Đừng chỉ lúc nào cũng nghĩ cho người khác
Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống thế này hay chưa?
Có người nhờ bạn giúp đỡ, bạn không nỡ từ chối, dù bận rộn ra sao cũng cố gắng bớt chút thời gian để giúp họ. Thế nhưng khi bản thân bạn rơi vào hoàn cảnh khó khăn tương tự và cần sự trợ giúp của người khác thì lại chỉ nhận về đủ lý do từ chối.
Khi ở cùng người khác, bạn là người cố gắng tìm kiếm chủ đề vì sợ bị cho “ra rìa”. Nhưng đến khi chính mình muốn giãi bày thì lại không ai có kiên nhẫn ngồi nghe bạn tâm sự.
Khi ai đó từ chối trả nợ bạn, bạn bắt đầu suy nghĩ về việc lời nói của mình liệu có làm tổn thương người đó hay không. Còn nếu bạn từ chối cho vay tiền, bạn lại trở thành kẻ keo kiệt và bạc bẽo trong mắt người khác.
Trong mọi trường hợp, bạn luôn quá coi trọng người khác đến mức xem nhẹ cảm xúc của bản thân. Có thể bạn chỉ có ý tốt, nhưng dần dần theo thời gian, lòng tốt của bạn lại biến thành sự nhu nhược và hèn nhát trong mắt người đời
Càng đa cảm thì càng dễ bị tổn thương. Bạn càng dễ dãi bao nhiêu, những người xung quanh sẽ càng lợi dụng bạn mà lấn bước bấy nhiêu. Bạn thông cảm khi người khác rơi nước mắt, bạn tha thứ mọi lỗi lầm mỗi khi người khác tỏ ra bị tổn thương. Tốt bụng là điều đáng khen, nhưng tốt bụng đến nỗi bỏ mặc cảm xúc của bản thân thì là vấn đề khác. Lúc nào cũng lo lắng cho người khác, vậy ai sẽ lo cho bạn?
Bạn không cần thiết phải đáp ứng mọi mong muốn và kỳ vọng của người khác, bởi không phải ai cũng có thể hiểu được tình cảm chân thành của bạn. Dấu hiệu của việc đã đến lúc kết thúc một mối quan hệ đó là khi bạn phải hy sinh bản thân để làm vừa lòng đối phương.
Lo lắng cho bản thân trước khi quan tâm đến người khác
Những người thật lòng yêu thương bạn sẽ không bao giờ làm ngơ khi thấy bạn bị đối xử bất công, trong khi những người xem thường bạn sẽ luôn phớt lờ cảm xúc của bạn.
Tôi từng nghe một câu thế này: “Cuộc đời của một người không phụ thuộc vào độ dài của nó, mà phụ thuộc vào việc người đó có sống hạnh phúc hay không”.
Cái gì phải đến sẽ luôn đến, cái gì phải đi thì không thể giữ lại được. Dù có chuyện gì xảy ra cũng hãy nhớ phải luôn yêu bản thân mình trước tiên. Hãy làm bất cứ điều gì bạn muốn, tự do và thoải mái, sống cho chính mình, chỉ có thế mới không làm lãng phí cuộc sống.
Nhà văn Bi Shumin từng nói: “Từ chối là một quyền, giống như sống sót là một quyền”.
Bạn luôn có quyền từ chối nếu cảm thấy không thể tiếp thu thái độ của người khác, thế gian hàng tỷ người, đừng lo không gặp được người xứng đáng. Đừng ngần ngại những mối quan hệ độc hại, bạn xứng đáng có cơ hội gặp gỡ những người tốt đẹp hơn. Nếu một người chưa bao giờ quan tâm đến những khó khăn của bạn, tại sao bạn phải lo lắng cho cuộc sống của người đó? Bạn có thể lo cho họ lần một, lần hai, nhưng khi cảm thấy lòng tốt của mình chỉ đổi lấy sự thờ ơ và thái độ khinh thường của người khác, hãy mạnh dạn từ bỏ mối quan hệ đó. Lòng tốt của bạn nên được đặt ở đúng người.
Cuộc đời rất ngắn ngủi, không phải ai cũng xứng đáng với lòng tốt và sự chân thành của bạn. Bạn phải tin rằng mọi thứ bạn cho đi đều đáng được trân trọng và bạn xứng đáng gặp được những người và những điều tốt đẹp hơn.
Vivian (Tổng hợp)/ Theo Baijiahao
Ảnh: Sưu tầm