“Nếu bạn thấy buồn khổ, bạn đang sống trong quá khứ. Nếu bạn thấy lo lắng, bạn đang sống trong tương lai. Nếu bạn thấy bình an, bạn đang sống trong hiện tại”. (Lão Tử)
Vậy bạn đang sống trong quá khứ, hiện tại hay tương lai?
Nhìn lại quá khứ để làm gì?
Vài năm trở lại đây, cùng với trào lưu chữa lành bỗng rộ lên phương pháp “thôi miên hồi quy tiền kiếp”. Thế là nhiều người tin tưởng và làm theo, từ việc bỏ tiền cho những chuyên gia tự xưng đến những video miễn phí trên YouTube.
Nhiều nền văn hóa và tôn giáo trên thế giới tin vào sự luân hồi. Theo đó, linh hồn có thể tái sinh vào nhiều kiếp sống khác nhau, mỗi kiếp sống là một cơ hội để linh hồn học hỏi và trưởng thành. Tuy nhiên, mỗi lần “đầu thai”, linh hồn sẽ được xóa hết ký ức của những kiếp sống trước đó. Có một số trường hợp được cho là có thể nhớ lại ký ức từ các kiếp sống trước thông qua phương pháp “thôi miên hồi quy tiền kiếp”. Đây là phương pháp tâm lý được thực hiện bởi một nhà trị liệu hoặc chuyên gia đã được đào tạo.
Phương pháp này được biến đến qua nhiều cuốn sách, tiêu biểu có thể kể đến bộ ba cuốn sách của bác sĩ Brian L. Weiss gồm: Ám ảnh từ kiếp trước, Đi qua thời gian để chữa lành, Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau. Trong đó, bác sĩ Brian đã kể lại những trường hợp trị liệu cho các bệnh nhân của mình thông qua việc thôi miên để họ nhớ lại những ký ức, bao gồm cả ký ức từ các tiền kiếp. Từ đó giúp họ hiểu rõ căn nguyên sâu xa những chấn thương tâm lý họ gặp phải, giúp họ chữa lành và có đời sống tốt đẹp hơn. Những cuốn sách này cũng giúp mang đến cho người đọc thêm một góc nhìn về luân hồi và những bài học cuộc sống.
Hồi quy tiền kiếp được cho là mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia như hiểu rõ hơn về bản thân và mục đích sống, giải quyết các vấn đề tâm lý như lo âu, sợ hãi, chữa lành những tổn thương trong tiềm thức, tăng cường sự kết nối với thế giới tâm linh. Tuy nhiên, phương pháp này cần được thực hiện bởi một chuyên gia đáng tin cậy và không phải ai cũng có thể “hồi quy tiền kiếp”.
Trong lý thuyết về luân hồi, không phải tự nhiên mà linh hồn mỗi lần đầu thai lại được xóa sạch ký ức. Vai diễn cũ đã kết thúc, bộ phim đã khép lại, họ bắt đầu một vai diễn mới, một bộ phim mới về đời mình ở kiếp sống hiện tại. Những “ám ảnh từ kiếp trước”, nếu quan trọng và thật sự có ảnh hưởng đến đời sống hiện tại thì đến khi đủ duyên sẽ được mở ra cho xem lại. Còn không thì nó chỉ là sự tưởng tượng, huyễn hoặc của con người dựa trên những thông tin mà họ nạp vào đầu mà thôi.
Hiểu về quá khứ không phải để chìm đắm trong những đau khổ, dằn vặt và hối tiếc mà thông qua quá khứ, ta có thể rút ra những bài học để hiện tại và tương lai tốt hơn, đó mới là giá trị của việc nhìn lại quá khứ. Bên cạnh đó, quá khứ của một kiếp người đã đủ dài và nặng, không cần phải cố “hồi quy tiền kiếp” để làm gì. Trong cuốn Bốn thỏa ước, tác giả Don Miguel Ruiz viết: “Con người là sinh vật duy nhất trên mặt đất phải trả giá hàng ngàn lần cho cùng một lỗi. Chúng ta có một bộ nhớ mạnh mẽ. Chúng ta phạm sai lầm, chúng ta tự xét xử, chúng ta thấy mình có tội, và chúng ta tự trừng phạt mình. Thế có công bằng không?”
Biết trước tương lai để làm chi?
