“Nhiều người khác ngoài kia còn khổ hơn, sao họ không sao?”
Khi phải đối mặt với áp lực cuộc sống, nhiều người đã lựa chọn từ bỏ cuộc đời này. Nguyên do phía sau những quyết định xót xa đó thực sự là gì, chúng ta chẳng thể rõ. Mạng xã hội đã dậy sóng. Nhiều bình luận trách móc rằng người trong cuộc lựa chọn từ bỏ là hèn nhát và ích kỷ, là không biết nghĩ cho người ở lại, sao không chia sẻ với người khác khi tinh thần bất ổn.
Còn tôi, tôi tin chắc chắn họ không dưới một lần kiếm tìm sự giúp đỡ, nhưng cuối cùng điều họ nhận lại chỉ là tuyệt vọng. Đó là sự đơn độc khi cất lời kêu cứu yếu ớt mà chỉ nhận về những tiếng vọng thờ ơ, hay thậm chí trách cứ: “Ôi dào ngoài kia đầy người khổ hơn, sao họ không sao?”, hay, “Chỉ có mỗi chuyện học mà còn không làm được? Thế thì sau này mày còn làm được gì?”, “Bày đặt trầm cảm như phim để làm quá!”,… Càng buồn hơn khi, những lời này nhiều khi xuất phát từ chính người thân ruột thịt.
Đáng lo ngại, ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam, hầu hết những người có vấn đề về sức khoẻ tinh thần nói chung và người trầm cảm nói riêng, lại không hề được trị liệu, hay ít nhất là quan tâm đúng mức.
Rất nhiều người đang thiếu hiểu biết về căn bệnh trầm cảm. Phần đông mọi người nghĩ đơn giản rằng đó là một trạng thái tinh thần đau buồn trong một thời điểm chóng vánh, chỉ cần tự nhủ: “Cố lên, mạnh mẽ lên!”. Và rằng những người bị trầm cảm nếu không vượt qua được thì chỉ là họ chưa cố gắng hết mình.
Thái độ coi nhẹ và kỳ thị càng khiến những người trầm cảm thêm mặc cảm về chính mình, càng ngại mở lòng, để rồi dẫn đến cái kết đau thương. Thậm chí có trường hợp ngay cả người trầm cảm cũng không chịu thừa nhận mình có bệnh.
Trong cuốn Đại dương đen của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang có câu chuyện về nhân vật Xuân Thuỷ khiến tôi ám ảnh mãi. Anh 41 tuổi, là người được đào tạo có nền tảng và làm nghề luật sư. Nhưng phía trong vỏ bọc có vẻ yên ổn ấy, anh lúc nào cũng thấy mình như phát điên. Anh đã trải qua một tuổi thơ tàn khốc, gia đình nát bấy, bị xâm hại tình dục. Điều đó ảnh hưởng tới tâm lý trưởng thành của Xuân Thuỷ sau này, anh nhảy việc liên tục và hôn nhân đi vào bế tắc. Thế nhưng, chính Xuân Thuỷ lại chối bỏ căn bệnh đó của mình: “Không, mình không thể bị cái bệnh đó, nó không liên quan gì tới mình. Nó là cái thứ mà chỉ những người kém cỏi, thô thiển, thường xuyên khóc lóc vật vã, mới bị. Mình lịch lãm, sạch sẽ, đẹp đẽ, ăn nói gãy gọn, IQ, EQ sáng láng, mình không bị trầm cảm được”.
Là một người từng trải qua một số vấn đề về tâm lý và có một số bạn bè mắc trầm cảm, tôi hiểu rằng thế giới của trầm cảm thật ra khốc liệt và dữ dội, không hề nhẹ nhàng như những câu mà các bạn trẻ đùa giỡn trên mạng: “Đừng vui quá! Trầm cảm lên!”.
