Hội chứng nghi ngờ bản thân là cảm giác thiếu tin tưởng vào bản thân mình. Bạn không chắc quyết định của mình là chính xác hay không hoặc nghi ngờ mình có đủ khả năng để làm tốt một việc gì đó.
Đây cũng là một vấn đề tâm lý cần hiểu đúng và có cách giải quyết phù hợp với mức độ của từng người
1. Tìm xem nó bắt đầu từ đâu
Nếu bạn không tìm hiểu nguyên nhân thì bạn mãi mãi không thoát ra được cảm giác khó chịu này. Và bạn sẽ chỉ loay hoay để sự nghi ngờ ăn mòn sự tự tin trong bạn ngày qua ngày. Vì thế, nếu bạn đang gặp vấn đề, hãy dành cho bản thân một vài phút, bình tĩnh ngồi lại tự hỏi chính mình xem nguyên nhân của sự nghi ngờ này là gì.
Tìm ra nguyên nhân là bước đầu tiên để giải quyết vấn đề
Cảm giác này có thể bắt nguồn từ những đánh giá không đúng hoặc đúng nhưng không tốt về bạn. Nó cũng xuất hiện khi bạn làm một việc không phải sở trường của mình, bạn so sánh mình với sự hào nhoáng của người khác trên mạng xã hội,…
Khi tìm ra được gốc rễ của sự nghi ngờ này, bạn sẽ dễ giải quyết triệt để chúng hơn.
2. Nhớ rằng mình luôn có thể cải thiện
Điều này sẽ giúp bạn tin rằng không phải cứ đủ giỏi, đủ tốt mới có thể bắt đầu làm một việc gì đó. Chúng ta hoàn toàn có thể vừa học, vừa làm, vừa sai, vừa sửa sai rồi lại học và tiếp tục làm. Đó được gọi là quá trình phát triển.
Chúng ta hoàn toàn có thể vừa học, vừa làm, vừa sai, vừa sửa sai rồi lại học và tiếp tục làm
Nếu thật sự kết quả là mình sai, mình thất bại cũng không sao cả, vì đó là một lần mình có cơ hội cải thiện bản thân để làm tốt hơn ở lần cố gắng tiếp theo. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng mình chỉ là một người bình thường, vì vậy mình có quyền mắc lỗi, có quyền phạm sai lầm. Nhưng sau mỗi lần vấp ngã, chúng ta phải trở thành phiên bản tốt hơn của chính bản thân mình!
3. Ghi nhận bản thân từ những thành quả nhỏ
Không phải cứ đợi đến khi bản thân đạt được những thành tựu to lớn như được cúp này cúp kia, giải này giải nọ hay khi được nhiều người công nhận thì bạn mới nghĩ rằng mình giỏi.
Bạn cần có sự ghi nhận bản thân mình từ những thành tựu nhỏ bé nhất. Vì chúng sẽ trở thành bình năng lượng tích cực và là tủ “thuốc giải” cho bạn mỗi lần hội chứng nghi ngờ bản thân tái phát.
Bạn chỉ cần nhìn vào tất cả những gì mình đã làm được và nói rằng: “Mình cũng rất tuyệt mà!”
4. Biến sự nghi ngờ thành động lực
Kể cả khi cảm thấy nghi ngờ năng lực của bản thân, bạn hãy cứ bắt tay vào làm. Chỉ có làm mới giúp bạn biết được kết quả sau cùng là gì. Nếu thành công thì thật tuyệt vời, nhưng nếu thất bại, bạn hoàn toàn có cơ hội thử lại và nỗ lực lại ở lần sau.
Kể cả khi cảm thấy nghi ngờ năng lực của bản thân, bạn hãy cứ bắt tay vào làm
Thay vì để đầu óc chìm nghỉm trong sự nghi ngờ thì bạn cứ hành động để xem rằng khi bản thân cố gắng hết sức thì điều gì sẽ xảy ra!
5. Đôi khi sự nghi ngờ là dấu hiệu bạn đang trưởng thành
Nghi ngờ bản thân là dấu hiệu cho thấy bạn đang cố gắng bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Bạn muốn mình giỏi hơn, muốn phát triển và chinh phục nhiều hơn những gì bạn đã có.
Phiên bản tốt hơn của bạn chỉ còn cách một bức tường của sự nghi ngờ này thôi. Khi vượt qua được nó, dù thành công hay thất bại, bạn chắc chắn sẽ nhận lại được rất nhiều kinh nghiệm. Và đó là cách mà sự trưởng thành của mỗi người được vận hành!
Nghi ngờ bản thân là dấu hiệu cho thấy bạn đang cố gắng bước ra khỏi vùng an toàn của mình
Thu Trang (Tổng hợp)
Ảnh: Sưu tầm