Dựa trên một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Gerontologist, Mỹ các cặp vợ chồng có thói quen uống đồ uống có cồn giống nhau thường trải qua một hôn nhân hạnh phúc hơn và có sống lâu hơn so với những người không uống rượu bia hoặc chỉ một trong hai người có thói quen dùng đồ uống có cồn.
Đây là kết quả sau khi khi các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan, Mỹ sau khi đã khảo sát hơn 4.600 cặp vợ chồng và theo dõi đời sống hôn nhân cùng với tình trạng sức khỏe của họ từ năm 1996 đến năm 2016.
“Thật thú vị, chúng tôi phát hiện ra các cặp vợ chồng từng cùng nhau uống đồ uống có cồn trong 3 tháng gần nhất sống lâu hơn các cặp vợ chồng không làm điều này hoặc các cặp có thói quen uống trái ngược nhau, trong đó, một người uống còn một người không”, tiến sĩ Kira Birditt, giáo sư về tâm lý học đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu đến từ Đại học Michigan, Mỹ cho biết.
Khi bạn đời cũng là bạn nhậu!
Theo giáo sư Kira Birditt, một mối quan hệ đặc biệt mà bà phát hiện từ nghiên cứu của mình liên quan đến một thuật ngữ được gọi là “Drinking partnership”, hay “Bạn đời-cũng-là-bạn-nhậu”. Thuật ngữ này được đưa ra lần đầu vào năm 1998 bởi hai nhà nghiên cứu Mỹ Linda J. Roberts và Kenneth E. Leonard trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hôn nhân và Gia đình.
Trong nghiên cứu đó, họ phát hiện rằng thói quen uống rượu của cả hai trong một mối quan hệ (hẹn hò, sống thử hoặc kết hôn) có thể có ảnh hưởng lớn đến chất lượng và sự hài lòng. Những cặp đôi tiêu thụ đồ uống có cồn tương tự nhau thường có mối quan hệ hôn nhân tốt hơn so với những cặp có thói quen uống khác nhau, đặc biệt là khi một người uống nhiều hơn bạn đời của mình.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự không hòa hợp trong thói quen uống rượu bia có thể dẫn đến xung đột, không hòa thuận và giảm sự hài lòng trong hôn nhân. Điều này có thể xuất phát từ việc một người uống nhiều hoặc ít hơn bạn đời, tạo ra căng thẳng hoặc cảm giác thiếu sự chia sẻ trải nghiệm và thời gian ở bên nhau.
Roberts và Leonard nhấn mạnh rằng việc nhận biết ảnh hưởng của thói quen uống rượu đến chuyện tình cảm có thể giúp các cặp vợ chồng nhận ra và giải quyết vấn đề, từ đó yêu thương nhau nhiều hơn.
Khám phá của Roberts và Leonard có thể được giải thích qua “Lý thuyết tương thích” (Compatibility theory), đề cập đến việc khi hai cá nhân có nhiều điểm chung tại cùng một thời điểm, họ thường thân mật và hài lòng về nhau.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi hai người có sự tương thích cao hơn, tức là chia sẻ nhiều điểm chung, có xu hướng cảm thấy hạnh phúc hơn. Đồng thời, họ gắn bó với nhau nhiều hơn, sức khỏe và tuổi thọ cũng tăng lên. Ngược lại, khi các cặp đôi có điểm khác biệt, họ có xu hướng trải qua nhiều xung đột hơn và dần trở nên mâu thuẫn trong mối quan hệ.
Anh Chi (Tổng hợp)