Người xưa thường có câu: “Im lặng là vàng”, nhằm khuyên răn con người nên biết cách im lặng khi cần thiết để tránh va chạm không đáng có, đồng thời học hỏi bằng cách lắng nghe nhiều hơn. Đó cũng chính là nguyên do vì sao con người sinh ra chỉ có một miệng nhưng có tới hai tai.
Dĩ nhiên chúng ta không nên im lặng trong mọi tình huống. Ví dụ như khi đứng trước cái ác, cái xấu, chúng ta rất cần lên tiếng. Vậy khi nào thì nên im lặng?
1. Khi bị người khác xem nhẹ, không nên nói lời oán giận
Khi ở trong tình huống bị người khác xem nhẹ, hãy thử soi xét và nhìn nhận xem, liệu có phải bạn đã làm điều gì vô tình tổn thương họ, hoặc điều bạn làm chưa đủ tốt để họ để tâm,… Người xem nhẹ bạn là người không quan tâm đến bạn. Nếu một ngày bạn không còn đủ quan trọng trong tim họ thì hãy coi như duyên đã cạn, hãy nói cảm ơn và đừng oán trách. Oán giận chỉ khiến mối quan hệ tồi tệ hơn nhiều, lời qua tiếng lại sẽ càng hủy hoại sự tốt đẹp đã từng có.
Nhà triết học lỗi lạc người Hy Lạp Pythagoras từng có câu nói nổi tiếng rằng: “Im lặng là cấp độ cao nhất của sự khôn ngoan. Ai không biết im lặng là không biết nói”.
2. Khi được ngợi khen, đừng buông lời ngạo mạn
Nhận được sự khen ngợi và công nhận năng lực là vì bạn đã làm tốt một điều gì đó. Tuy nhiên đừng quên rằng ai cũng có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, đừng vì được tán thưởng mà vội vàng ngạo mạn. Kiêu căng và tự đắc chỉ khiến chúng ta tự cao mà quên mất trau dồi bản thân, quên mất sự cầu tiến cần có để thành công.
Hơn thế, khi nói lời thiếu khiêm tốn, bạn sẽ dễ nhận lại sự chán ghét của người khác và sẽ ít người muốn giúp đỡ bạn hơn. Giống như người xưa từng có câu, nước có thể dâng thuyền lên, nhưng hoàn toàn có thể khiến thuyền bị lật.
Kiêu căng và tự đắc chỉ khiến chúng ta tự cao mà quên mất trau dồi bản thân, quên mất sự cầu tiến cần có để thành công.
3. Khi người khác nói về điều mình chưa biết
Ban đã từng nghe câu: “Không biết thì dựa cột mà nghe” chưa? Người khôn chỉ nên nói khi mình am hiểu về một vấn đề nào đó, và nên im lặng khi đứng trước lĩnh vực mình mơ hồ hoặc chưa biết. Những người càng giỏi lại càng kiệm lời, bởi họ hiểu rằng kiến thức trong đời là mênh mông, những gì chúng ta biết được chỉ là một hạt cát nhỏ. Nhà hiền triết Socrates cũng từng thừa nhận rằng: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Là một người bình thường, chúng ta lại càng nên khiêm tốn và cúi đầu trước những điều chưa biết.
Minh Thanh (Tổng hợp)
Ảnh: Sưu tầm