Mới đây, đoạn video một chàng trai mang họ Vương đăng tải đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi xoay quanh áp lực kết hôn tại Trung Quốc. Theo nội dung clip, nhân vật chính tiết lộ rằng anh chưa bao giờ mang bạn gái về nhà để ra mắt trong bất kỳ dịp Tết nào.
Tại quê nhà, những người trên 30 tuổi như Vương chưa kết hôn thường bị gọi là “ông già độc thân”. Điều này đã khiến mẹ của anh tin rằng con trai mình thực sự đang “có vấn đề”. Do đó, kể từ năm 2020, mỗi dịp Tết, mẹ của Vương đều đưa anh đến thăm bác sĩ tâm lý.
Gần đây, Vương và mẹ đã tới Bệnh viện tâm thần tỉnh Hà Nam. Tại đây, bác sĩ khẳng định anh không có vấn đề nào về thể chất hay tâm lý nhưng lại chẩn đoán bà mẹ mắc chứng rối loạn tâm thần khi liên tục áp đặt con trai phải kết hôn.
Trò chuyện với truyền thông, Vương chia sẻ rằng anh đã sống và làm việc tại Bắc Kinh hơn 10 năm. Trước đây, anh là một diễn viên và hiện đang làm huấn luyện viên quần vợt. “Tôi không phải người là người có suy nghĩ áp đặt vấn đề hôn nhân. Đơn giản là tôi rất bận và chưa gặp được đúng người. Mẹ tôi ăn không ngon ngủ, không yên vì tôi chưa lấy vợ. Điều đó khiến tôi rất buồn”, Vương chia sẻ. Đồng thời, anh cũng cho biết chấp nhận đồng hành với “niềm đam mê bệnh viện” kỳ lạ của mẹ để trấn an bà.
Giới trẻ Trung Quốc chuộng lối sống độc thân, không màng đến hôn nhân
Một phân tích dữ liệu dân số gần đây tại Trung Quốc đã làm nổi lên sự đối lập hoàn toàn trong tỷ lệ độc thân giữa nam và nữ trong nước này, đặc biệt khi xem xét về trình độ học vấn và địa điểm cư trú.
Chẳng hạn, trong số những người độc thân ở độ tuổi 35 đến 49, tỷ lệ nam giới chưa kết hôn tăng cao nhất ở nhóm có trình độ tiểu học trở xuống, trong khi phụ nữ độc thân chủ yếu là những người đã học đến đại học trở lên. Tóm lại, người đàn ông với trình độ học vấn thấp hơn thường gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm đối tác hôn nhân so với phụ nữ có học vấn cao.
Tiến sĩ Zheng Yexin, nhà nhân khẩu học tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, đã chỉ ra rằng sự mất cân bằng giới tính đã dẫn đến tình trạng kết hôn giảm do nhiều người không thể tìm kiếm được đối tác, ngay cả khi họ muốn kết hôn. Đặc biệt, trong nhóm người ở nông thôn từ 20 đến 49 tuổi, có trình độ tiểu học trở xuống, tỷ lệ nam giới chưa kết hôn cao hơn nữ giới lên đến 4,75 lần. Ngược lại, ở thành thị, với những người có bằng cử nhân trở lên, tỷ lệ này chỉ là 0,97, tức là số phụ nữ chưa kết hôn ít hơn nam giới.
“Tất nhiên không phải tất cả những người độc thân đều là sản phẩm của hoàn cảnh”, tiến sĩ Zheng nói. Bà cũng nêu rõ rằng nhiều người chọn sống độc thân sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về các lựa chọn cá nhân. Đối với phụ nữ, bất bình đẳng giới có thể khiến họ xem xét việc kết hôn sớm như một rủi ro do sự bất công trong gia đình, nơi làm việc và xã hội. Những người này có thể trì hoãn tâm lý hoặc tránh xa việc lập gia đình. Đồng thời, những người trẻ giỏi giang, giàu có có thể chọn cuộc sống độc thân trọn đời.
Tình trạng này đang diễn ra không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các chuyên gia cũng đề xuất xã hội cần suy nghĩ lại về ý nghĩa của xu hướng sống độc thân và không nên đánh giá nó như một biểu hiện của sự ích kỷ hoặc thiếu trách nhiệm.
Bài toán của thanh niên không lập gia đình, không ổn định đang trở thành mối quan tâm toàn cộng đồng và nó đặt ra những thách thức lớn trong quá trình xây dựng và duy trì các mối quan hệ hôn nhân tại Trung Quốc – nơi hôn nhân vẫn được xem là một sự lựa chọn quan trọng với đại đa số dân số.
Anh Chi(Tổng hợp)