Trăm ngàn lý do để chần chừ cũng đều quy về một lý do lớn nhất: Tôi lười!
Bạn hình dung thế nào về tương lai của bản thân? Thử tưởng tượng 3 – 5 năm sau bạn sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn bây giờ. Bạn có công việc yêu thích, thu nhập tốt và có một khoản tiết kiệm. Bạn có một cơ thể khỏe mạnh, vóc dáng cân đối. Bạn học hỏi được thêm nhiều thứ, nâng cao kỹ năng công việc và làm giàu cho vốn sống của mình. Chỉ cần nghĩ đến thôi đã thấy hấp dẫn rồi phải không?
Thế nhưng hiện tại bạn đang làm gì để có được những điều đó?
Có một kiểu người, mua hàng tủ sách nhưng chưa từng đọc, lướt mạng thấy ở đâu share tài liệu, khóa học miễn phí liền nhanh tay lưu về nhưng chẳng bao giờ mở ra xem. Họ ý thức được có sức khỏe sẽ có tất cả, nhưng lại thức khuya, ăn uống vô tội vạ và không chịu vận động cơ thể. Họ cũng muốn giỏi giang, muốn thành công hơn nhưng lại không chịu học hành, phát triển bản thân.
Có nhiều lý do để trì hoãn, tôi mệt, tôi bận, tôi không có thời gian, tôi không đủ thông minh để học, nhưng thật ra là “tôi lười”. Bạn có lướt mạng xã hội không? Bạn có hít drama mỗi ngày không? Bạn có nằm dài cày phim bộ hay lướt “tóp tóp” mỗi tối đến tận khuya không? Nếu có thì bạn chẳng bận như mình nghĩ đâu, bạn vẫn dư thời gian để làm điều gì đó thay đổi cuộc sống của mình.
Cách bạn dùng thời gian ở hiện tại quyết định tương lai của bạn
Cuộc đời của bạn đi lên hay đi xuống phụ thuộc vào những cuốn sách bạn đọc, những người bạn gặp, những việc bạn làm và những nơi mà bạn đi qua. Vậy nên, cách mà bạn sử dụng thời gian ở hiện tại quyết định tương lai của bạn. Khi rảnh rỗi mà không biết nên làm gì, thay vì giết thời gian bằng cách lướt mạng xã hội, bạn hãy thử đọc một cuốn sách chưa từng đọc, xem một bộ phim chưa từng xem, học một thứ chưa từng học và đến một nơi bạn chưa từng đến.
Không phải ai cũng thích đọc sách nhưng rất khó để phát triển bản thân nếu như bạn từ chối những cuốn sách. Hầu hết những người tài giỏi xuất chúng và thành công đều là những người có thói quen đọc sách. Nếu bạn chưa có thói quen này, có thể bắt đầu bằng những cuốn sách nhẹ nhàng, liên quan đến thứ bạn yêu thích hay đang quan tâm. Không cần phải đọc nhiều, mỗi ngày đọc vài trang cũng tốt rồi.
Ngoài ra, chúng ta đang sống ở thời đại công nghệ, bạn cũng có thể tận dụng những phương tiện khác ngoài sách để học hỏi thêm như kho video khổng lồ trên YouTube, các ứng dụng giáo dục, các website, blog hữu ích.
Xem phim là hình thức giải trí của nhiều người và có vẻ dễ thực hiện hơn việc đọc sách. Chúng ta xem phim không chỉ để giải trí mà còn học được nhiều bài học qua cách thể hiện đầy cuốn hút của ngôn ngữ điện ảnh. Nếu bạn chưa biết chọn phim gì để xem, có thể bắt đầu từ thể loại bạn thích nhất, tham khảo top IMDb hay nhờ bạn bè giới thiệu.
Điều đáng tiếc là rất nhiều người coi việc học như một nghĩa vụ. Nhỏ học để biết đọc, biết viết, biết tính toán. Lớn thì học chuyên môn để có có một cái nghề. Họ mặc định coi việc tốt nghiệp ra trường là xong nghĩa vụ rồi, không cần phải học thêm nữa. Trên thực tế, trong một xã hội phát triển chóng mặt từng ngày, học trọn đời là một kỹ năng được khuyến khích. Ngoài việc nâng cấp bản thân, thích nghi với sự thay đổi, bạn còn được biết đến những thứ chưa từng biết thông qua việc học, vì thế mà cuộc sống trở nên phong phú hơn.
Vậy bạn có thể học những gì? Hoặc là thứ bạn thích, hoặc là thứ mà ai cũng cần, như học làm người, học làm việc và học làm giàu. Vậy nên, những lĩnh vực như ngoại ngữ, tâm lý, tài chính,… được xem là những thứ đáng học nhất hiện nay.
Có người nghĩ rằng ngày nay internet phát triển, ngồi nhà cũng có thể ngắm được cảnh đẹp khắp thế giới thì việc gì phải đi du lịch, vừa tốn tiền vừa mệt. Nhưng thực ra việc đi du lịch giúp bạn học được nhiều thứ hơn bạn nghĩ. Khi đến một vùng đất mới, hòa mình với văn hóa và con người bản địa, bạn sẽ có những trải nghiệm đắt giá mà bạn không bao giờ có nếu chỉ ngồi sau chiếc màn hình.
Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước đầu tiên
Ngay bây giờ, bạn hãy bắt tay làm gì đó đi. Làm gì cũng được, miễn là nó có ích cho bạn. Trong một ứng dụng tôi dùng để học ngoại ngữ, thỉnh thoảng trợ lý học tập có hỏi những câu gợi động lực như: “Chỉ 15 phút học ngoại ngữ mỗi ngày cũng có thể mang đến sự thay đổi lớn. Còn bạn sẽ được gì nếu dành 15 phút cho mạng xã hội?”