Ngược lại với những người bị ám ảnh về quá khứ, có những người lại luôn tò mò muốn biết trước tương lai. Họ thông qua bói toán, xem thử vi, trải bài tarot để biết trước tương lai liệu sẽ xảy ra những gì, nếu có nguy cơ gặp khó khăn thì sẽ cúng sao giải hạn. Tương lai chưa biết thế nào vì nó còn chưa xảy đến. Chỉ biết là hiện tại người ta phải tốn tiền, tốn thời gian, ảo tưởng viển vông hoặc lo lắng vô ích. Tương lai tốt đẹp thì sao mà xui xẻo thì sao? Chẳng phải vì tương lai là một ẩn số nên nó mới trở nên thú vị và cho người ta một thứ gọi là “hy vọng” hay sao?
Thực ra việc tò mò muốn biết trước tương lai xuất phát từ nỗi lo sợ và bản tính thích kiểm soát của con người. Họ ưa những điều tốt lành, thuận lợi, họ muốn né tránh những khó khăn, rắc rối. Và nhờ “biết trước” tương lai, họ cho rằng mình có thể kiểm soát được cuộc đời mình. Tuy nhiên theo quy luật nhân quả thì tương lai là kết quả từ những gì ta làm trong quá khứ và hiện tại. Đã là nghiệp quả của mình thì có tránh né cũng không được, ở đời có chơi có chịu, có vay có trả. Bạn muốn hưởng trái ngọt thì phải bỏ công sức gieo hạt, trồng cây. Muốn biết trước tương lai có sáng sủa hay không, khỏi mất tiền đi xem bói, cứ nhìn vào hiện tại của bạn là biết. Hiện tại bạn đang dành thời gian cho những việc gì?
Thứ duy nhất mà ta có là hiện tại
Quá khứ và tương lai đều không phải của chúng ta. Những gì mà ta đang suy nghĩ, hối tiếc, lo lắng chỉ là những ảo ảnh, đó không phải là sự thật. Những gì chúng ta có chỉ có thể là hiện tại. Quá khứ đã qua và không thể thay đổi được nữa, tất cả những gì chúng ta có thể làm để có một tương lai sáng sủa hơn đều nằm ở hiện tại. Chánh niệm là cách để ta sống trong hiện tại, tránh việc suy nghĩ lan man. Đơn giản là ý thức được những gì ta đang làm ở hiện tại, khi ăn ta biết mình đang ăn, khi làm việc ta tập trung vào công việc. Nếu vừa ăn vừa xem phim hay vừa làm việc vừa tranh thủ xem Tiktok thì không phải là sống cho hiện tại.
Có một phương pháp giúp con người bớt overthinking và tập trung hơn, phương pháp này đã được nhiều người áp dụng và thấy hiệu quả, đó là journaling. Journaling và viết xuống tất cả những suy nghĩ trong đầu bạn, cả những điều có thể hoặc không thể tâm sự với người khác. Khi viết journal, bạn không cần phải câu nệ ngữ pháp, chính tả, diễn đạt, cứ viết thôi, để những suy nghĩ, cảm xúc tuôn trào qua từng con chữ, viết xong bạn cũng không nhất thiết phải đọc lại. Journaling thường được viết trên thiết bị điện tử hoặc một cuốn sổ và được cất giữ ở nơi bí mật. Bằng việc viết ra hết những suy nghĩ của mình, bạn sẽ bớt được việc suy nghĩ lan man cả ngày, đang làm việc này nhưng đầu óc còn mải lo đến việc khác. Phương pháp này hiệu quả nhất khi bạn có thể duy trì viết đều đặn mỗi ngày như một thói quen.
Bên cạnh đó, thay vì suy nghĩ, hãy tập trung vào hành động. Khi đã lên kế hoạch và cân nhắc rủi ro thì đừng nghĩ nữa, hãy làm thôi. Đừng sợ sai, làm đến đâu, sửa đến đấy, phải bắt tay vào làm thì mới “vỡ” ra được. Việc ta bắt đầu hành động và làm ra được một thứ gì đó có giá trị hơn nhiều so với việc ta kỳ vọng mọi thứ phải thật hoàn hảo.
Trải nghiệm quá khứ dù đáng sợ đến đâu cũng chỉ còn là sự hồi tưởng, những khó khăn, trắc trở cũng chỉ là thử thách để ta trui rèn và trở lên mạnh mẽ hơn. Đôi lúc cuộc đời để ta ngập chìm trong rắc rối, nhưng không phải để bạn chết chìm mà để bạn học được cách bơi. Quá khứ đã qua còn tương lai thì chưa tới, hãy cứ bước đi và đừng suy nghĩ quá nhiều.
I Am NGA