Có một chân lý trên đời: Muốn đạt được thành tựu lớn lao thì cần bắt đầu với những điều đơn giản và dễ dàng. Kinh nghiệm sống cho chúng ta biết, cơm ăn phải ăn từng miếng, đường phải đi từng bước. Không ai có thể một bước chạm tới bầu trời.
Mọi thứ xảy ra đều có nguyên do, một người có năng lực hay không đều thể hiện qua những điều nhỏ bé.
“Luật nấm”
Có một cô gái sau khi tốt nghiệp đại học thì xin vào làm trợ lý trong một công ty, công việc hàng ngày là pha trà, photo… Làm được một tuần, cô cảm thấy không bằng lòng vì bản thân đã nỗ lực học tập suốt thời gian dài, thành tích ghi kín CV mà sau khi ra trường lại chỉ có thể làm vài công việc lặt vặt.
Trên thực tế, hầu hết những người mới bước vào xã hội đều phải làm những việc không mấy nổi bật như vậy.
Có một luật gọi là “luật nấm”, có nghĩa là những người mới thường sẽ bị đặt vào một góc khuất tối tăm, bị ngó lơ, bị chê trách. Nhiều người lựa chọn trốn tránh vì không thể chịu đựng được, trên thực tế, đây không phải là giải pháp cho vấn đề.
Tôi từng nghe một câu nói: “Một cuộc sống tốt đẹp là do làm việc chăm chỉ mà có.”
Thay vì lãng phí thời gian và quở trách vì sao ông trời không đối xử tốt với mình, tốt hơn hết là bạn nên làm việc chăm chỉ và trân trọng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất. Hãy nhớ rằng cuộc sống là của bạn và bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm về nó. Hãy học cách làm chủ cuộc đời, dù không có ai cổ vũ, bạn cũng nên hát cho thỏa lòng mình.
Thái độ là chìa khóa
Tôi từng đọc một câu chuyện thế này:
Vào thời Mạc phủ Nhật Bản, có một vị tướng nổi tiếng tên là Ishida Mitsunari. Trước khi trở thành một vị tướng, ông là một thầy tu quét dọn trong một tu viện.
Một ngày nọ, Toyotomi Hideyoshi đến chùa và xin Ishida Mitsunari một chút nước.
Lần thứ nhất, Ishida Mitsunari rót một bát trà lớn cho Toyotomi Hideyoshi. Lần thứ hai, Ishida Mitsunari rót một bát nhỏ hơn. Toyotomi Hideyoshi cũng uống cạn. Ishida Mitsunari lại đổi sang một chiếc nhỏ hơn nữa và rót bát trà thứ ba cho Toyotomi Hideyoshi.
Lần này, Toyotomi Hideyoshi tỏ ý bối rối và hỏi Ishida Mitsunari tại sao làm như vậy.
Ishida Mitsunari giải thích: “Bát trà đầu tiên là một bát trà lạnh, tôi thấy anh có vẻ rất khát nên nước trà là phương tiện để giải khát; bát thứ hai là một bát nước ấm, vì anh không còn khát sau khi đã uống bát đầu tiên nên tôi đổi thành nước bình thường. Đến bát thứ ba, vì anh đã uống hai bát trước đó, nên bát cuối cùng này có thể chậm rãi thưởng thức.”
Sau khi nghe những lời của Ishida Mitsunari, Toyotomi Hideyoshi cảm thấy đây là một người thông minh, vì vậy ông đã cho anh ta đi theo mình, từ đó chúng ta mới có vị tướng nổi tiếng Ishida Mitsunari.
Đôi khi chúng ta phàn nàn tại sao ông trời không cho mình cơ hội, thực tế cơ hội luôn ở xung quanh chúng ta, chỉ là chúng ta không nhận ra và để vuột mất.
Ở câu chuyện trên, tuy chỉ là việc uống trà đơn giản, nhưng người biết nắm bắt cơ hội sẽ để ý đến trạng thái của đối phương mà chuẩn bị các loại trà khác nhau, dụng cụ uống trà khác nhau, từ đó tự tìm cho bản thân một cơ hội. Thái độ chuyên tâm chính là chìa khóa ở đây. Nếu chúng ta cho rằng việc rót trà chỉ là chuyện vặt vãnh mà làm qua loa, lẽ dĩ nhiên người đối diện cũng sẽ cảm nhận bạn là một người hời hợt và không đáng tin cậy.
Làm gì cũng có cái tâm
Trong một bộ phim của Châu Tinh Trì có câu thoại thế này: Không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ. Trên sân khấu cuộc đời, dù bạn đóng vai trò gì, điều quan trọng là hãy sống hết mình.
Đừng ghen tị với “sự lớn lao” của người khác, thay vào đó trân trọng “sự nhỏ bé” của chính mình. Trên đời không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Dụng tâm làm việc, ắt sẽ có ngày đạt được thành công.
Vivian (Tổng hợp)/ Theo Baijiahao
Ảnh: Sưu tầm