Kiên trì dĩ nhiên tốt, nhưng từ bỏ cũng không phải một từ mang nghĩa tiêu cực
Có rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về sự kiên trì.
J.K Rowling từng phải sống bằng tiền trợ cấp, nhưng bà vẫn bền bỉ viết Harry Potter.
Thomas Edison đã thử hàng nghìn vật liệu khác nhau để tìm ra sợi vonfram cho bóng đèn, và tạo nên cả một đế chế công nghiệp.
Albert Einsteins từng không tìm được việc làm trong lĩnh vực vật lý, sau này đã tạo nên những ý tưởng mang tính cách mạng của mình cho nền vật lý thế giới.
Điều mà chúng ta thường được nghe là “Hãy cố gắng, đừng từ bỏ”, những câu chuyện truyền cảm hứng mà bạn có thể tìm thấy trên Google đa phần cũng là câu chuyện về sự kiên trì.
Từ nhỏ, chúng ta đã được dạy rằng kiên trì bền bỉ là một đức tính, và phải kiên trì mới có được thành công. Điều này dĩ nhiên đúng. Thế nhưng đã có nhiều người suy luận rằng mệnh đề đảo của nó – “Từ bỏ là thất bại” – cũng đúng. Họ cho rằng từ bỏ đồng nghĩa với những gì bất lực và kém cỏi. Chẳng rõ từ khi nào, từ bỏ đã trở thành một động từ mang nghĩa tiêu cực như thế.
Trong khi ở một số hoàn cảnh, lựa chọn từ bỏ và thay đổi lại là lựa chọn sáng suốt nhất. Đó là khi một công việc đã gắn bó nhiều năm nhưng dần không còn cơ hội phát triển, một mối quan hệ dù tốn nhiều công sức vun đắp nhưng vẫn không tìm thấy sự kết nối, hay một dự án bị thua lỗ khi dòng sản phẩm hiện tại kinh doanh không khả quan… Dẫu rằng việc quyết định dừng lại ở bất cứ tình huống nào cũng đều khó khăn không kém gì việc tiếp tục, nhưng đôi lúc sự từ bỏ sẽ mang tới một cơ hội tốt hơn cho mỗi người.
Thời gian của mỗi người là hữu hạn, đừng lãng phí cho những lựa chọn sai
Ở nhiều thời điểm, tiếp tục cố gắng là quyết định đúng đắn. Nhưng cũng có những lúc nó không còn đúng. Đôi khi, sự kiên trì mà chúng ta được dạy từ nhỏ vô hình đã ngăn cản chúng ta tìm thấy hạnh phúc và những cánh cửa cơ hội để khám phá bản thân. Từ bỏ không phải lúc nào cũng là nhụt chí, đáng xấu hổ hay là thất bại. Có những lúc, sự từ bỏ đúng thời điểm chính là sự dũng cảm mà chỉ những ai đủ trưởng thành và tỉnh táo mới có được.
Nếu nhớ ra rằng thời gian của bạn ở cuộc đời này là hữu hạn, liệu bạn có lãng phí thời gian và tâm sức cho một người không còn yêu mình? Liệu bạn có cố chấp “trày da tróc vảy” đi tới bằng được một cái đích mà hành trình đi tới nó mang lại quá nhiều trải nghiệm tiêu cực? Liệu bạn có chọn cứng đầu để làm mãi một việc mình không còn nhiệt huyết, có bước tiếp trên một con đường mà mãi không thấy trái ngọt?
Khi nào thì nên từ bỏ?
Bài viết này không cổ xuý cho việc thoải mái từ bỏ mỗi khi gặp khó khăn. Dĩ nhiên là, chúng ta không nên từ bỏ điều gì đó chỉ vì bản thân lười biếng và muốn thoải mái hơn. Cũng đừng từ bỏ một con đường vì thấy một con đường khác có vẻ hấp dẫn hơn, bởi nếu như vậy bạn cũng sẽ sớm đổi ý để chạy theo vô vàn con đường trông có vẻ hứa hẹn khác.
