“Học ngành này ra trường làm gì?”, “Tốt nghiệp đi làm rồi còn học làm gì nữa?”
“Học ngành này ra trường làm gì?”, đã bao giờ bạn phải đối mặt với câu hỏi như thế này chưa? Đứng trước ngưỡng cửa đại học, hẳn bất kỳ ai cũng từng phân vân trước những lựa chọn bởi con đường mà bạn theo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sau này. Trong mắt gia đình và nhà trường, những công việc ổn định dường như vẫn còn rất hạn chế, quanh đi quẩn lại chỉ bao gồm giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, nhân viên văn phòng… Trong khi trên thế giới hiện nay có đến hàng nghìn nghề nghiệp chính thức.
Tôi có một cô bạn học ngành Văn học – một ngành mà nếu kể ra hẳn ai cũng sẽ đặt câu hỏi “Học văn thì sau ra làm nhà văn à?”. Tôi cũng quen một người bạn học hội họa và bạn ấy kể khi đưa ra quyết định này bố mẹ và họ hàng ai cũng hỏi tương lai tính làm họa sĩ hay sao. Sở dĩ có những sự thắc mắc như vậy, tôi cho rằng là vì trong quan niệm cố hữu của đại đa số mọi người đây đều là những ngành học “không chính thống”, nó chỉ như một sở thích cá nhân, học vui thì được chứ không thể kiếm ra tiền.
Trên thực tế, tôi quen không ít người thời đại học theo đuổi những ngành bị coi là “vô dụng” nhưng sau khi ra trường vẫn kiếm được những công việc ổn định và lương cao. Vấn đề ở đây không phải học gì mà là có áp dụng được những kiến thức mình có vào thực tế hay không. Người có năng lực thì dù ném vào đâu cũng sẽ bơi được, còn không có chí tiến thủ thì dù có học ngành hot ở những trường top đầu thì cũng chẳng làm nên việc lớn.
Người có năng lực thì ở đâu cũng bơi được
Bên cạnh câu hỏi về ngành học thì một vấn đề khác cũng được nhiều người quan tâm: Tốt nghiệp và đi làm rồi thì còn học làm gì nữa?
Trong quan niệm của hầu hết mọi người, bước khỏi cánh cổng đại học đồng nghĩa với việc “đoạn tuyệt” với sách vở và deadline, từ nay không còn quan hệ gì nữa. Nhưng có thật là vậy không? Chúng ta đi làm phải sử dụng kiến thức chuyên môn, vậy kiến thức ấy từ đâu mà có? Trong thời đại mà mọi thứ đang không ngừng biến đổi như hiện nay, việc học càng phải được thúc đẩy chứ không thể giậm chân tại chỗ được. Ngừng học có nghĩa là đang tự đào thải mình khỏi sự phát triển của xã hội.
Biển học vô bờ, có những người học vì mục đích thuần túy là theo đuổi tri thức
Hồi nhỏ lười học thầy cô giáo nào cũng quở một câu y hệt nhau: “Học để ấm thân mình chứ cho ai”, thế nhưng khi bản thân lựa chọn thứ mình muốn học thì lại vấp phải sự phản đối “Học cái này chẳng có tác dụng gì đâu”.
Có hay không ngành học vô dụng?
Song, tôi cho rằng không có sự học nào là vô ích, chẳng phải học để “ấm thân mình” đã là một tác dụng có thể thấy ngay trước mắt đấy sao? Kiếm tiền đúng là quan trọng, nhưng không phải tất cả. Trên đời có những người đi học chỉ vì mục đích thuần túy là theo đuổi tri thức, chẳng thế mà mới có những câu chuyện cụ ông cụ bà 70, 80 tuổi vẫn đi thi hoặc tốt nghiệp đại học. Ở tuổi ấy họ học đương nhiên không phải vì mục đích kiếm tiền, mà bởi vì họ ý thức được tầm quan trọng của tri thức và rằng biển học vô bờ, đó là kho báu mà con người phải dành cả đời để tìm kiếm.
Biển học vô bờ, có những người học chỉ vì muốn theo đuổi tri thức
Trong xã hội mà vật chất lên ngôi như hiện nay, câu hỏi quen thuộc mà chúng ta thường nhận được đó là “học cái này để làm gì”, “học cái này có kiếm ra tiền không”. Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của tiền bạc, nhưng dường như người ta đã và đang hạ thấp cảm nhận cá nhân của mỗi người học tập, người ta chỉ hỏi học để làm gì mà không ai hỏi học có vui không. Nếu ai cũng học chỉ để kiếm thật nhiều tiền thì lấy đâu ra những nhà nghiên cứu dành cả đời để khám phá và giải mã thế giới, lấy đâu ra những nhà giáo ngày đêm miệt mài truyền thụ tri thức cho các thế hệ học trò dù đồng lương ít ỏi?
Học là hành trình cả đời, học cũng là một niềm đam mê. Kiếm được nhiều tiền hay ít tiền không phải là tất cả, quan trọng hơn hết là chúng ta sống hạnh phúc với sự lựa chọn của bản thân mình. Có người học để kiếm tiền thì cũng có người học để kiếm tìm tri thức.
Vivian
Ảnh: Sưu tầm