Gần 50 tuổi vẫn chưa lấy chồng, con gái khóc mếu khi bố mẹ nói: “Lấy thằng nghiện cũng được!”
Chị Bích Hòa hiện đang làm Phó trưởng phòng chuyên môn tại một trung tâm Anh ngữ tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Sau vài mối tính không thành, chứng kiến nhiều người bạn gặp khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, chị mất hứng với việc lập gia đình.
Chị là người giỏi giang, làm việc chăm chỉ và không vướng bận chồng con, đường sự nghiệp của chị rất hanh thông. Lúc này, chị sở hữu một căn nhà phố và một căn hộ cao cấp, tình hình tài chính ổn định.
Cuộc sống của chị trôi qua êm ả. Chị đồng hành cùng hai chú mèo, dành thời gian chăm cây, ăn chay trường, chạy bộ, làm thiện nguyện. Tuy nhiên, khi bước vào tuổi 50, chị phải đối mặt với sự thúc ép từ bố mẹ về việc lấy chồng.
Chị Hòa nhớ lại, giai đoạn sau tuổi 25 là thời kỳ bố mẹ áp lực chuyện lập gia đình nhiều nhất. Lúc đó, ông bà liên tục gọi điện giục chị lấy chồng. Ban đầu, bố mẹ nhắc nhở nhẹ nhàng như “phải có người ở bên cạnh chứ”. Sau đó phụ huynh trách móc, gây áp lực cho chị bằng những câu nói phũ phàng: “Nhà vô phúc mới có đứa con gái không chồng”, “không lấy chồng để cho ma à”, “bố mẹ ở quê chết nhục với hàng xóm“… Dù chê bai từ xa hàng nghìn cây số, chị Hòa có thể hình dung rõ hình ảnh, sự thất vọng và chán nản trên khuôn mặt của mẹ mình.
Dù con gái cố gắng đưa ra lý do rằng chưa muốn lấy chồng, chưa gặp được người phù hợp, bà mẹ vẫn không thể chấp nhận và nói rằng: “Lấy thằng nghiện cũng được, miễn là có chồng.” Quan niệm cổ điển về việc “phụ nữ cần đội người đàn ông lên đầu” của bà mẹ làm cho chị phản ứng mạnh.
Mọi cuộc trò chuyện giữa chị Hòa và bố mẹ thường kết thúc bằng mâu thuẫn và cuộc cãi vã không giải quyết được vấn đề. Trong thời kỳ đó, vào những dịp Tết, bố mẹ thậm chí còn cấm chị Hòa về quê, ra điều kiện phải đưa theo một người đàn ông bất kể ai. Mọi thành tích và niềm vui trong công việc của chị Hòa thường bị mẹ nhận xét là “phụ nữ giỏi, giàu có nhưng không có chồng thì vứt” khiến cho chị cảm thấy rất phiền muộn.
Nhiều năm trôi qua, sau khi chị đã qua tuổi sinh con, bố mẹ chị vẫn đòi chị phải lập gia đình. Mẹ chị cảm thấy cuộc sống hằng ngày của con gái là giả tạo và không có hạnh phúc. Khi con gái không chịu nghe theo, bà than thở, trách móc và tỏ ra rất buồn bã.
Bố chị lại tỏ thái độ quyết liệt hơn: “Nhớ lấy chồng, nếu không lấy thì tao chết không nhắm mắt.” Mặc dù hiểu rằng bố mẹ lo lắng cho mình nhưng chị Hòa vẫn không thể chấp nhận cảm giác bị gia đình phủ định mọi cảm xúc. Hơn nữa, để bố mẹ đã trên 70 tuổi phải lo lắng về chuyện của mình, chị cảm thấy đau lòng và áp lực lớn.
Vì sao phụ nữ hiện đại ngày càng ngại kết hôn?
Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trung tâm Đào tạo ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt) cho rằng có ba nguyên nhân có thể lý giải tình trạng bạn trẻ ngại yêu, ngại lập gia đình và sinh con.
Thật sự là nhiều bạn chưa thấu hiểu bản thân, chưa khám phá bên trong chính mình dù có thể đi khắp thế giới. Họ cứ nói không hợp người nọ người kia nhưng được hỏi “Thế nào là hợp?” lại không trả lời được, mơ hồ về mẫu người mình muốn.
Theo bà Tâm, nguyên nhân khác phải kể đến là các bạn trẻ qua quan sát thấy tỉ lệ ly hôn, số lượng các cuộc hôn nhân tan vỡ khiến niềm tin trong các bạn trở nên mong manh, dẫn đến ngại yêu, sợ yêu.
Và nếu bạn nào đó từng là nạn nhân của những cuộc tình đổ vỡ, những cuộc sống thử… sẽ dễ ngán ngại yêu đương. Chưa kể hình ảnh đổ vỡ của cha mẹ, người thân cũng khiến các bạn chùn bước trước quyết định kết hôn.
Còn nếu từng yêu và thất bại, cũng đừng nên nghĩ tiêu cực, bi quan mà xem đó là bài học kinh nghiệm cho bản thân. “Sao phải mất niềm tin khi chứng kiến những cuộc hôn nhân tan vỡ? Sao không nghĩ có thể do người trong cuộc chưa đủ kiến thức, chưa học cách yêu thương. Vậy nên mỗi bạn càng cần tìm hiểu kỹ về tình yêu, về đối phương để chọn được người phù hợp, thay vì sợ và mãi cô đơn suốt thanh xuân đời mình”, bà Tâm chia sẻ.
Khánh An (Tổng hợp)