Con người thời nay đa số đều mắc phải một chứng bệnh, đó là gặp khó khăn trong việc lựa chọn. Buổi sáng ăn gì? Buổi trưa ăn gì? Tối ăn gì? Ngày mai ăn gì? Đi chơi ở đâu? Xem phim hay đi biển? Leo núi hay vào sở thú?
Khi còn nhỏ được bố mẹ dắt đi chơi, bạn nhìn thấy súng đồ chơi và búp bê Barbie, bạn thích cả hai nhưng bố mẹ lại nói: “Con chỉ được chọn một thôi.”
Đến khi đi học đứng trước vô số chuyên ngành: IT, văn học, y khoa, luật… Bạn suy nghĩ hồi lâu cũng không biết nên chọn ngành nào.
Sau khi tốt nghiệp, bạn lại đứng trước vô số lựa chọn: Chọn tiền đồ hay thể diện? Làm ở gần nhà nhưng lương thấp hay xa nhà mà lương cao?
Đến tuổi bàn chuyện hôn nhân, bạn tiếp tục phân vân giữa những con đường: Chọn ngoại hình hay tính cách? Quan tâm đến nhân cách của bạn đời hay gia cảnh của anh ấy?
Có thể nói rằng trong cuộc sống, con người luôn đứng trước vô vàn sự lựa chọn, và chính chúng đã tạo nên một sự nghịch lý: Càng có nhiều “lốp dự phòng” thì con người càng ít hạnh phúc.
Nguyên nhân khiến con người không hạnh phúc chính là vì có quá nhiều sự lựa chọn
Các nhà tâm lý học đã làm một thí nghiệm như sau: Giáo viên giao hai bài tập về nhà khác nhau cho học sinh ở hai lớp, yêu cầu các em chọn một trong số các đề được cho để viết bài.
Đối với lớp thứ nhất, giáo viên cho học sinh chọn một trong 6 đề để viết văn. Đối với lớp thứ hai, giáo viên lại yêu cầu học sinh chọn một trong số 30 đề để làm.
Kết quả cho thấy mức độ hoàn thành bài tập của học sinh lớp thứ hai thấp hơn hẳn so với học sinh lớp thứ nhất cả về số lượng và chất lượng. Các nhà khoa học sau đó rút ra một kết luận: Khi con người đứng trước quá nhiều sự lựa chọn, nó sẽ trở thành một gánh nặng cho chính chúng ta. Đây chính là nghịch lý của sự lựa chọn.
Việc có quá nhiều sự lựa chọn sẽ trở thành gánh nặng cho con người
Còn có một thí nghiệm khác thế này: Các nhà nghiên cứu đã đặt hàng chục vị mứt trái cây ở một tiệm bánh ngọt và mời những người qua đường nếm thử. Cũng cách làm ấy nhưng ở khu phố khác họ chỉ bày 6 loại mứt. Kết quả cho thấy nơi nào bày ít mứt hơn thì bán được nhiều hơn; trái lại nơi nào càng nhiều sự lựa chọn thì nhu cầu mua hàng của con người càng thấp. Điều này đã thể hiện rõ một điều: Con người càng phải đối mặt với nhiều lựa chọn thì càng dễ ảnh hưởng đến phán đoán và quyết định cuối cùng của mình.
Tại sao con người lại trở nên ít hạnh phúc khi có nhiều lựa chọn hơn?
Những xung đột và mâu thuẫn nội tâm
Trước mặt bạn là 10 sự lựa chọn nhưng bạn chỉ được chọn 2 trong số đó, vậy là bạn bị giằng xé bởi những mâu thuẫn trong nội tâm. Muốn cái này, muốn cái kia, nhưng cho dù bạn chọn thế nào thì cũng sẽ phải hối tiếc.
