Trái ngược với thế hệ trước, ngày nay, người trẻ đề ra những mục tiêu tài chính và phong cách chi tiêu rất khác biệt. Không còn quan niệm “an cư lạc nghiệp” hay việc mua tài sản lớn vào các cột mốc như tuổi 30 hay 40, người trẻ hiện nay dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn cho những niềm vui và mong muốn cá nhân, ví dụ như đi du lịch.
Quá khó để tiết kiệm mua nhà trong thời điểm này
Mai Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) có 6 năm học tập và làm việc tại Hà Nội. Mức lương cô ấy ổn định ở khoảng 10-11 triệu đồng mỗi tháng, đủ để chi trả các chi phí sinh hoạt hàng ngày nhưng khó để có số tiền tiết kiệm lớn.
“Mỗi tháng, sau khi trừ các chi tiêu, mình chỉ còn thể tiết kiệm khoảng 2 triệu đồng, tức là trung bình 24 triệu mỗi năm. Thành thật mà nói, với số tiền tiết kiệm đó, mình không biết khi nào mới đủ để đóng góp vào khoản trả trước khi vay nợ ngân hàng để mua nhà hay ô tô.
Số tiền này cũng chỉ đủ để phòng tránh các tình huống rủi ro trong cuộc sống. Nếu mục tiêu mua nhà và mua xe quá khó khăn, thì tại sao mình phải cố gắng tiết kiệm thêm 1-2 triệu đồng? Mình nghĩ rằng việc sử dụng số tiền này để đi du lịch sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều”, cô nàng nói.
Đồng quan điểm với Mai Anh, Minh Quân (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng cho rằng việc tiết kiệm để mua nhà hay mua xe là điều quá khó trong thời điểm hiện tại. Mức lương của anh là 15 triệu đồng mỗi tháng và thanh niên này đã cố gắng tiết kiệm 4-5 triệu đồng hàng tháng, tức là khoảng 30% thu nhập, một con số khá lớn.
Tuy nhiên, mỗi năm, những vấn đề bất ngờ thường xuất hiện, khiến anh phải sử dụng một nửa số tiền tiết kiệm hàng năm để giải quyết những khó khăn đó. “Có những lúc máy tính của mình hỏng, nên phải mua một chiếc mới để phục vụ công việc. Bố mẹ mình ốm đau, năm đó mình gần như chẳng có đồng tích lũy nào”, thanh niên tâm sự.
Minh Quân chia sẻ rằng khi nền kinh tế phát triển, thu nhập tăng lên nhưng đồng thời các chi phí khác cũng tăng theo, đặc biệt là giá nhà và giá xe luôn cao ngất ngưởng. Song hành cùng với việc tăng thu nhập, khối lượng công việc cũng ngày càng nhiều hơn, khiến anh luôn trong tình trạng “quá tải”. “Tuy vậy, mình vẫn muốn nỗ lực hơn, có thu nhập tốt để thực hiện ước mơ có thể du lịch nhiều nơi trên thế giới. Điều này không chỉ giúp mở mang đầu óc mà còn giúp giải tỏa áp lực từ tần suất làm việc ngày càng tăng như hiện tại”, Quân nói thêm.
Thay vì tiết kiệm, chỉ muốn tiêu tiền và hưởng thụ
Câu nói: “Hết tiền có thể kiếm lại nhưng tuổi trẻ qua rồi thì không bao giờ tìm lại được” đã trở thành xu hướng của giới trẻ trong thời gian gần đây. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Hoa Kỳ cho thấy Gen Z ưu tiên trải nghiệm hơn tiết kiệm so với bất kỳ thế hệ nào khác.
Theo đó, 73% Gen Z gặp khó khăn trong việc tiết kiệm. Không quá ngạc nhiên khi người trẻ hiện nay thường chi tiêu nhiều hơn cho trải nghiệm, thậm chí có thể tiêu sạch tiền cho tuổi trẻ.
“Mình yêu thích khám phá nhiều vùng đất mới. Mình cũng chưa bị ràng buộc gia đình hay gì cả nên thu nhập của mình chủ yếu để dành đi du lịch nhiều hơn là vấn đề tích lũy. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ, mình dễ dàng “săn” các ưu đãi khi đặt các dịch vụ như: phòng khách sạn, vé máy bay, vé tàu thông qua ứng dụng. Vì vậy việc lên kế hoạch cho những trải nghiệm thật tiện lợi”, Thái Duy (24 tuổi) chia sẻ.
Nguyễn Thuỳ Linh (27 tuổi, Hà Nội) đặt kế hoạch để dành từ 20% – 30% thu nhập hàng tháng. Linh đã lựa chọn gửi tiền tiết kiệm trên ứng dụng vì dễ dàng thực hiện các giao dịch như gửi tiền, tra cứu lãi suất, tra cứu tiết kiệm, tất toán tài khoản tiết kiệm nhanh chóng, an toàn và thuận lợi với lãi suất cực kỳ ưu đãi. Tuy nhiên, đôi khi Thuỳ Linh buộc phải tất toán trước hạn vì có việc cần chi tiêu. Theo đó, hầu hết chuyện gấp gáp cô gặp phải đều là phát sinh mua sắm hoặc những chuyến du lịch.
Anh Chi (Tổng hợp)