Yêu thương là bài học quan trọng của đời người
Nếu nhìn cuộc sống dưới góc độ bài học thì bất kỳ thứ gì trên đời cũng cần phải học. Yêu thương, một hành động tưởng như bản năng nhưng để yêu mà không lụy, yêu mà không tổn thương người mình yêu thì chúng ta cần phải học cách yêu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một bậc thầy về tâm linh đã có những bài học sâu sắc về sự yêu thương.
Thầy là người tiên phong đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” (Engaged Buddhism) và đưa Đạo Phật đi sâu vào đời sống xã hội. Thầy có nhiều câu nói, lời dạy nổi tiếng để đời mà cho đến nay nhiều người còn không biết thầy chính là tác giả của những câu nói đó. Ở chùa Từ Hiếu còn lưu hai câu thơ của thầy: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Đã cho ta một ngày mới để yêu thương”.
Tình yêu thương trong lời dạy của thầy được hiểu theo nghĩa rộng, đó là tình cảm giữa cha mẹ và con cái, tình cảm vợ chồng, tình yêu thương giữa người với người. Trong tùy bút Bông hồng cài áo, thầy có những câu chữ thấm thía về tình mẫu tử: “Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống.”
Nhiều câu nói hay của thiền sư được trích dẫn rộng rãi mà người ta không nhớ nó nằm ở đâu trong số hơn 120 tác phẩm của thiền sư.
Yêu thương chính mình trước khi yêu người khác
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đem được chân giá trị cốt lõi của Đạo Phật để truyền dạy cho hậu thế một cách mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, dễ thấm. Đức Phật dạy mỗi con người hãy biết yêu thương chính mình, một người không biết thương mình thì cũng khó lòng yêu được người khác. Tình thương là sợi dây kết nối người với người. Tình thương không chỉ nuôi dưỡng một người mà nó còn lớn dần lên, nuôi dưỡng tất cả nhân loại, như đoạn trích:
“Tình yêu của anh nếu là tình yêu chân thật thì nó sẽ lớn lên không ngừng và sẽ ôm từ từ hết tất cả mọi người và mọi loài. Tình yêu của anh không những nuôi dưỡng được anh mà còn nuôi dưỡng được tất cả chúng tôi. Đó là tình yêu không biên giới, không kỳ thị…”.
Tình thương chính là chìa khóa để con người buông bỏ được những phiền não của đời.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng chủ trương khuyên con người nên sống trọn vẹn với từng phút giây hiện tại, quay về với hơi thở của mình. Chỉ có sống tỉnh thức, chú tâm vào hiện tại mới giúp con người làm chủ tư duy và dục vọng của mình.
Tình yêu thương trong mối quan hệ với người bạn đời
Trong tình yêu, thiền sư cho rằng gắn bó với một người xa lạ là một cuộc phiêu lưu, bản thân người trong cuộc phải sáng suốt, nhẫn nại để gìn giữ tình yêu lâu dài. Chúng ta thường dễ bị lóa mắt trước những ưu điểm của đối phương, và rồi chìm đắm u mê trong những hình ảnh tốt đẹp ấy. Để rồi khi sống với nhau, khi đối phương không được như kỳ vọng, nhiều người cảm thấy thất vọng. Tình yêu bắt đầu bằng sự nồng nhiệt nhưng không đam mê nào là vĩnh cửu. Nếu không rèn luyện để tâm sáng suốt thì sẽ nảy sinh những vấn đề trong mối quan hệ của cả hai.
Ai cũng muốn gắn bó với một người cả đời, muốn người ấy mãi yêu thương và chung thủy với mình. Nhưng thực tế ly hôn có xu hướng tăng, xã hội càng phát triển thì các cặp vợ chồng càng ít kiên nhẫn với nhau hơn. Chúng ta dành cả đời để tìm kiếm một nửa hoàn hảo, tâm hướng ra ngoài để mong cầu. Nhưng chỉ khi nhìn thấy những vẻ đẹp ở bên trong nội tâm mình, biết yêu thương chính mình, ta mới có thể hạnh phúc bên mảnh ghép còn lại.
Nếu thực hành chánh niệm mỗi ngày, bạn sẽ nhận ra những thứ mình mong cầu vốn có sẵn bên trong mình. Chúng ta thường mải mê hướng ra cuộc sống bên ngoài, khiến tâm náo động không ngừng mà thiếu đi những khoảng quay về bên trong để sắp xếp lại nội tâm của mình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh ví nội tâm của con người giống một khu vườn, trong đó có cả hoa và rác. Hoa là những cảm xúc tích cực, còn rác tượng trưng cho những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, tức giận, ghen tị. Rác có thể chuyển hóa thành hoa nếu người ta biết tưới tẩm, gieo trồng trong tâm những hạt mầm thanh bình và đẹp đẽ.
Trong một mối quan hệ, nếu một người không biết chăm sóc cho vườn hoa của mình thì cũng khó chọn được những đóa hoa ở khu vườn của người bạn đời. Một người biết chăm sóc tốt cho bản thân sẽ biết cách trao đi yêu thương, chăm sóc cho người khác và trở thành điểm tựa lâu dài của nhau.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (thế danh Nguyễn Xuân Bảo, 1926 – 2022) là một thiền sư, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội. Thầy từng có những buổi thuyết giảng khắp thế giới và có hơn 120 tác phẩm được xuất bản, có sức ảnh hưởng như Đường xưa mây trắng, Phép lạ của sự tỉnh thức, Hạnh phúc trong tầm tay, Phật trong ta,… Thiền sư được một số tờ báo đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau nhiều năm sống ở nước ngoài, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam vào tháng 10/2018 và ở lại cho đến khi viên tịch ngày 22/1/2022. |
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm