bè. Nhưng ngưỡng mộ cũng chỉ có thế, bạn cần phải ý thức thật rõ ràng một điều, thành danh khi còn rất trẻ chưa chắc đã là chuyện hoàn toàn tốt.
Cổ nhân cũng đã nói: “đại khí vãn thành”, ý chỉ những người thành công muộn ngược lại cũng rất đáng để bội phục, ở họ nhất định có những yếu tố ưu tú, chứ không phải chỉ dựa vào vận may để bước lên đỉnh kim tự tháp. Không thiếu những nhân vật thành công ngay cả khi đã ở độ tuổi trung niên, độ tuổi mà nhiều người nghĩ mình sẽ chẳng kịp làm gì nữa.
Theo tiêu chuẩn giáo dục, việc John Fenn làm việc tại trường Yale ở tuổi 50 đã là quá trễ. Nhưng như mọi lần, ông luôn luôn khởi đầu trễ. Năm 32 tuổi, tức mười năm sau khi rời trường đại học, ông phát hành tài liệu nghiên cứu đầu tiên, đến tuổi 35 được giao công việc đầu tiên ở Princeton cho nghiên cứu chùm tia nguyên tử và phân tử. Khi làm việc ở Yale, ông cũng tiếp tục nghiên cứu này. Mặc dù Fenn chăm chỉ và siêng năng, ông hầu như vẫn là một nhà khoa học vô danh. Trưởng bộ phận ắt hẳn phải nhẹ nhõm lắm khi Fenn bước sang tuổi 70, vì theo quy định họ có thể buộc ông nghỉ hưu. Nhưng Fenn không hề có ý nghĩ từ bỏ. Vào năm 67 tuổi, khi sắp sửa nghỉ hưu và phải rời xa phòng nghiên cứu cũng như các cộng sự chuyên môn, ông phát hành tài liệu về một kỹ thuật mới “Ion hóa tia điện”. Ông đã biến các giọt nhỏ dễ bay hơi thành các chùm tia tốc độ cao, cho phép đo lường số lượng các phân tử lớn và protein một cách nhanh và chính xác. Đúng như Fenn nhận định, đây là một thành tựu vượt bậc – kỹ thuật của ông đã trở thành một dụng cụ không thể thiếu trong phòng thí nghiệm.
Chỉ cần có chí hướng, tuổi tác không phải vấn đề
Sau khoảng thời gian trì trệ ở Yale, ông chuyển sang đại học Virginia Commonwealth và mở một phòng thí nghiệm mới. Tại đây, ông đã có những bước đột phá trong công việc. Dựa trên ý tưởng ban đầu, ông tiếp tục nghiên cứu và giúp các nhà khoa học có một cách đo lường ribosome và virus với độ chính xác khó tin, từ đó thay đổi nhận thức của nhân loại về cách tế bào hoạt động. Sau tất cả, ông có được giải Nobel Hóa Học trước khi 80 tuổi.
Câu chuyện của Fenn chứa đựng một lời nhắn đơn giản: thành công không quyết định bởi tuổi tác. Mà đó là sự kiên trì thử không ngừng nghỉ cho đến khi đạt đột phá. Nhận thức đó đã thay đổi tôi, tôi nhìn thấy Fenns xuất hiện mọi nơi trong cuộc sống.
Đó là Alan Rickman đã đóng phim đầu tiên lúc 46 tuổi, Ray Kroc đã tham gia nhượng quyền thương mại McDonald năm 53 tuổi. Sau 27 năm trong tù, Nelson Mandela đã xuất hiện và trở thành tổng thống năm 76 tuổi. 20 năm ca hát, Võ Hạ Trâm mới có bản hit gây bão mạng với trend Về với em.
Sự buông thả, thiếu ý chí là điều không được phép, muốn tới được bến bờ thành công, tuổi tác không phải trở ngại lớn nhất, không có chí hướng mới là điều đáng sợ nhất.
Bên cạnh sự bền bỉ, những câu chuyện thành công muộn có cùng một điểm chung
Kiên trì sáng tạo, cùng với sự quyết tâm giống như Fenn, không chỉ giúp ta nhận ra ý nghĩa trọng yếu trong cuộc sống, mà còn giải mã bí ẩn chân thật để có một sự nghiệp thành công trường tồn.
Cố nghệ nhân Nhật Bản Katsushika Hokusai là một ví dụ hoàn hảo. Ông viết ở tuổi 75: “Tất cả tác phẩm tôi tạo ra trước năm 70 tuổi đều không đáng nhắc tới. Năm 73 tuổi, tôi đã có hiểu biết chút ít về cấu trúc thực của thiên nhiên”. Những lời sau của ông còn khiến tôi hứng khởi hơn nữa: “Khi tôi 80 tuổi, có thể tôi sẽ phát triển thêm nữa. Năm 90 tuổi, tôi sẽ đào sâu những bí ẩn. Năm 100 tuổi, tôi sẽ chạm tới giai đoạn phi thường và khi tôi 110 tuổi, mọi thứ tôi tạo ra đều sống động cho dù là một dấu chấm hay một dòng kẻ.”
Hokusai sống đến năm 89 tuổi. Ông đã vẽ ra các tác phẩm đáng nhớ nhất trong những thập niên cuối cùng của cuộc đời, bao gồm cả mộc bản in kinh điển The Great Wave off Kanagawa. Bức tranh là cảnh một cơn sóng lửng bạc đầu dữ dội đang chầm chậm đánh tan tành một chiếc thuyền gỗ gần chìm, và xa xa là ngọn núi Phú Sĩ. Đây là một sự mô tả hoàn hảo về cách thành công ẩn và hiện trong dòng đời, có lúc ta tạo ra đột phá, nhưng cũng có lúc bị nhấn chìm, nhưng tất cả chỉ là để ra khơi lần nữa.
Đông Miên (Tổng hợp)
Ảnh: Sưu tầm