Nếu như bạn chưa từng đi qua một cơn khủng hoảng tinh thần, chưa phải đọc tới những cuốn sách tâm lý, có thể vui vẻ bông đùa khi nhắc tới hai chữ “trầm cảm” thì tôi thật lòng mừng cho bạn, bạn là người may mắn hơn rất nhiều người khác.
Thực tế, trầm cảm không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp hay sự giàu nghèo. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã tóm tắt về trầm cảm như thế này:
“Nó không chỉ có ở trong giới trẻ, “vì chúng vốn thất thường trong cảm xúc.” Không chỉ ở trong giới văn nghệ sĩ, “vì họ quá nhạy cảm”. Không chỉ ở người có kinh tế đầy đủ, “bởi người nghèo lo kiếm sống thì lấy đâu ra thời gian mà trầm cảm. Trầm cảm phổ biến như thế nào? Hiểu đơn giản như thế này, nếu bạn có 1.000 người bạn trên Facebook thì trong năm qua, có 70 người trong số đó mắc trầm cảm “.
Người trầm cảm đang bị cô độc trong cộng đồng
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trầm cảm:
Nguyên nhân nội sinh:
Đó là trường hợp trầm cảm chưa rõ nguyên do. Đã có nhiều giả thuyết cho rằng có thể do di truyền, yếu tố tự miễn, môi trường sống, thay đổi hormone.
Trầm cảm do căng thẳng từ trải nghiệm sống:
Những sự kiện tiêu cực hay tạm gọi là “bi kịch” trong đời có thể để lại chấn thương tâm lý với mức độ khác nhau. Thực ra những nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi người đều phải đi qua ít nhất 4 – 5 trải nghiệm đau thương lớn trong cuộc đời. Đó có thể là mất việc, sức khoẻ có vấn đề, mất người thân, hoặc bị bạo hành tinh thần hoặc thể chất. Đặc biệt, những sang chấn từ ấu thơ hoặc quãng thời gian trẻ tuổi có thể ảnh hưởng xuyên suốt cuộc đời. Song, những tổn thương trong giai đoạn trưởng thành cũng vẫn có thể gây ra những ảnh hưởng lớn tới tinh thần.
Trầm cảm do các bệnh lý ảnh hưởng:
Những bệnh lý hoặc chấn thương ảnh hưởng tới não bộ hoặc ảnh hưởng hậu Covid-19, thói quen dùng nhiều rượu bia, hút thuốc và các chất kích thích,… có thể trở thành tác nhân của trầm cảm.
Tôi nghĩ rằng lý do nhiều người Việt vẫn né tránh khi nói về sức khoẻ tâm lý là bởi sự ăn sâu vào tiềm thức từ những thế hệ đi trước. Không giống như những quốc gia phương Tây, Việt Nam là một nước Á Đông với lối sống cộng đồng điển hình: Đề cao lợi ích tập thể (gia đình, dòng tộc, xã hội,…) lên hàng đầu thay vì cá nhân. Dẫu nó phần nào giúp ích cho sự phát triển của tập thể nhưng vô tình khiến cho các nhu cầu cá nhân bị coi nhẹ.
Vì thế khi cất tiếng sẻ chia, nhiều khi những người mắc bệnh tâm lý lại bị cho là ích kỷ và yếu đuối. Lối sống cộng đồng khiến cho con người quá quan tâm tới những gì người khác nghĩ về mình. Thế nên mới có những ông bà, cha mẹ, anh chị em vội gạt phắt đi khi con em mình nói về trầm cảm, và không đưa họ đi thăm khám đúng lúc chỉ vì sợ người ngoài phán xét là nhà có người mắc bệnh “tâm thần”.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về sức khoẻ tinh thần
Là con người, mỗi chúng ta đều có nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ. Sức khoẻ tinh thần cũng cần được nhìn nhận nghiêm túc như sức khoẻ thể chất. Càng trưởng thành, chúng ta càng nên dũng cảm hơn để nhìn nhận về sức khoẻ tinh thần của chính mình và những người xung quanh.
