Hôm qua tôi nhận được thiệp mời đám cưới từ một người bạn cũ. Xuất phát từ bản năng nghề nghiệp của một blogger tình cảm, tôi đã chúc mừng và đặt câu hỏi cho cô ấy: Lý do nào khiến cậu quyết định tiến tới hôn nhân?
Cô ấy trả lời rằng lúc mới hẹn hò, cô lúc nào cũng tự hỏi “Liệu mình có thể cùng anh ấy đi hết quãng đời còn lại không?”. Cô cũng kể rằng trong suốt thời gian yêu nhau, trong lòng cô luôn canh cánh nỗi lo, một bên là “có thể kết hôn” và một bên là “không thể kết hôn”. Dần dần theo thời gian, cô ấy cảm thấy cán cân “có thể kết hôn” ngày càng nặng hơn, cô biết thời cơ đã đến nên quyết định bàn tính chuyện cưới xin với chàng trai.
Trong mắt nhiều bậc phụ huynh, con cái đến tuổi là phải lập gia đình, họ cảm thấy hôn nhân là nghĩa vụ, là thế giới mà ai rồi cũng phải bước vào. Nhưng trong quan niệm của thế hệ chúng ta, khi một cặp đôi quyết định bước vào hôn nhân thì nghĩa là cả hai đã đạt được một sự thống nhất chung nào đó. Khoảnh khắc quyết định kết hôn không lãng mạn như chúng ta tưởng tượng, thậm chí chứa đầy tính toán thực tế.
Phụ nữ có nhiều gánh nặng kết hôn hơn đàn ông
Có một sự thật là đàn ông thường có ít sự quan tâm dành cho hôn nhân hơn so với phụ nữ. Ngoài việc trưởng thành muộn, còn bởi đàn ông có cái nhìn thực tế hơn. Hầu hết đàn ông dưới 30 tuổi xung quanh tôi đều không vội kết hôn, thậm chí đã hẹn hò 5, 6 năm mà vẫn chưa có ý định tổ chức đám cưới, điều đó làm bạn gái họ phải tự hỏi có phải anh ấy không yêu thật lòng hay là đang có dự định nào khác.
So với đàn ông, phụ nữ có nhiều gánh nặng kết hôn hơn
Trên thực tế, hầu hết các chàng trai khi yêu chỉ do dự “có nên kết hôn bây giờ hay không”. Yếu tố đầu tiên họ tính đến là tiền bạc: có đủ tiền mua nhà không, nhẫn cưới giá bao nhiêu, tiền tiết kiệm có đủ chi tiêu không..
Điều thứ hai họ xem xét là các mối quan hệ sau khi kết hôn: mua quà gì để gặp bố vợ, đón Tết Nguyên đán ở đâu, đối xử với nhà vợ và họ hàng như thế nào… Ngoài ra, đàn ông cũng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tự do sau khi kết hôn: có nên giao tiền lương cho vợ không, phân chia việc nhà thế nào, làm sao để cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp… Đàn ông lo lắng một khi bước vào hôn nhân thì những trách nhiệm gia đình sẽ đồng loạt ập đến, họ không biết liệu mình có thể gánh vác được hay không.
Chúng ta hãy thử nhìn vào từng giai đoạn của đàn ông: Các chàng trai 20 tuổi mới bước vào đời, chưa biết cách xử lý tốt các mối quan hệ, chưa có tiền tiết kiệm, hãy còn hoang mang về tương lai nên chưa muốn kết hôn. Đàn ông 25 tuổi mới đi làm được vài năm, đồng lương ít ỏi, lo đám cưới sẽ xuề xòa, bên cạnh đó sự nghiệp mới bắt đầu, chưa thể quản lý được thời gian nên họ hy vọng sau khi công việc ổn định thì mới kết hôn. Đến 30 thì đàn ông đã có thể xử lý tốt các mối quan hệ, nhưng sau khi trải qua những vùi dập của xã hội, họ hiểu được trách nhiệm gia đình, hiểu được những áp lực sau khi kết hôn, do thế hoang mang và nảy sinh ý nghĩ trốn tránh hôn nhân.
