Bóng tối và khó khăn là những người thầy ẩn mình, được cuộc sống gửi đến để dạy chúng ta những bài học cần thiết. Nếu chỉ sống mãi trong hạnh phúc, con người sẽ bắt đầu hoài nghi chính sự hạnh phúc mà mình có được.
Chỉ bằng cách phơi bày bản thân trước sự thật với tất cả sự không chắc chắn, và thay đổi góc nhìn để vượt qua những tiêu cực, thì chúng ta mới có thể có được sự hiểu biết thông qua sự bất hạnh mà chúng ta không thể đạt được theo bất kỳ cách nào khác.
Điều này kỳ thực nên được suy nghĩ tường tận. Những bài học lớn lao nhất trong cuộc sống thường đến trong những tình huống không mong muốn, thông qua mất mát, bất an, đau khổ, kinh hoàng và vỡ mộng.
Chấp nhận rằng nghịch cảnh là một phần không thể tách rời của sự phát triển, bạn sẽ dần học cách vượt qua những đau thương.
Điều này hoàn toàn có ý nghĩa. Khi bạn ngừng mong đợi con người luôn phải tốt đẹp – và sự tồn tại không phải là một cuộc đấu tranh – bạn giải thoát bản thân khỏi sự thất vọng. Bạn tránh được kỳ vọng bi quan rằng cuộc sống sẽ khác với những gì nó đang có. Sau đó, khi điều gì đó tích cực xảy ra, đó là một bất ngờ thú vị mà bạn có thể tận hưởng trọn vẹn.
Một phương thuốc giải độc cho sự tự thương hại
Chấp nhận cuộc sống như nó vốn dĩ là cũng là một phương thuốc giải cho sự tự thương hại. Tự thương hại là một cái bẫy do sự thiếu hiểu biết tạo ra, cho rằng chúng ta phải đặc biệt, không dễ bị tổn thương như mọi người khác.
Lòng biết ơn sẽ giúp bạn giải quyết tất cả những điều này. Sẵn sàng biết ơn cuộc sống với tất cả những điều không hoàn hảo, sẽ giúp tâm trí trở nên linh hoạt và mở rộng lòng trắc ẩn hơn, mang lại sự hiểu biết và kết nối sâu sắc trong chính con người bạn.
Như người Ojibwe nói: “Đôi khi tôi tự thương hại mình, nhưng trong khi đó một cơn gió lớn lại đưa tôi bay ngang bầu trời.” Ngay cả khi chúng ta đang bị bao vây bởi những khó khăn, chúng ta vẫn có thể chọn không biến nỗi đau thành đau khổ, thay vào đó là đối mặt và vươn mình trưởng thành.
Nỗi buồn của chúng ta bắt nguồn từ sự chia lìa – và từ việc chúng ta cứ mãi nghĩ rằng điều này không nên xảy ra, rằng mọi thứ phải khác đi so với hiện tại. Nhưng từ “nên” ấy không bao giờ dẫn chúng ta đến sự thật. Chỉ có sự chấp nhận mới đem lại trí tuệ. Chấp nhận không có nghĩa là buông xuôi hay từ bỏ cố gắng. Đó là việc không quên đi những phước lành mà ta có, ngay cả khi mọi thứ trở nên khó khăn.
Cái tôi có thể cảm thấy đây là cách biện minh, là cách làm nhẹ đi những điều đau buồn. Nhưng từ góc nhìn sâu xa của tâm hồn, những nguyên tắc này lại là chân lý.
Mọi thử thách đều là một ân sủng
Bất cứ điều gì có thể đánh thức chúng ta, dù đó là nỗi đau hay sự mất mát, đều là một ân sủng. Nó giúp ta rời khỏi vùng an toàn, giúp ta thôi coi cuộc sống là điều hiển nhiên.
Khi lớn lên, ta dần nhận ra rằng những điều khó khăn nhất lại có thể mang đến những điều ngọt ngào nhất, mở ra những cánh cửa mà ta chưa từng nghĩ tới. Ta học cách đón nhận những ân sủng ngay cả khi chúng ẩn giấu trong đau khổ, giống như cách Mẹ Teresa tìm thấy hình bóng của Chúa Giêsu trong những người đau khổ mà bà chăm sóc.
Dần dần, ta sẽ thấy ánh sáng le lói trong đêm tối. Tôi không nói về tôn giáo, mà là về sự kết hợp giữa mất mát và sự khai sáng, giữa bóng tối và ánh sáng – những trải nghiệm khiến ta không thể không cảm ơn, dù là sau khi mọi chuyện đã qua. Chính những khoảnh khắc ấy đẩy ta tiến lên, đưa ta đến gần hơn với con người mà ta nên trở thành.
