Cô gái Việt quyết sang Mỹ du học vì lời hẹn với bạn trai
Vũ Anh Phương và ông xã Chance Clark biết nhau qua chương trình trao đổi sinh viên. Lúc đó, cô sinh viên Vũ Anh Phương nhận nhiệm vụ hướng dẫn đoàn, cô chỉ về phía nhóm có Chance Clark đang đứng nói to: “Tôi sẽ dẫn đoàn này vì có nhiều bạn đẹp trai hơn!“, điều này đã gây ấn tượng với Chance Clark.
“Cô ấy thật tự tin, thú vị và xinh đẹp. Tôi đánh giá cao phụ nữ Việt qua cách thể hiện của cô ấy”, Chance Clark nhớ lại những ngày đầu gặp mặt. Chỉ trong vòng một tuần gặp nhau, Chance Clark đã ngỏ lời nói thích cô và Vũ Anh Phương cũng cảm mến chàng sinh viên Mỹ đẹp trai, giỏi giang này. Cả hai kết bạn Facebook và tâm sự đủ mọi thứ trên đời. Đến ngày thứ tư, họ đi chơi với nhau mỗi tối.
Khi Chance Clark về nước, anh ôm Phương và nghẹn ngào: “Anh rất thích em nhưng nước Mỹ và Việt Nam quá xa nhau, chúng ta không thể yêu nhau được”. Anh Phương vội bày tỏ lòng mình: “Hãy cho em một năm, em nhất định sẽ sang Mỹ gặp anh.”
Cả hai gặp và quen biết nhau qua chương trình trao đổi sinh viên.
6 tháng sau, Vũ Anh Phương xin thực tập làm khóa luận tốt nghiệp tại University of Missouri. Thời điểm đó, muốn gặp nhau, Chance Clark phải lái xe 6 tiếng, đi về mất 12 tiếng mới được gặp bạn gái.
Anh nhanh chóng “đánh dấu chủ quyền” bằng cách quỳ gối cầu hôn Anh Phương với một chiếc nhẫn kim cương. Đó là chiếc nhẫn được mua bằng toàn bộ số tiền Chance Clark nhận được từ học bổng khuyến khích học tập. 3 tháng sau đó Chance Clark về Việt Nam để gặp gia đình Vũ Anh Phương hỏi cưới.
Sau đó thì nên duyên vợ chồng
Khi được hỏi: “Yêu và hiện tại là vợ của trai Tây, bạn có thấy khác gì so với yêu đàn ông Việt Nam không?”. Anh Phương cười đáp: “Mình nghĩ điều khác biệt nhất khi yêu người nước ngoài đó là sự khác biệt văn hoá. Ví dụ khi yêu người Việt Nam thì chúng mình có thể cùng nhau đi ăn bún đậu, cháo lòng, chân gà nướng.
Khi yêu người Mỹ, mình không còn cảm thấy tự nhiên khi ăn những món này nữa vì họ không có văn hoá ăn nội tạng hay ăn mắm nên chồng mình hồi mới yêu còn tỏ ra ghê sợ khi mình ăn những món này, hoặc nếu mình muốn ăn thì mình hay chọn đi ra chỗ khác.
Người Mỹ cũng coi trọng tên họ của gia đình nhà chồng, nên nếu lấy chồng người Mỹ, họ mong muốn mình đổi họ của mình sang họ của người ta (chứ không chỉ mỗi họ của con mình như ở Việt Nam)”.
Hình ảnh trong ngày cưới của cặp đôi.
Chồng Tây đồng thuận cùng giữ “cái ngàn vàng” đến đêm tân hôn, làm việc nhà nhiều hơn vợ từ rửa bát đến gấp quần áo
Nguyên tắc khi yêu của Phương là: Giữ mình cho đến khi lấy chồng và thật bất ngờ – Chance, một người đàn ông Mỹ, sinh ra và lớn lên trong môi trường rất cởi mở về văn hóa tình dục – đã tôn trọng điều đó 100%.
“Mọi người hay bảo trai Tây không bao giờ chờ đâu nhưng thực tế không phải. Nếu bạn có thể chứng minh với anh ấy bạn là người phụ nữ xứng đáng, bất kỳ ai yêu bạn thật lòng cũng sẽ tôn trọng quan điểm sống của bạn, dù Tây hay ta”, Phương bày tỏ.
