Trong tác phẩm văn học kinh điển Hoàng tử bé có một đoạn thế này: “Chính cái thời gian cậu đã tiêu phí vì bông hồng của cậu, cái thời gian ấy làm cho bông hồng đó trở nên quan trọng đến như thế.”
Trong một mối quan hệ thân mật, logic này được hiểu như thế nào? Bạn yêu anh ấy, tình nguyện hy sinh tất cả vì anh ấy, và do thế tầm quan trọng của anh ấy tăng lên trong lòng bạn. Đó là bởi trong quá trình hy sinh vì tình yêu đó, bạn đã đầu tư rất nhiều “chi phí” cho đối phương, chi phí càng cao thì nỗi ám ảnh trong lòng càng lớn.
Do thế khi một mối quan hệ chấm dứt, bên nào yêu nhiều và cho nhiều hơn sẽ thường khó quên được người ấy. Dưới góc độ tâm lý học, đâu là nguyên nhân cốt yếu khiến bạn không quên được người yêu cũ?
Hiệu ứng gấu trắng: Càng nhắc phải quên đi thì lại càng nhớ rõ
Trong tâm lý học, có một khái niệm thú vị được gọi là “hiệu ứng gấu trắng”.
Một nhà tâm lý học yêu cầu học sinh ở hai lớp cùng xem một bộ phim tài liệu. Ông nói với các học sinh của lớp đầu tiên: “Đừng quá chú ý đến con gấu trắng”, trong khi đó không hề nói gì với các học sinh của lớp thứ hai. Sau khi xem xong, nhà tâm lý lần lượt hỏi học sinh của hai lớp: Các em nhớ gì? Kết quả cho thấy lớp được yêu cầu không nhìn vào con gấu trắng có ký ức rõ ràng hơn về con gấu so với lớp không được nhắc gì.
Ý nghĩa của hiệu ứng tâm lý này chính là: Bạn càng nhắc đến những gì bạn muốn quên thì bạn càng không thể quên; càng là những việc bị cấm cản thì tâm lý con người càng muốn làm.
Bạn càng nhắc phải quên đi thì lại càng ghi nhớ rõ
Hãy thử nhớ lại xem, bạn có bao giờ hành xử như vậy trong các mối quan hệ thân mật không? Sau khi chia tay người yêu cũ, tâm lý của hầu hết mọi người là “Chắc chắn mình có thể quên được anh ta”. Song thực thế thì sao? Bạn càng nhắc nhở bản thân phải quên đi thì trí nhớ của bạn lại càng khắc ghi rõ ràng. Cách tốt nhất để quên đi người yêu cũ chính là không quan tâm, không đề cập tới, coi như người này chưa từng xuất hiện trong cuộc đời của mình.
Việc này đương nhiên rất khó, vậy nên mới có chuyện sau khi chia tay người ta thường có xu hướng lao đầu vào công việc, dùng sự bận rộn để không còn tâm tư nghĩ đến chuyện tình cảm nữa.
Hiệu ứng Zeigarnik: Bị ám ảnh bởi những thứ chưa hoàn thành
Con người có một điểm yếu chí mạng đó là luôn chỉ thích những gì mình không có được, còn một khi đã sở hữu thì sẽ không còn trân trọng nữa.
Trong tình yêu cũng vậy. Khi được yêu quá nhiều, con người sẽ bắt đầu nảy sinh ý nghĩ đó là điều hiển nhiên, để rồi không còn biết trân trọng đối phương như ngày trước, đến khi đánh mất mới hối hận thì đã quá muộn.
Mối tình “chưa hoàn thành” khiến bạn bị ám ảnh trong lòng
“Hiệu ứng Zeigarnik” giải thích rõ hiện tượng này. Theo đó, những điều chưa được hoàn thành sẽ trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí con người. Một tình yêu không thể đi đến đích “cùng nắm tay nhau bước vào lễ đường” sẽ khiến lòng bạn bứt rứt không yên. Nguyên nhân khiến bạn không quên được người yêu cũ chính là vì sự dang dở làm bạn canh cánh trong lòng.
“Đầu tư” càng nhiều thì càng khó buông bỏ
Bạn nghĩ nguyên nhân cốt lõi của một mối quan hệ thân thiết là gì? Hãy nhớ về câu trích dẫn trong “Hoàng tử bé” ở đầu bài viết này. Trên thực tế, hầu hết các mối quan hệ thân thiết đều tồn tại nhờ vào “chi phí” và “thời gian” mà bạn đã đầu tư vào nó. Bạn càng tận tâm trong một mối quan hệ thì càng khó để chia tay; trái lại, nếu ngay từ đầu bạn sống với tâm thái “vạn sự tùy duyên” thì sẽ không gặp khó khăn trong việc buông bỏ và quên đi một người.
Sở dĩ khó buông bỏ một mối quan hệ là vì bạn đã đầu tư quá nhiều vào nó
Điều mà người đàn ông không thể quên không phải là người yêu cũ mà là chi phí anh ta đã đầu tư vào cô ấy. Tương tự, điều phụ nữ không thể quên cũng không phải là mối tình đầu mà chính là một bản thân trẻ trung và xinh đẹp. Trên thực tế, sau khi chia tay, hầu hết mọi người đều có những ảo tưởng trong lòng: Nếu mình cư xử khác đi thì sao? Nếu ngày ấy bọn mình không chia tay thì sẽ thế nào? Nhưng thực tế đó chỉ là những nỗi ám ảnh, bứt rứt mà thôi.
Hãy nhớ, điều không thể quên chưa chắc đã là tình yêu, điều bạn không thể quên chính là nỗi ám ảnh trong lòng.
Vivian (Tổng hợp)/ Tham khảo Baijiahao
Ảnh: Sưu tầm