“Khi ngồi trên đệm lợi thế, người ta dễ ngủ quên,” Emerson đã viết. “Nhưng khi bị thúc ép, hành hạ, hay thất bại, đó là lúc ta có cơ hội học hỏi điều gì đó.”
Thường thì, ta không nhận ra mình đang học hỏi khi mọi chuyện đang diễn ra. “Trong những lúc tưởng chừng lười biếng, ta sẽ nhận ra sau đó rằng rất nhiều điều đã được hoàn thành, nhiều điều đã bắt đầu trong tâm trí ta,” Emerson tiếp tục.
Ngay cả khi ta ở trong trạng thái tồi tệ nhất, những lực lượng bên trong vẫn đang làm việc, sắp xếp lại thế giới nội tâm, chuẩn bị cho ta những gì sắp đến. Thời điểm bất ổn thường là lúc thích hợp nhất để chuyển hóa, và điều này đã được chứng minh qua những nghiên cứu về sự phát triển sau chấn thương.
Điều này xảy ra khi ta bắt đầu suy ngẫm về những gì mình đã trải qua, về những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. “Sự tích hợp tích cực” là kết quả của việc vượt qua nghịch cảnh, khi ta thay đổi cách nhìn nhận về trải nghiệm đó. Việc sắp xếp lại quan điểm của mình sau những biến cố lớn là chìa khóa cho sự trưởng thành.
Nhìn lại thời kỳ COVID-19
Ngày nay, khi ta vượt qua những bất ổn do COVID-19 gây ra, điều quan trọng là phải suy ngẫm về “cái nhìn thứ hai”. Đừng để mình bị mắc kẹt trong câu chuyện của đại dịch, đừng nghĩ rằng sự tuyệt vọng và u ám là tất cả, rằng đây là thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc đời, và rằng thế giới sẽ không bao giờ trở lại như cũ – điều đó chẳng giúp ích gì cho chúng ta.
Đó là tư duy của một nạn nhân. Nó sẽ bóp nghẹt tinh thần ta trước khi COVID-19 có thể làm điều đó. Nó trái ngược với sự trưởng thành và tự lập, và nó ngăn chúng ta trở thành ánh sáng cho thế giới. Ta có thể nhận thức được những khó khăn mà không cần phải đắm chìm trong sự tự thương hại, biến cuộc sống của mình thành một nhà tù.
Sự trưởng thành sau chấn thương đến từ việc thay đổi câu chuyện mà ta tự kể về mất mát và đau đớn, và về con người mà ta muốn trở thành. Nó có nghĩa là ta thoát khỏi vị trí của một nạn nhân và đối mặt với khó khăn một cách sáng tạo hơn, linh hoạt hơn, giàu trí tưởng tượng hơn và đầy tò mò.
Dù gọi đó là sự chủ ý hay lời tiên tri tự ứng nghiệm, thì bản chất của nó vẫn như nhau: Chúng ta có thể sử dụng nỗi đau để tỉnh thức hoặc biến nó thành lý do để tiếp tục ngủ quên.
Khi ta bám chặt vào câu chuyện cũ và từ chối vượt qua nỗi đau, ta đang cản trở dòng chảy tự nhiên của cuộc sống – dòng chảy luôn thay đổi, tìm ra lối thoát và những giải pháp mới, luôn thay đổi hình dạng và khiến ta ngạc nhiên.
Thực tế, chấp nhận mọi thứ như chúng vốn có dễ dàng hơn là chống lại nó.
Điều đó không có nghĩa là ta chấp nhận hoàn cảnh mà không thể thay đổi. Cũng không có nghĩa là ta đột nhiên biết ơn nỗi đau khổ, chấn thương và mất mát. Thay vào đó, ta chuyển hóa năng lượng cần thiết để đấu tranh với thực tế thành những hành động có ý nghĩa.
Chúng ta sử dụng ngọn lửa trong bóng tối để thắp sáng con đường của mình.
Và cuối cùng, bạn có để ý rằng chúng ta học hỏi và phát triển nhiều nhất khi vừa trải qua khó khăn không? Vậy khó khăn không phải là trái đắng cuộc đời ném cho bạn, mà là bài học để bạn tiếp thu. Dù chuyện gì xảy ra, mong bạn hãy vững tin vào bản thân. Vì Đức Phật dạy rằng hãy là ngọn đèn cho chính mình. Mỗi chúng ta đều có sức mạnh để tỉnh thức. Để đánh thức sức mạnh đó, ta cần sẵn sàng đối diện với mọi thứ như chúng vốn có, và nhớ rằng, ngay cả trong đêm tối, những vì sao vẫn luôn sáng, và bình minh rồi sẽ đến.
Nghiêng Nhiên (Tổng hợp/Theo Psychology Today)
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích
điểm MyPoint.
Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và
nhận tin
về đọc báo tích điểm sớm nhất