Những buổi hẹn hò lãng mạn của cả hai.
Sau khi kết hôn, cả hai cùng san sẻ công việc nhà. “Sau khi cưới, mình mới tập tành nấu nướng vì ở nhà bố mẹ làm hộ cho. Khi nấu xong nồi, niêu, xoong, chảo nhiều lắm. Khi ăn xong, việc đầu tiên chồng mình làm là đứng dậy đi rửa bát. Mình rất ngạc nhiên và nói cảm ơn. Mình cũng bảo anh không cần làm thế nhưng anh đáp lại rằng: “Anh rửa bát không phải vì muốn giúp em. Đấy là việc của anh nên anh cần làm”, Phương kể.
Chance Clark sẵn lòng rửa bát giúp vợ vì biết đó là việc nên làm.
Không chỉ thế, Chance Clark luôn động viên vợ phấn đấu sự nghiệp. Khi Vũ Anh Phương muốn học Tiến sĩ, muốn mở công ty riêng, quản lý nhiều nhân viên, hay học thêm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, chồng Tây luôn ủng hộ “cả hai chân hai tay”.
“Hiện tại chồng mình đang là NCS Tiến sĩ nên thu nhập thấp, còn mình đã tốt nghiệp Thạc sĩ và đi làm nên hiện tại lương mình kiếm gấp 5 lần lương của ông xã. Vậy nên về cơ bản, mình nấu ăn và kiếm tiền. Còn chồng mình làm tất cả mọi thứ còn lại (lái xe đưa mình đi làm, rửa bát, dọn nhà, giặt quần áo, gấp quần áo).
Chồng mình làm việc nhà nhiều hơn mình rất nhiều không phải vì mình kiếm được nhiều tiền hơn anh ấy, vì thực ra chồng mình làm NCS tiến sĩ còn bận, nhiều áp lực hơn và ít thời gian hơn mình. Sau này khi anh ấy có bằng, sẽ kiếm được nhiều tiền hơn mình”, Anh Phương kể.
Chance thường xuyên vào bếp nấu ăn cho vợ.
Vũ Anh Phương cho biết từ khi lấy vợ Việt Nam, Chance rất mê văn hóa Việt Nam. Anh tích cực học tiếng Việt mặc dù viết còn sai lỗi chính tả nhưng anh vẫn cố gắng luyện mỗi ngày.
Thỉnh thoảng, Chance tạo bất ngờ cho vợ bằng những câu chúc như: “Em đẹp lắm”, “Em ngủ ngon”. Điều bất ngờ hơn nữa là buổi tối trước khi đi ngủ, anh có thói quen nghe audio về lịch sử Việt Nam khoảng 15-30 phút. Đây là những điều chẳng phải anh Tây nào cũng làm được.
Chồng Tây của Anh Phương rất chăm chỉ học tiếng Việt.
Anh luôn dành những món quà bất ngờ cho vợ
Ngoài ra, ở Mỹ không có văn hoá “về nhà chồng làm dâu” nên giảm được rất nhiều gánh nặng cho nàng dâu Việt. Ở xứ sở cờ hoa, vợ chồng anh Phương và Chance Clark ở riêng, cách nhà bố mẹ chồng hơn một tiếng lái xe. Gia đình chồng không hề có quan điểm là con dâu phải phụng sự chăm sóc cho nhà chồng, không can thiệp vào những quyết định của hai con. Vì vậy, cô gái Việt cảm thấy rất thoải mái.
Đôi khi, Anh Phương trổ tài nấu những món truyền thống của Việt Nam như phở bò, cháo gà, bún bò khô, được cả đại gia đình nhà chồng khen tấm tắc. “Mình nghĩ tiêu chuẩn làm con dâu ở Mỹ thấp hơn ở Việt Nam rất nhiều”, nàng dâu chia sẻ.
Hiện tại, cuộc sống hôn nhân của Vũ Anh Phương và Chance viên mãn và hạnh phúc. Cả hai không đặt nặng trách nhiệm của người vợ, người chồng trong gia đình, xem nhau như những người bạn tri kỉ, sẵn sàng chia sẻ và lắng nghe lẫn nhau. Cô cảm thấy may mắn vì gặp được Chance, may mắn giành học bổng sang Mỹ và có cái kết ngọt ngào bên người đàn ông mình yêu thương.
Hạnh Nguyễn
(Ảnh NVCC)