Đen Vâu có câu rap nổi tiếng từng viral một thời: “Anh như con cáo, em như một chùm nho xanh. Khi em còn trẻ và đẹp, em lại không dành cho anh”.
Nếu chưa từng biết đến truyện ngụ ngôn Con cáo và chùm nho, có lẽ bạn sẽ chỉ thấy đây là một câu rap đẹp, nên thơ mà chưa hiểu hết ý nghĩa thâm thúy của nó.
Con cáo và chùm nho là truyện ngụ ngôn của Aesop. Câu chuyện kể về con cáo đói mò xuống triền núi và phát hiện ra một giàn nho căng mọng, vô cùng hấp dẫn khiến cáo thèm thuồng. Thế nhưng dù làm cách nào thì cáo cũng không thể vươn tới chùm nho. Cuối cùng cáo đành ôm chiếc bụng đói bỏ đi và tự nhủ: “Nho còn xanh lắm!” Nho xanh thì vừa chua vừa chát vốn chẳng có gì ngon.
Thế nhưng chùm nho thì vẫn là chùm nho ấy, trước sau chỉ có một, chỉ có suy nghĩ của con cáo đã thay đổi. Giả sử, nếu con cáo với được tới chùm nho, được thưởng thức những trái nho chín đỏ, mọng nước thì nó đã không có suy nghĩ đây chỉ là chùm nho xanh.
Tư duy “con cáo và chùm nho” như một phép thắng lợi tinh thần mà người ta dùng để tự an ủi bản thân khi không đạt được thứ mà mình hằng ao ước. Chẳng hạn, không có được tình cảm của người mình thích thì quay ra chê bai những điểm xấu của người đó. Không đỗ vào ngôi trường mình mơ ước thì chê học trường đó áp lực, trọng thành tích. Không được nhận vào công ty mình muốn thì chê công ty đó giờ giấc không thoải mái, áp lực công việc cao, chế độ đãi ngộ không tốt.
Nói chung, họ cố phủ nhận một cách giả tạo mong muốn mà họ không đạt được. Khi không có được thứ gì thì chê bai thứ đó nhưng vẫn ghen tị và hạ bệ thành công của người khác.
Tư duy này giúp xoa dịu bản thân trong tức thì nhưng lại rất có hại trong việc phát triển bản thân về lâu dài. Dần dần, họ sẽ thấy tất cả những gì mình muốn đều như những chùm nho xanh ở trên cao, quá tầm tay với. Họ không nghĩ đến việc làm sao để có thể với tới chùm nho. Và với một tư duy dưới thấp thì cuộc sống của họ cũng chỉ ở vị trí tương tự.
Phải làm sao để tránh tư duy con cáo và chùm nho?
Thay vì chê chùm nho xanh thì hãy nhìn nhận đúng bản chất sự vật, sự việc. Hãy nghĩ đến lý do vì sao bạn muốn có “chùm nho” đó, rồi tự nhìn nhận bản thân xem mình có cách nào để với được tới chùm nho ấy không.
Một cuộc sống hài lòng viên mãn, một sự nghiệp thành công không phải thứ từ trên trời rơi xuống. Tất cả đều phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được. Để được học ở ngôi trường danh giá top đầu, người ta phải đánh đổi bằng những ngày học chăm chỉ, miệt mài. Để có được công việc tốt, họ phải đối mặt với sự cạnh tranh cao, đến sớm hơn và về muộn hơn, dành nhiều thời gian để tập trung phát triển sự nghiệp.
Người chưa từng nỗ lực cố gắng thì chỉ thấy những gì mình mơ ước như những chùm nho xanh, còn người có được chùm nho là ăn may.
Bài học rút ra là nếu muốn được ăn nho, hãy tìm mọi cách để hái được chùm nho xuống.
Nhưng nếu đã cố gắng làm đủ mọi cách, làm hết sức mình mà vẫn không có được chùm nho thì sao? Câu trả lời là biết buông bỏ đúng lúc những gì không thuộc về mình. Đôi khi lý do không phải vì chùm nho xanh, hay vì bản thân bạn kém cỏi không với tới, mà chỉ đơn giản là không phù hợp thôi. Biết buông bỏ đúng lúc cũng là một kiểu thông minh, sáng suốt để tập trung vào thứ phù hợp với mình hơn. Nhưng dù từ bỏ cũng đừng chê chùm nho xanh. Chỉ là chùm nho ấy không dành cho bạn mà thôi.
Không phải lúc nào nỗ lực cũng đem lại cho bạn điều bạn muốn. Trong The Great Gatsby – cuốn tiểu thuyết của F. Scott Fitzgerald, anh chàng Jay Gatsby từ một người bình thường vươn lên tầng lớp thượng lưu để xứng với nàng Daisy xinh đẹp. Anh đã tổ chức những bữa tiệc xa hoa mỗi tuần, cho mọi người vào cửa tự do, chỉ để một lần được Daisy chú ý đến.
Gatsby và Daisy từng hẹn hò từ khi chàng chỉ là một sĩ quan quân đội. Sau này Daisy đã trở thành vợ đại gia Tom Buchanan. Dù Gatsby có tất cả mọi thứ, từ tiền bạc đến địa vị thì anh vẫn không bao giờ có được Daisy, khi buộc phải lựa chọn, cô không bao giờ chọn Gatsby.
Đọc tiểu thuyết hay xem phim, nhiều người thấy Daisy là một cô nàng ưa xa hoa, phù phiếm và không xứng đáng với tình yêu của Gatsby. Dẫu thế, anh vẫn một lòng yêu cô và không bao giờ có suy nghĩ cô là “chùm nho xanh” chỉ vì anh không có được. Chính tình yêu đã khiến Gatsby trở nên vĩ đại.
Cuối cùng thì, Con cáo và chùm nho chỉ là một câu chuyện hư cấu, cũng như motif của nhiều truyện ngụ ngôn, lấy câu chuyện không có thật ra để truyền tải một bài học nào đó. Khi đọc và xem mấy video hoạt hình dựa trên câu chuyện này, tôi đã suy nghĩ sao con cáo không trèo lên cây để hái chùm nho? Cáo biết trèo mà phải không? Và tôi đã kiểm chứng bằng cách tìm kiếm thông tin, quả nhiên cáo trèo cây được. Vậy nên, thêm một bài học nữa cho chúng ta là, nếu đã dùng hết sức, bật nhảy thật cao mà vẫn không với được chùm nho xuống, vậy thử thay đổi cách tiếp cận xem sao. Nếu cáo biết dùng khả năng trèo cây của mình để hái quả, nó đã không phải bỏ đi trong thèm thuồng, tiếc nuối.
I Am NGA
Ảnh: sưu tầm