Con đường tốt đẹp mà cha mẹ vẽ chắc gì đã là con đường con muốn đi?
Mới đây trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, một tài khoản đã chia sẻ một bài tâm sự nặng trĩu nỗi lòng của một người mẹ. Theo đó, chị có hai người con, một trai một gái. Vợ chồng chị đặt nhiều kỳ vọng vào con trai lớn và ấp ủ cho con từ bé theo học ngành máy tính bởi họ cho rằng nghề này thời nào cũng thiếu. Thế nhưng khác với cô em chăm chỉ, người anh lớn lại học hành không đến nơi đến chốn. Sau khi con trai học hết cấp ba, hai vợ chồng chị đã quyết định cho con đi du học Mỹ. Căn nhà hai vợ chồng cũng bán đi, chấp nhận ở nhà thuê để có tiền nuôi con ăn học.
Hai năm mắc kẹt vì dịch bệnh ở nước ngoài, lần nào gọi điện về nhà cậu trai trẻ cũng rưng rưng nước mắt vì áp lực và muốn về nhà. Mặc dù anh chị đã động viên con cố gắng nhưng cậu vẫn bỏ về, học phí và sinh hoạt phí 2 năm tốn 3 tỷ xem như ném qua cửa sổ.
Về nhà, cậu chạy xe ôm công nghệ vì nghề này tuy hơi vất vả nhưng được cái thoải mái đầu óc, không phải ru rú ở trong phòng suốt ngày như lúc còn ở nước ngoài. Bố cậu bé đã từ mặt con, còn người mẹ thì ngượng ngùng giấu giếm không muốn cho ai biết con mình đã bỏ học. Nhiều đêm chị mất ngủ và không biết phải làm gì với con.
Tâm sự của người mẹ, thay vì nhận được sự đồng cảm lại nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng hai anh chị cũng chỉ muốn có một đứa con giỏi giang để mát mặt với hàng xóm láng giềng chứ không hề biết con muốn gì. Con không có khả năng nhưng vẫn cố ép con theo học một ngành khó, thậm chí còn bán cả nhà. Người con không chịu nổi áp lực đã chọn bỏ về để không lãng phí thêm tiền của gia đình, bố mẹ vẫn không hiểu ra mà còn từ mặt con.
Thực ra, con đường tươi đẹp mà bố mẹ vẽ ra không phải lúc nào cũng là con đường mà con muốn đi. Nói là hy sinh tất cả vì con nhưng kỳ thực lại bắt đứa trẻ cõng trên vai kỳ vọng mà cả đời bố mẹ còn chưa làm được. Cha mẹ có thể định hướng, hỗ trợ cho con chứ không nên ép buộc con, cố đấm ăn xôi để rồi xôi hỏng bỏng không.
Hãy để con tự do lựa chọn cuộc đời mình muốn sống
Trái ngược với những ông bố bà mẹ ép con học bằng mọi giá, lại có những người cho rằng con chỉ cần học hết cấp ba là đủ, không cần phải học đại học làm gì cả. Không phải vì gia đình họ không có điều kiện mà họ cho rằng ép con học nhiều là không cần thiết. Nghe qua thì có vẻ rất dân chủ, tiến bộ nhưng kỳ thực vẫn là áp đặt con theo một cách khác. Họ vẫn chẳng hề lắng nghe xem con thật sự muốn gì, biết đâu đứa trẻ lại muốn theo đuổi con đường học thuật thì sao?
Cô bạn tôi sau 6 năm chôn vùi thanh xuân với một công việc bàn giấy tẻ nhạt thì mới đây đã quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê kinh doanh. Thời sinh viên cô ấy vốn là người năng động và sớm có hứng thú với việc kinh doanh buôn bán. Thế nhưng ra trường cô ấy lại chọn đi theo con đường mà số đông lựa chọn, về quê, lấy chồng, sinh con và có một công việc bàn giấy an nhàn.
Tôi không hiểu tại sao bạn mình lại phủ nhận giá trị của những tháng năm đại học. Với tôi, học đại học là ước mơ, là lựa chọn của tôi, bố mẹ tôi chính là người chắp cánh cho ước mơ ấy. Tôi chưa từng hối hận với con đường học vấn của mình, dù sau này tôi không làm đúng công việc chuyên môn được đào tạo thì những tháng năm ngồi trên giảng đường vẫn là quãng đời ý nghĩa. Bởi lẽ học đại học không chỉ học lấy một chuyên ngành mà còn mở rộng thêm vốn sống, các mối quan hệ, kết thêm những mối nhân duyên mới. Chẳng hạn như tôi với cô bạn, nếu không học chung trường đại học thì đã không có cơ hội trở thành bạn thân của nhau.
Vậy nên, việc con cái muốn học ngành gì, có học đại học hay không vẫn là lựa chọn và quyết định của con, bố mẹ có thể định hướng, hỗ trợ nhưng không nên ép buộc. Ai cũng xứng đáng được sống một cuộc đời mình muốn và hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.
HN
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích
điểm MyPoint.
Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và
nhận tin
về đọc báo tích điểm sớm nhất