Trong một xã hội phát triển nhanh như vũ bão với những guồng quay khắc nghiệt, chẳng biết tự bao giờ, nghỉ ngơi đã trở thành một hành động bị phán xét là lười biếng và tội lỗi. Ai nấy cố gắng chạy thật hối hả với nỗi sợ rằng, chỉ cần chậm lại một chút thì sẽ bị tất cả thế giới bỏ lại phía sau.
Tôi nhìn thấy đâu đó trong cuộc chuyện trò đêm khuya với những người bạn tôi, sự trách móc chính mình mỗi khi quá mệt buộc phải nghỉ ngơi. Họ dằn vặt bản thân vì đã không cố gắng được nhiều như “người ta”, vì đã có ý định dành thời gian cho riêng mình thay vì bận rộn, vì hôm nay đã “chẳng làm được gì ý nghĩa cả” chỉ bởi tâm trạng không tốt.
Nhưng đến máy móc cũng có lúc cần được ngơi nghỉ, còn chúng ta chỉ là những con người bằng da bằng thịt, đâu thể cứ chạy miết mải mà chẳng cho mình một điểm dừng?
Trong tiếng Anh có một khái niệm “Rest shaming”, ý chỉ thái độ chế nhạo, coi thường sự nghỉ ngơi. Tôi cứ thắc mắc mãi, tại sao lại kỳ thị những người không làm gì? Vì thật ra, họ… làm gì đâu?
Tôi nhớ về câu chuyện Takako của trong cuốn “Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki”. Sau khi phát hiện người yêu lừa dối và “bắt cá hai tay”, cô gái Takako 25 tuổi đã rất bàng hoàng, rối loạn tâm lý đến mức bỏ việc và rơi vào chuỗi ngày ngủ triền miên để trốn tránh một thứ thực tại khó chấp nhận. Ngày qua ngày, cô vật vã âm thầm với cơn khủng hoảng của riêng mình đồng thời vẫn gắng gượng sống như “một người có vẻ ổn”: thức dậy, đi làm, tan ca, vùi đầu xuống giường ngủ rồi lại thức dậy… Nỗi đau tình yêu như một bóng ma tưởng như sẽ không thể lùi xa.
Thế rồi, sự xuất hiện của người cậu ruột nhiều năm không gặp đã từ từ dẫn cô bước ra khỏi cơn mộng mị. Tạm rời xa chốn công sở và trở về trông coi một hiệu sách cũ giúp người cậu, Takako đã tìm thấy biết bao điều mới mẻ và thú vị trong cuộc sống mà trước đây cô chưa từng biết đến. Hoá ra ngoài cuộc tình tan vỡ, cuộc sống này có thể đem lại rất nhiều điều đáng yêu khác. Từng chút mỗi ngày, cô gái trẻ vững vàng hơn về giá trị bản thân, nhận ra được điều mình thực sự muốn và có thêm động lực để phấn đấu.
Trong câu chuyện, người cậu có nói với Takako một câu như thế này khiến tôi phải suy ngẫm:
“Đôi khi trong cuộc đời cũng cần những lúc thử dừng lại xem sao. Coi như nghỉ một lát giữa chuyến hành trình dài mang tên đời người. Chỗ này là bến cảng, còn chúng ta là con thuyền thả neo một chốc rồi đi. Nghỉ ngơi thỏa thích rồi lại ra khơi”.
Bạn mến thương, bạn xứng đáng được nghỉ chân một lát!
Giữa hành trình cuộc đời, có khi nào bạn cảm thấy vai đã nặng, chân đã mỏi, chỉ muốn mặc kệ tất cả và tìm một nơi để trốn khỏi bế tắc, để trở về với chính mình?
Là một con người, ắt mỗi chúng ta sẽ có lúc mệt mỏi giữa dòng chảy số phận. Dẫu cho có kiên cường mạnh mẽ đến bao nhiêu cũng sẽ có lúc tổn thương, tuyệt vọng.
Nếu như một lúc nào đó những thử thách trên chuyến tàu trưởng thành khiến bạn yếu đi, làm bạn cảm thấy chơi vơi và bế tắc, hãy cho phép mình tìm một “trạm dừng giữa chặng” để bỏ mặc tất cả. Cũng giống như cách nhân vật Takako tìm về hiệu sách cũ, đó có thể là một nơi trú ẩn yên bình giúp bạn được bình tâm suy nghĩ lại mọi thứ, được tình yêu thương của những người thân yêu chữa lành, để biết mình nên làm gì và lựa chọn điều gì.
