Chị Nguyễn Thanh Trang (30 tuổi) hiện đang là chủ của một tiệm bánh tại quê nhà Đắk Nông. Chia sẻ về niềm đam mê của mình, 9X cho biết bắt nguồn từ việc học nghề bếp, sau đó lựa chọn thử thách bản thân ở một lĩnh vực cụ thể hơn là làm bánh nghệ thuật.
Để bắt đầu với công việc này, chị Trang tham gia khóa học ngắn hạn tại trung tâm dạy nghề và may mắn có cơ hội làm việc tại chuỗi siêu thị lớn. Chính điều này đã mở ra cho chị một cơ hội tốt để hướng đến làm bánh chuyên nghiệp.
Sau nhiều năm cố gắng, nỗ lực không ngừng, chị Thanh Trang đã tự xây dựng lên một vị trí đáng kể trong ngành bánh. Với tinh thần ham học hỏi, chị không chỉ dừng lại ở thế mạnh là bánh kem và còn dần phát triển thêm nhiều loại bánh nghệ thuật khác, trong đó phải kể đến bánh Trung thu hoa đậu.
Nhắc đến cơ duyên với loại bành này, bà chủ tiệm bánh cho biết: “Năm 2020 khi tất cả mọi người đang hướng đến làm bánh hiện đại hoa nổi (hoa nhấn bằng khuôn và bột mì) thì mình tình cơ thấy một bài đăng hình ảnh hoa đậu Trung thu của một người chị trên nhóm bánh. Ngay lần đầu nhìn bánh, mình đã mê mẩn và quyết định đăng kí đi học luôn”.
Tính đến hiện tại, chị Thanh Trang đã bước sang năm thứ 3 làm bánh Trung thu hoa đậu phục vụ khách hàng.
Chị cho biết cách làm bánh được chia làm 2 bước cơ bản:
Bước 1: Đóng bánh và nướng bánh nền.
Với loại bánh Trung thu này có thể dùng bánh truyền thống hoặc là vỏ bánh hiện đại đều được. Cách nướng cũng giống bánh nướng truyền thống chỉ khác là không quét mặt trứng.
Bước 2: Làm hoa đậu.
Phần hoa có thể tự nấu và sên đậu nếu làm ít trong nhà, còn với cửa hàng của chị Trang, để đảm bảo phục vụ đươc lượng khách hàng thì chị sẽ dùng đậu sên sẵn và phối trộn theo công thức. Sau khi đậu được trộn xong sẽ thực hiện pha màu theo ý thích và cuối cùng là bắt hoa.
“Việc bắt hoa thì sẽ tuỳ vào gu thẩm mỹ và phong cách của mỗi người. Bắt hoa gắn lên bánh xong mình sẽ đem vào lò sấy từ 3-4 lần. Bánh to thì có thể sấy lâu hơn 4-5 lần”, chị cho biết.
Sấy xong, 9X sẽ quét nhũ trang trí, đóng hộp thành phẩm và giao tới tay khách hàng. Theo chủ nhân của bánh, công đoạn khó nhất là trộn công thức và sấy. Bởi nếu trộn không đúng thì đậu sẽ khô hoặc ướt, rất khó làm hay sấy quá lửa thì cháy hoa, thấp lửa thì hoa không chín.
Với số lượng đơn đặt hàng dày đặc, chị Thanh Trang cho biết việc thức đêm để làm bánh với chị diễn ra thường xuyên, nhất là vào thời điểm ngày Tết Trung thu cận kề nhưng không vì thế mà cẩu thả, từng chiếc bánh ra lò đều gửi gắm tâm huyết, sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn: “Mỗi khi làm xong nhìn lại thành phẩm trong tay mình rất thích. ừa kiếm tiền vừa nâng cao tay nghề. Đa số khách khi nhận bánh thì sẽ là khen đẹp, phần hoa được bắt tỉ mỉ và mẫu mã luôn thay đổi. Từ đó lượng khách đặt bánh mua để biếu tặng cũng tăng lên theo năm”.
Được làm công việc mình yêu thích, đem đến cho khách hàng những chiếc bánh ngon và đẹp mắt là niềm vui của chị Trang. Sau những đêm thức trắng làm bánh, chị chỉ mong muốn những chiếc bánh khi tới tay khách sẽ là những chiếc bánh đẹp nhất, được khách hàng ưng ý và tin tưởng.
Làm bánh nghệ thuật không chỉ đem lại cho chị nguồn thu nhập mà còn rèn luyện tính kiên trì, tỉ mỉ và con mắt nghệ thuật: “Mỗi chiếc bánh là tất cả tâm huyết và công sức của mình. Muốn rằng mỗi chiếc bánh mang sứ mệnh vui vẻ hạnh phúc, ngon miệng tới tay khách hàng”, chị Thanh Trang gửi gắm.
Phương Nga
Ảnh: NVCC