Quá nhiều sự lựa chọn gây nên mâu thuẫn trong nội tâm con người
Ví dụ khi mua quần áo, bạn chỉ có thể mua một bộ đồ vì ngân sách có hạn. Sau nhiều giờ ngắm nghía, cuối cùng bạn cũng chọn được một bộ ưng ý. Nhưng khi về đến nhà rồi thì lại tiếc hùi hụi: “Lẽ ra mình nên chọn cái khác”. Sự thật là cho dù bạn chọn gì thì cũng sẽ tiếc những bộ đồ còn lại mà thôi.
Năng lực và ham muốn không tương xứng
Bạn có tin trên đời này có những người dù rất nghèo nhưng lại sống vui vẻ không? Họ không yêu đương, không kết hôn, không có tiền tiết kiệm nhưng luôn lạc quan yêu đời. Đó là vì ham muốn của họ không cao. Trái lại, một người có nhiều tiền, có nhà có xe, nhưng lại không bao giờ hài lòng với cuộc sống ấy, bởi vì ham muốn của người đó quá cao. Lái chiếc xe 20 triệu nhưng còn muốn xe 40 triệu; sống trong căn phòng 100 mét vuông nhưng đầu lúc nào cũng nghĩ đến chỗ ở gấp đôi số ấy. Sự thật là khi không thể có được tất cả những gì mong muốn, con người sẽ rơi vào lo lắng và khổ sở.
Tiềm thức sợ thất bại
Tiềm thức của con người luôn lo sợ bị thất bại, sợ mình làm không đủ tốt. Tất cả những điều này đều xuất phát từ sự kỳ vọng. Những gì bạn mong đợi ở bản thân khác những gì mà người khác mong đợi ở bạn. Bạn luôn lo sợ sẽ chọn sai đường, bởi vì bất kể bạn phải đối mặt với sự lựa chọn nào, cuối cùng đều có thể dẫn đến kết quả sai lầm, gây ra những tổn thất nhất định. Khi một người quá quan tâm đến kết quả và ánh mắt của người khác, họ sẽ khó đưa ra quyết định khi đứng trước những lựa chọn. Họ trở nên thiếu quyết đoán, lo lắng về chuyện được mất, từ đó luôn luôn do dự.
Phải làm sao để thoát khỏi tình trạng này?
Giảm số lượng “lốp dự phòng”
Bạn nghĩ rằng càng có nhiều phương án A, B, C thì càng tốt ư? Sự thật là khi con người đặt ra quá nhiều sự lựa chọn, họ sẽ trở nên do dự. Giảm số lượng “lốp dự phòng” sẽ khiến bạn dễ dàng đưa ra quyết định hơn. Bớt sự lựa chọn sẽ bớt phân vân, bớt rối trí, từ đó dễ đạt được cuộc sống hạnh phúc hơn.
Đừng lo lắng kết quả, chỉ cần làm tốt quá trình
Thời còn đi học có bao giờ bạn luôn lo lắng trước mỗi kỳ thi không? Nếu mình bị điểm kém gì sao, nếu mình trượt môn thì sao, nếu mình làm không tốt thì bố mẹ và giáo viên sẽ thất vọng về mình… Nhưng bạn biết đấy, bất kể bạn có lo lắng ra sao thì kỳ thi vẫn sẽ đến. Thay vì tự hành hạ tinh thần của bản thân, tốt hơn hết là đừng nghĩ gì cả.
Đừng lo lắng kết quả, chỉ cần tập trung hoàn thành tốt nhất có thể
Bạn chỉ cần hoàn thành tốt nhất trong khả năng, đừng quan tâm đến kết quả. Tương tự như thế, bạn chỉ cần yêu, không cần nghĩ đến chuyện liệu nó có thể kéo dài mãi mãi hay không. Không có mong đợi thì sẽ không có thất vọng. Hạ thấp kỳ vọng của bản thân sẽ làm giảm bớt sự lo lắng, nhờ đó giúp cuộc sống của bạn trở nên hạnh phúc hơn.
Vivian (Tổng hợp)/ Theo Baijiahao
Ảnh: Sưu tầm