Mỗi chúng ta hẳn đã không còn xa lạ với câu dạy “Trên con đường dẫn tới sự thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”, nhưng nếu bạn biết tới loài động vật tên là lười thì có lẽ sẽ không còn suy nghĩ như vậy nữa. Ai cũng biết lười là loài chậm chạp và biếng nhác nhất thế giới, vậy chúng ta có thể học được gì từ con vật này?
Lười biếng nhưng vẫn chưa tuyệt chủng
Lười (tên gọi khoa học là Folivora) là một loài động vật sống trên cây, nổi tiếng với sự chậm chạp giống như cái tên mà con người đã đặt cho chúng. Lười dành phần lớn thời gian của cuộc đời để ngủ và di chuyển với tốc độ như những cảnh phim trong Cô dâu 8 tuổi – mãi mà chưa xong! Chúng đi chậm, ăn chậm, một tuần chỉ xuống đất đi vệ sinh một lần, thậm chí các nhà khoa học còn ghi nhận một số trường hợp con lười chết trong khi cơ thể vẫn bám ở thân cây.
Lười biếng đến vậy nhưng con lười vẫn chưa tuyệt chủng
Chúng ta đều biết thế giới sinh tồn tự nhiên rất khắc nghiệt, vậy mà một loài biếng nhác như thế lại có thể tồn tại qua hàng chục triệu năm mà chưa tuyệt chủng. Nguyên nhân nào khiến cho loài vật này được ưu ái đến vậy? Trong thực tế, tất cả đều nằm trong “kế hoạch” của con lười. Việc ít di chuyển và di chuyển chậm sẽ tiết kiệm năng lượng cho cơ thể, bộ lông rậm rạp của lười cũng trở thành thiên đường của các loài nấm, tảo cộng sinh, bướm đêm – chúng tạo thành một lớp ngụy trang giúp lười tránh khỏi tầm mắt của thú săn mồi.
Như vậy, có những lý do thuyết phục giúp loài lười có thể tồn tại trong lịch sử và chưa có dấu hiệu bị tuyệt chủng.
Lười biếng không phải là không làm gì mà là làm những điều bản thân cảm thấy cần thiết
Đã bao giờ bạn bị gọi là lười biếng khi từ chối tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường lớp hay chuyến du lịch do công ty tổ chức chưa? Xã hội ngày nay thường hiểu lầm người hướng nội nghĩa là chỉ thích ru rú một mình trong nhà, không tiếp xúc và giao lưu với ai, thậm chí cho rằng họ tự kỷ hay bị khuyết tật tâm lý.
Quả thực người hướng nội có xu hướng tập trung vào nội tâm của bản thân hơn là hướng ra những sự kiện bên ngoài thế giới, song không nên hiểu lầm họ là những kẻ lười biếng, chỉ muốn ngồi yên mà không làm gì. Trên thực tế người hướng nội vẫn có thể trở nên “hướng ngoại” khi gặp được những người cùng tần số, khi ấy họ thậm chí tỏ ra sôi nổi hơn bất kỳ một người hướng ngoại nào.
“Lười biếng” không phải là không làm gì mà là làm những điều bản thân thấy cần thiết
Vậy vấn đề ở đây là gì? Đó là mối quan tâm của mỗi người là không giống nhau. Không phải ai cũng thích đám đông và trò chuyện với người lạ, thay vào đó họ ưa hơn những hoạt động nuôi dưỡng tâm hồn như thiền, đọc sách, viết journaling… Tương tự, có những người không thể chịu nổi nếu phải ngồi yên một chỗ cả ngày, họ thích di chuyển, giao lưu kết bạn và khám phá những điều mới mẻ. Không thể khẳng định được cách sống nào tốt hơn, mà nó chủ yếu phụ thuộc vào tính cách và mục tiêu cuộc đời của mỗi người.
Thời gian là hữu hạn, vậy nên không có gì sai khi bạn muốn dành thời gian rảnh rỗi cho bản thân. Thay vì tham gia những buổi liên hoan và hội họp mà mình không hứng thú, bạn có thể làm những việc còn dang dở trong to-do-list hay dành thời gian cho bạn bè và người thân. Có thể ở môi trường này bạn bị xem là kẻ lười biếng, nhưng sự thật là bạn vẫn tích cực với những thứ bạn yêu thích và mối quan hệ bạn coi trọng. Do đó, lười biếng ở đây không phải là ngồi yên tại chỗ không làm gì, mà là làm những điều bản thân cảm thấy cần thiết có ích cho sự phát triển của bản thân.
Mỗi người có một cách sống riêng
Có nhiều lý do để từ chối một sự kiện, có thể phương tiện di chuyển làm bạn khó chịu, có thể ở nơi đó có người bạn ghét, hay là việc phải hoạt động ở ngoài quá lâu khiến bạn bị cạn kiệt năng lượng. Tất cả đều là lý do chính đáng và người khác không có quyền phán xét bạn là kẻ lười biếng.
Mỗi người có cuộc đời và cách sống riêng
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, có người nhanh nhẹn, thích huyên náo thì cũng có người chậm chạp và ưa tận hưởng không gian riêng tư. Quan trọng là mỗi người ý thức được mình là ai, mình muốn gì và tự tin sống cuộc đời mà bản thân đã lựa chọn.
Vivian
Ảnh: Sưu tầm