Nhìn chung, bởi suy nghĩ và lo lắng nhiều vấn đề nên đàn ông mới chưa tính đến chuyện kết hôn.
Yêu nhau bao lâu là đủ để tiến tới hôn nhân?
Tình yêu là “chuyện” của hai người, còn hôn nhân là “tương lai” của hai người. Vì vậy, trước khi tính đến chuyện kết hôn, bạn cần hiểu hôn nhân không phải là tan làm rồi về nhà cùng ăn một bữa cơm tối, mà là việc ai sẽ nấu bữa ăn ấy; hôn nhân không phải cùng nhau hàn gắn những lúc mệt mỏi, mà là ai có thể kiên nhẫn lắng nghe bạn trút bỏ tâm tư; hôn nhân không giữ được sự tươi mới mãi mãi, mà là việc chúng ta có thể cùng nhau trò chuyện về một chủ đề cũ kỹ hay không.
Hôn nhân là tương lai của hai người nên cần suy xét cẩn thận
Tiếp đến, cả hai cần có sự hiểu biết cơ bản về nhau, chẳng hạn như quan điểm sống có hợp nhau không, hoàn cảnh kinh tế mỗi người thế nào, tính cách và quan hệ gia đình ra sao. Trong mắt nhiều người, yêu khoảng một đến hai năm rồi kết hôn là tốt nhất, tránh việc kết hôn chớp nhoáng rồi ly hôn. Nhưng tôi cho rằng cảm xúc là thứ vô cùng phức tạp và chúng ta không thể đưa ra quyết định chỉ dựa trên dữ liệu lạnh lùng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng không có một tiêu chuẩn chính xác cho câu hỏi “yêu nhau bao lâu là đủ để tiến tới hôn nhân?”.
Cuối cùng, mỗi người cần có một mục tiêu chung rõ ràng cho tương lai. Quy luật cơ bản của tình yêu đích thực chính là: độc lập và cộng sinh. Duy trì tính cách độc lập, đồng thời nương tựa lẫn nhau, cùng nhau trưởng thành, tạo ra công thức 1 + 1 > 2. Hôn nhân giống như việc thành lập một nhóm làm việc, đôi bên đều nỗ lực hết mình để giúp nhóm tối đa hóa lợi ích.
Cần có mục tiêu chung giữa hai người thì mới có thể tiến tới hôn nhân
Nói đến đây, có thể sẽ có người hỏi: Vậy những người yêu nhau mười mấy năm vẫn chưa kết hôn thì sao, họ nghĩ như thế nào? Theo tôi, cần hội đủ các yếu tố để thúc đẩy hôn nhân, nếu chưa tiến tới hôn nhân thì nghĩa là giữa họ đang thiếu thứ gì đó.
Cần có sự thống nhất chung giữa hai người thì mới có thể tiến vào hôn nhân
Cho dù mối quan hệ kéo dài bao lâu, nếu giữa cả hai không thể tìm được mục tiêu chung thì vẫn chỉ là đang yêu đương hẹn hò chứ chưa thể tiến tới hôn nhân được. Một mối tình mới kéo dài một năm, nhưng nếu hai người biết cùng chia sẻ vui buồn, hoạch định tương lai, hỗ trợ lẫn nhau và trở thành bến đỗ của nhau, thì họ đã đủ trưởng thành để kết hôn. Có những người mới chỉ hẹn hò hai ba năm nhưng đã có thể cộng sinh, trong khi đó có những người dù đã quen biết cả chục năm nhưng càng ngày càng xa cách. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng không phải cứ chuẩn bị tốt tâm lý và suy xét kỹ lưỡng thì hôn nhân sẽ êm đềm.
Hôn nhân bắt đầu bằng chiếc váy cưới rực rỡ, dần dần biến thành sự tầm thường của xoong nồi, nhưng chính nó lại tạo nên sự lãng mạn đẹp đẽ nhất, những cảm xúc tuyệt vời nhất, đồng thời mang đến cho bạn cảm giác an toàn và hạnh phúc đến cuối đời.
Vivian (Tổng hợp)/ Theo Baijiahao
Ảnh: Sưu tầm