Khi tôi nói về việc tự học tiếng Trung, một người bạn của tôi khuyên phải bỏ tiền đến trung tâm thì mới thành thạo được, còn không thì chỉ phí thời gian vô ích. Tôi im lặng giây lát rồi đáp, “dù học chơi chơi qua ứng dụng vẫn hơn là lướt Facebook”. Thực ra mỗi người có một mục đích khác nhau khi học một thứ gì đó. Không phải ai học cũng là để mau thành thạo và kiếm tiền từ kỹ năng của mình.
Tôi vốn thích tiếng Trung và cũng mày mò tự học trước đó nhưng đã bỏ dở để tập trung cho những thứ khác tôi cho là cần thiết và quan trọng hơn. Thế nhưng những cái gì bạn thích mà chưa được thỏa mãn sẽ quay lại tìm bạn vào một ngày nào đó. Tôi cài lại mấy ứng dụng học tiếng Trung sau khi chìm đắm trong một bộ phim Hoa ngữ, dù không biết tiếng nhưng có nhiều từ tôi nghe ra được cách phiên âm Hán Việt, vì thế đoán được nghĩa của từ nên thấy thú vị.
Từ ngày học lại tiếng Trung thì tôi cũng có động lực học những thứ khác chăm chỉ hơn. Tôi có lý do để dậy sớm, tranh thủ học khi ở trên tàu điện, trước và sau giờ nghỉ trưa. Tôi lấp đầy những kẽ hở thời gian trong một ngày bằng việc học tiếng Trung. Nhờ thế mà giảm hẳn thời gian đi hóng biến, hít drama trong những lúc không biết làm gì.
Có thể tiếng Trung chưa phải thứ cần thiết cho cuộc sống và công việc của tôi lúc này, có thể tương lai tôi vẫn sống tốt nếu chẳng biết tiếng Trung, tôi cũng không biết mình sẽ đi đến đâu trên con đường học thứ ngoại ngữ này nhưng hiện tại tôi vẫn sẽ tiếp tục. Bởi việc học một ngoại ngữ mới mang đến cho tôi quá nhiều thay đổi tích cực. Khi lần đầu tiên đăng ký tài khoản Weibo (mạng xã hội lớn của Trung Quốc), cả một thế giới mới như mở ra trước mắt tôi, một thế giới mà tôi chưa từng biết trước đó.
Trong tâm lý học có một hiệu ứng gọi là Zeigarnik – nỗi ám ảnh về những việc chưa hoàn thành. Chẳng hạn, có những hôm dù biết sẽ bị phạt nếu đi làm muộn, tôi vẫn cố cho xong routine buổi sáng trước khi ra khỏi nhà. Có khi nào dù đã lên giường đi ngủ, bạn vẫn thấy bồn chồn, bứt rứt khi nghĩ đến những việc chưa hoàn thành? Nguyên nhân do não bộ có xu hướng ghi nhớ tốt hơn những việc còn dang dở. Phim truyền hình dài tập thường vận dụng rất hiệu quả hiệu ứng này để buộc bạn phải nóng lòng chờ xem tập sau.
Bạn có thể tận dụng hiệu ứng này trong việc bắt đầu học một thứ gì đó mới. Dù có thể bạn chưa đi đến đâu, chưa đạt được thành tựu nào cả nhưng chỉ bằng việc bắt tay vào làm, bạn đã gieo một hạt mầm để tiếp tục quay trở lại với việc đó, cho đến khi hoàn thành. Như việc tôi quay lại với tiếng Trung sau một thời gian gián đoạn. Tưởng như không liên quan nhưng kể từ khi học tiếng Trung thì tôi có động lực học tiếng Anh nhiều hơn bởi nó gợi nhắc tôi rằng mục tiêu thành thạo tiếng Anh của tôi vẫn chưa hoàn thành và tôi vẫn cần phải trau dồi ngoại ngữ suốt cuộc đời.
Để có thể tận dụng thời gian cho những việc có ích, bạn cần phải biết việc gì nên và không nên làm, tránh để thất thoát năng lượng cho những thứ tào lao. Ngoài ra, phải cân đối giữa thời gian học tập, làm việc với thời gian nghỉ ngơi. Hiệu ứng Zeigarnik phát huy hiệu quả nhất khi công việc gián đoạn, điều đó giúp bạn có thời gian thư giãn, tránh kiệt sức, mệt mỏi tinh thần, đồng thời có thời gian ngẫm lại những thứ mình vừa làm hay vừa học.
Bạn muốn thay đổi cuộc sống nhưng sẽ chẳng có điều gì xảy ra cho đến khi bạn bắt tay làm điều gì đó. Có câu “cứ đi rồi sẽ đến”, có thể bạn chẳng biết bao giờ mới đến được cái đích mình muốn nhưng nếu không bước những bước đầu tiên thì bạn sẽ chẳng đi được đến đâu. Chỉ cần bắt đầu bước đầu tiên, bạn đã tiến xa hơn chỗ bạn đang đứng hiện tại rồi. Việc tận hưởng hành trình của mình cũng là điều thú vị. Muốn có những thứ chưa từng có, hãy bắt đầu bằng những việc bạn chưa từng làm.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích
điểm MyPoint.
Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và
nhận tin
về đọc báo tích điểm sớm nhất