Ai cũng cho rằng bản thân là nhân vật chính sở hữu ánh hào quang rực rỡ
“Đời người không có nhiều khán giả như bạn nghĩ, vậy nên không cần quá để tâm đến ánh mắt và ý kiến của những người xung quanh.”
Đã bao giờ bạn tự cho bản thân là trung tâm vũ trụ, là sự tồn tại không thể thiếu trong cuộc đời người khác chưa? Bạn ảo tưởng về tầm quan trọng của bản thân, cho rằng mình là nhân tố quan trọng trong cuộc sống của những người xung quanh. Tuy nhiên, sự thật có thể sẽ khiến bạn phải thất vọng.
Trên thực tế, có không ít ví dụ chứng minh điều đó chỉ là mơ tưởng của riêng mỗi người. Khi nhìn thấy người khác phạm lỗi hay có hành động sai lầm, chúng ta ngay lập tức tiến lại và đưa ra lời khuyên, cho rằng bản thân là người cứu vãn tình thế. Khi chúng ta dành toàn bộ thời gian và sức lực để cống hiến hết mình cho công việc, đồng nghiệp nhờ gì cũng giúp nhưng nhận về chỉ là một lời cảm ơn nửa vời. Những thành công nho nhỏ trong cuộc sống khiến chúng ta nảy sinh suy nghĩ mình là độc nhất vô nhị, là người tài ba mà ai ai cũng phải ngước lên ngưỡng mộ. Tuy nhiên, nếu mọi việc diễn ra ngoài ý muốn, người khác sẽ ngay lập tức phàn nàn và công kích bạn. Lúc đó, bạn mới nhận thức được bản thân thực ra không đặc biệt đến thế.
Trong cuộc sống có rất nhiều câu chuyện tương tự như vậy, người ta gọi đó là “lòng tốt không được báo đáp”. Sự thật là không phải lúc nào chân thành cũng có thể đổi lại chân thành.
Tục ngữ có câu: Cuộc đời như vở kịch, vở kịch cũng như cuộc đời.
Mỗi người đều là nhân vật chính của cuộc đời mình, chúng ta có thể tự do bộc bạch những cảm xúc theo ý muốn của bản thân: buồn bã, vui vẻ, tức giận, sợ hãi… Chúng ta ảo tưởng mình là nhân vật chính sở hữu ánh hào quang, trên thực tế phía dưới sân khấu không có nhiều khán giả đến vậy, thậm chí còn thừa nhiều chỗ trống.
Hiểu được điều này sẽ giúp bạn giảm bớt nỗi lo bị phán xét, có thể dồn hết tâm huyết và sức lực vào những tiết mục của mình, tận hưởng khoảng thời gian biểu diễn thay vì lo lắng liệu mình có phạm sai lầm hay không. Sẽ không còn giới hạn nào ràng buộc khả năng của bạn, bạn không sợ bị cười chê hay chửi rủa, không sợ làm phật lòng người khác, chỉ khi hiểu được điều này, bạn mới có thể hoàn toàn thoát khỏi xiềng xích của tâm lý mà phát huy tốt nhất năng lực của bản thân.
Đôi khi, chúng ta sống trong đau khổ là vì quá quan tâm đến ý kiến của người đời. Khi thấy người khác xì xào bàn tán, trong tiềm thức chúng ta sẽ tự hỏi có phải họ đang nói xấu mình hay không; khi người khác bận rộn mà không thể trả lời tin nhắn lập tức, chúng ta cũng sẽ cho rằng đối phương có thành kiến với mình và không muốn tiếp xúc.
Lúc nào cũng quan tâm những vấn đề bên ngoài, một cuộc sống như vậy chẳng phải rất mệt mỏi hay sao?
Cuộc đời không có bao nhiêu khán giả, hãy cứ đóng tốt vai diễn của mình
Đừng quá để tâm đến ý kiến của người khác, cũng không cần cố gắng “drama hóa” cuộc đời bản thân, chỉ có sống một cách đơn giản, chúng ta mới có thể hạnh phúc.
Mạnh dạn từ bỏ những mối quan hệ không lành mạnh và thoát khỏi những sự toxic của môi trường xung quanh, thay vào đó tập trung vào nội tâm của chính mình. Đọc sách, tập thể dục, viết nhật ký… Kiên trì thực hiện mỗi ngày, dần dần nhìn lại, bạn sẽ thấy cuộc sống thư thái biết bao, và hạnh phúc vốn luôn nằm trong tầm với của bạn.
Vivian (Tổng hợp)/ Theo Baijiahao
Ảnh: Sưu tầm