Không có thời điểm nhất định nào để tất cả chúng ta lựa chọn từ bỏ. Nhưng mỗi khi lưỡng lự xem có nên ngừng bước hay tiếp tục, bạn hãy cân nhắc những điều sau:
Khi bạn không tìm thấy bất kì tiến triển tốt nào
Đó là khi bạn đi mãi vẫn không tìm thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”, ví dụ như làm mãi một công việc trong nhiều năm, dù bạn đã cố gắng và nỗ lực nhưng cứ đến kỳ review lương là lại bị bỏ qua, hay một mối quan hệ có rất nhiều vấn đề không thể giải quyết và lúc nào cũng cãi vã căng thẳng.
Khi đường đi trước mắt đã và đang hút cạn năng lượng của bạn
Bước trên hành trình này, thứ bạn nhận lại là niềm vui nhiều hơn hay đau khổ nhiều hơn? Bạn có thực sự thích nó, hay bạn buộc phải tiếp tục vì nỗi sợ nào đó?
Chúng ta thường dằn vặt giữa chuyện đi hay ở bởi phần lớn là tiếc nuối những gì mình đã bỏ ra. Nhưng nếu như một lựa chọn khiến cho tâm – thân – trí của bạn kiệt quệ “sức cùng lực kiệt” mà đi mãi vẫn chẳng thấy một tín hiệu nào trên sa mạc không người, thì đừng chần chừ nữa mà quay đầu tìm đường khác ngay thôi. Liệu đích đến mà bạn muốn tới có đáng để trả giá bằng sức khoẻ vật chất và tinh thần? Có lẽ chính bản thân bạn là người rõ nhất cuộc đầu tư này lời hay lỗ nhiều hơn. Nếu nó chỉ toàn khiến bạn khốn khổ và suy kiệt, thì đó là con đường không xứng đáng.
Khi lý do duy nhất khiến bạn chưa từ bỏ là vì bạn lo lắng không biết người khác sẽ nghĩ gì
Lý do đằng sau việc bạn “cắn răng” tiếp tục dù đã chán ghét con đường mình đang đi thật ra là gì? Có phải bạn sợ người khác sẽ đánh giá mình là kẻ thua cuộc nếu như lựa chọn từ bỏ? Nên nhớ rằng, chúng ta không thể hy sinh cuộc đời mình chỉ để làm vừa lòng người khác. Cuộc đời này là của bạn, nó quá ngắn để bạn để tâm tới cái nhìn của người khác, vì thế hãy làm điều mình thực sự muốn làm.
Khi lý do duy nhất khiến bạn chưa từ bỏ chỉ vì bạn không biết bạn sẽ là ai nếu không gắn bó với con đường đó
Có nhiều người phấn đấu, nỗ lực hết mình để xây dựng một dự án, hay vun đắp một mối quan hệ trong nhiều năm. Khi mọi thứ dường như đi vào ngõ cụt, họ vẫn không dám từ bỏ chỉ vì họ không hình dung nổi: “Mình sẽ là ai nếu không ở bên người ấy?”, “Mình sẽ là ai nếu không theo đuổi tham vọng đó?”… Nhưng hãy nhớ rằng bạn là một bản thể toàn vẹn từ lúc sinh ra, bạn đã đủ đầy và không cần một ai khác (hay một điều gì khác) để khẳng định sự tồn tại của mình. Thời gian đầu khi lựa chọn từ bỏ, có thể bạn sẽ cảm thấy mất mát và trống rỗng, nhưng thời gian sẽ mang những cơ hội mới, những mối quan hệ mới lấp đầu khoảng trống bên trong đó. Vì thế đừng quá ngần ngại nếu đứng trước sự thay đổi, hãy mạnh dạn cho mình được dừng lại, được từ bỏ và làm một điều gì đó mới mẻ hơn mà không cần quan tâm tới tương lai. Chỉ khi đó, bạn mới thực sự hạnh phúc ở thực tại.
V.C
Ảnh: Unsplash