Khi nào nên cho mình được “nghỉ giữa chặng”?
Kiệt sức là cảm giác thường trực của bạn
Bạn thấy mệt mỏi sau một ngày? Đó là điều bình thường. Nhưng nếu bạn cảm thấy mệt mỏi suốt cả tháng, điều đó chắc chắn không còn bình thường.
Bạn thường xuyên tắt đồng hồ báo thức và suy nghĩ đầu tiên sẽ là: “Mình thực sự chẳng muốn muốn đi làm chút nào”. Bạn không còn thấy hứng thú với công việc thường ngày. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, hãy dành cho mình một khoảng nghỉ ngơi để suy nghĩ rõ ràng, có cái nhìn mới mẻ hơn về những điều nên làm phía trước.
Đừng quên ngủ đủ giấc và chăm sóc bản thân từ những điều nhỏ nhất. Đôi khi việc chúng ta nỗ lực để chạy thật nhanh trong thời gian ngắn không phải là giải pháp để tiến xa hơn trong thời gian dài.
Đã lâu rồi bạn không thấy vui vẻ
Bạn đã lâu chẳng thể cười tươi và hồn nhiên như trước đây, hoặc bạn cảm thấy quá khó khăn khi tìm động lực vượt qua những thách thức trong cuộc sống. Những sở thích trước đây cũng không còn khiến bạn say mê. Đây là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy bạn cần gác lại mọi thứ và bắt đầu cho mình một quãng nghỉ ngắn để “thanh lọc” lại tâm trí cũng như cơ thể.
Bạn dễ cáu giận
Chưa bao giờ bạn thấy mình dễ nổi cơn tam bành và khó ở với bất kì điều gì, với bất kỳ ai như lúc này? Có thể tâm trí bạn đã quá mệt mỏi sau khi đối mặt với nhiều chuyện căng thẳng liên tiếp. Đừng lờ đi sức khoẻ tinh thần, hãy cho mình được nghỉ ngơi để mọi thứ không trở nên tệ hơn.
Và hay trăn trở về đêm
Bạn cho rằng dù có mệt mỏi đến mấy thì vẫn có thể ngủ ngon? Điều này là hoàn toàn sai lầm. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng dưới áp lực của cuộc sống và căng thẳng đè nén thường xuyên, chúng ta chẳng thể dễ dàng ngủ sâu được. Việc trằn trọc, mất ngủ vào ban đêm cũng khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi hơn, buồn ngủ hơn vào ban ngày. Bởi thế, điều tốt nhất bạn cần làm ngay lúc này chính là tự thưởng cho mình một chuyến đi nghỉ tới vùng đất yêu thích.
Bạn nghĩ rằng thế gian này đang làm khổ bạn? Nếu bạn nghỉ ngơi, thế gian này cũng sẽ “nghỉ” theo
Đôi khi nỗi khổ trong tâm cũng không nhẹ nhàng hơn nỗi khổ trong thân. Tâm chúng ta mệt mỏi là bởi thường khăng khăng ôm quá nhiều phiền não mà không chịu buông xả. Thế nhưng cuộc đời này có bao nhiêu mà phí hoài? Khi tâm mệt mỏi, hãy cho phép mình được nghỉ ngơi. Khi lòng đau khổ, hãy cho phép mình được buông bỏ.
Mỗi người luôn có sự lựa chọn, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu cảm thấy mệt mỏi, bị tổn thương, thất bại, tình yêu rời bỏ,… hãy cho mình được nghỉ chân một lát giữa chuyến đi dài mang tên đời người.
Xin tặng bạn những câu nói của đại đức Haemin từ cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”:
“Nếu cảm thấy mệt mỏi, hãy nghỉ một lát rồi đi tiếp.
Khi bị người khác làm tổn thương đến rơi nước mắt,
Khi điều bạn khao khát không trở thành hiện thực,
Khi người yêu thương rời bỏ bạn,
Hãy nghỉ ngơi rồi đi tiếp”.
V.C