Dưới đây là những thói quen sống giúp ích cho sức khoẻ tinh thần của bạn thêm vững vàng hơn:
Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc mỗi ngày (từ 7 – 8h) là nếp sống không chỉ ảnh hưởng mật thiết tới sức khoẻ thể chất mà còn là sức khoẻ tinh thần. Những người thiếu ngủ, mất ngủ thường xuyên thường dễ mất tập trung, hay đau đầu, dễ cáu bẳn. Đây là những triệu chứng tiền đề cho trầm cảm và rối loạn lo âu.
Mỗi ngày hãy duy trì thói quen ngủ sớm, hạn chế thức khuya, hạn chế dùng cafein hay rượu bia, và không dùng những thiết bị điện tử khi đã lên giường. Nếu như mất ngủ triền miên và quá khó ngủ, bạn có thể tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn sâu hơn. Ngủ sâu giấc sẽ giúp bạn có thêm nhiều năng lượng để thực hiện những việc mình muốn làm hơn.
Dành thời gian hoà mình vào thiên nhiên
Những nghiên cứu đã cho thấy rằng, dành khoảng 2h/tuần để hoà mình vào thiên nhiên mang lại lợi ích cho sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần. “Hoà mình vào thiên nhiên” nghe có vẻ “ghê gớm” nhưng thực ra, bạn chỉ cần tản bộ, đi dạo ở công viên cũng là một cách kết nối với thiên nhiên rồi.
Thiên nhiên có năng lượng chữa lành rất lớn. Chỉ với những khảnh khắc được gần gũi với tự nhiên, chúng ta sẽ cảm thấy tâm trí dễ chịu hơn và mọi vấn đề dường như nhỏ lại.
Hãy tìm sự giúp đỡ khi cần thiết
Nếu như gặp một rắc rối nào đó trong thời gian dài mà bản thân bạn và gia đình, bạn bè không thể giải quyết được, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để trò chuyện và được tư vấn. Chuyên gia tâm lý đã được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học, bạn đừng e ngại kể câu chuyện của mình. Những suy nghĩ lệch lạc từ thời đại trước như “Chỉ có điên mới phải đi bác sĩ tâm lý!” đã xưa như Trái Đất rồi. Giờ đây, chúng ta dẹp bỏ những tư tưởng như vậy để đặt việc chăm sóc chính mình lên hàng đầu. Chăm sóc bản thân chẳng có gì là sai cả.
Nếu như thời điểm đọc bài viết này là một giai đoạn tăm tối của bạn, tôi hiểu rằng có một tảng đá lớn đang đè nặng lên vai bạn mỗi ngày. Bạn không biết mình có thể chống đỡ được cho đến khi nào, không biết rồi mọi chuyện phía trước liệu có tốt hơn không. Tôi hiểu cảm giác ấy. Nhưng hãy tin tôi, bạn là một người thật mạnh mẽ khi đã trải qua những chuyện như vậy mà mỗi ngày vẫn cố gắng rời khỏi giường, bước ra đối mặt với thế giới.
Đừng khi nào quên rằng sự tồn tại của bạn quan trọng đến nhường nào với những con người nhất định trong đời bạn. Và ngoài kia, vẫn có những người sẵn sàng dành thời gian để bên cạnh, giúp đỡ và động viên khi bạn cần. Vì thế, hãy cho mình được nhận bàn tay trợ giúp từ người khác, bạn nhé. Và biết đâu, rồi một ai đó cũng sẽ được nhận sự ấm áp từ chính bạn sau này.
Mong cho bạn, dẫu cho cuộc sống thăng trầm có khó khăn tới mấy, cũng sẽ không chọn cách rời bỏ cuộc sống này. Đêm giông đến rồi lại đi, và chúng ta vẫn còn rất nhiều bình minh đẹp đáng chờ đợi.
Vy Cầm
Ảnh: Unsplash