Xã hội ngày càng quay cuồng, người trẻ mỗi ngày đều phải gồng mình trong các cuộc đua khốc liệt của cuộc sống. Khi phải đối mặt với quá nhiều vấn đề từ công việc, nhiều người lại có xu hướng tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực.
Không chỉ vậy, chúng ta đôi khi suy nghĩ quá nhiều trong các tình huống. Hồi tưởng lại một sự cố, một ký ức không vui hoặc một cuộc trò chuyện mà ta vừa có. Suy nghĩ quá nhiều hoặc nghiền ngẫm là điều xảy ra phổ biến ở những người từng trải qua tổn thương và các tình trạng sức khoẻ tinh thần không ổn như trầm cảm. Đó là nguồn cơn của quá trình dẫn đến overthinking.
Có thể nói, ai trong chúng ta đều đã ít nhất một lần bị overthinking tại thời điểm nào đó của cuộc sống. Tuy nhiên, có thể số lần tiểu tiết ấy khiến bạn không nhận ra mình đã từng rơi vào trạng thái này.
Bạn đã từng nghĩ đến lý do tại sao lại xuất hiện tình trạng overthinking ở con người không?
3 nguyên nhân khiến chúng ta overthinking gồm:
Quá cầu toàn trong mọi việc
Điều này xuất phát từ mong muốn có thể kiểm soát và làm tốt mọi việc, chúng ta mong muốn có hướng giải quyết ngay khi vấn đề phát sinh dẫn tới ta luôn suy nghĩ rất nhiều cho những sự kiện đang hoặc sắp xảy ra. Tuy nhiên, ở những người overthinking, mọi suy nghĩ của họ thường rơi vào trạng thái tiêu cực. Chính vì vậy, thay vì tìm kiếm những thông tin mới giúp ích, họ lại bị rơi vào sự lo âu, nghĩ ngợi quá nhiều, dẫn đến mất tinh thần, thậm chí là mệt mỏi.
Lo lắng quá nhiều đến kết quả
Trong công việc, nhiều người quan tâm đến kết quả và mong muốn mọi thứ đều suôn sẻ. Từ đấy, họ luôn nỗ lực hành động và nghĩ rằng: càng suy nghĩ nhiều thì càng có kết quả tốt hơn. Bởi khi suy nghĩ đến mọi mặt của vấn đề, họ sẽ tìm ra các hướng đi hiệu quả nhất.
Quá để tâm đến những chi tiết nhỏ
Khi quá để tâm đến đến việc này, người ta thường chia vấn đề ra thành từng yếu tố rồi phân tích. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chọn lọc để thực hiện chúng. Điều này dẫn đến tình trạng càng xem xét càng nhìn thấy điều tiêu cực, càng đi xa hướng ban đầu và làm quá vấn đề lên. Đây là nguyên nhân hình thành chứng overthinking khá phổ biến.
Vậy làm sao để đối diện với những suy nghĩ bủa vây trong tâm trí?
“Vô vi” – phương thuốc chữa lành tâm trí hữu hiệu với những bộ óc bận rộn và nhạy cảm
Chúng ta luôn khiến bản thân bận rộn trong hàng nghìn thứ từ công việc đến sinh hoạt hàng ngày. Khi đã an tâm, bạn sẽ kiếm tìm niềm vui bằng cách lướt mạng xã hội, xem phim, đi chơi, tán gẫu, nấu nướng, chơi game,… Dường như nhịp sống vội vã của xã hội hiện đại, không cho phép ta có chút khe hở nào trong ngày. Chúng ta sợ các khoảng trống, như kiểu nó làm bản thân ta lãng phí thời gian vô ích. Chỉ cần ngồi im một chút thôi, muôn vàn trạng thái, cảm xúc, lời nói, hình ảnh sẽ không ngừng bép xép trong đầu, ta lại bị suy nghĩ quá nhiều. Nếu bạn thấy hình ảnh chính mình trong những mô tả trên, bạn có thể sử dụng trí tuệ cổ xưa của các bậc thầy phương Đông, ví như những lời Lão Tử từng nói để chữa lành tâm trí của mình.
“Vô vi nhi vô bất vi – Không làm gì nhưng không gì là không làm”
Từ thuở xa xưa, khi tổ tiên loài người còn săn bắt và hái lượm, họ luôn phải cảnh giác trước hiểm nguy bởi thú dữ để sẵn sàng chiến đấu và bỏ chạy. Cơ chế bảo vệ này vẫn còn lưu trong mã ADN con người đến ngày nay gọi là hạch hạnh nhân. Nó vận hành như một chiếc còi báo động. Vậy nên, khi não bộ xác định một sự việc có thể gây nguy hiểm, còi ở hạch hạnh nhân sẽ hú lên và khiến bạn tự vệ đấu tranh để không rơi vào nguy hiểm. Tuy nhiên, đây chỉ là bản năng, một sự sợ hãi không kiểm soát, giống một con ngựa hoang chưa được thuần hóa.
Trong thời hiện đại, con người lại bị tấn công bởi những thứ bên ngoài, khiến ta lung lay chao đảo. Ngày mai đến hạn nộp báo cáo mà ta chưa viết được chữ nào. Sắp đến kì thi quan trọng nên ta phải học bài. Nhiều người nghĩ những hoàn cảnh trên là dấu hiệu nguy hiểm, họ luôn thấy sợ hãi và thiếu thời gian. Chúng ta không thể kiểm soát ngoại cảnh, thứ duy nhất ta có thể thay đổi và kiểm soát là chính mình. Do đó, vô vi – không làm gì cả với sự trống rỗng, thực chất là ngừng hành động hướng ra bên ngoài. Thay vào đó, hướng toàn bộ năng lượng tập trung vào bên trong để nghỉ ngơi. Hãy dành thời gian ngồi im lặng, không làm gì cả. Cứ thả lỏng và cho phép bản thân được thư giãn hết mức. Dần dần, khi tâm trí đã được tĩnh lặng, hạch hạnh nhân ngừng kêu vì thấy những sự kiện kia không phải là nguy hiểm, mọi chuyện hiển lộ ra như một bầu trời sáng tỏ sau cơn mưa. Bạn nhìn rõ được thực tại hơn, buông bỏ những thứ không thật sự cần thiết, tìm ra được phương pháp giải quyết vấn đề.
Mấu chốt của overthinking là quá tiếc nuối đối với những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, hoặc quá lo lắng về những chuyện chưa xảy ra trong tương lai. Thay vì nghĩ chúng thật đen tối và nhiều rủi ro, hãy nghĩ rằng tất cả những điều đấy với mình đều là một món quà. Cuộc sống lúc nào cũng tràn đầy những điều mới lạ, chúng ta chỉ thật sự sống khi chúng ta mở rộng được vùng an toàn của chính mình mà thôi.
Đông Miên (Tổng hợp)
Ảnh: Sưu tầm