Nhận ra..
Trong một đoạn lời bài hát Lớn rồi còn khóc nhè của Trúc Nhân, có một câu làm mình phải bận lòng một lúc để suy nghĩ. Đó là “..Ước mơ của con là được đi khắp thế gian… Ước mơ của mẹ là được thấy con về.”
Mình vừa ngẫm nghĩ vừa nhìn ra xung quanh, thực tế nhất là cuộc sống trong chính gia đình họ hàng mình. Dường như đến một lúc nào đó không còn trẻ nữa, càng ngày con người ta càng thích thu hẹp vòng tròn quan hệ lại và bắt đầu đặt các mối quan hệ gia đình lên sự ưu tiên cao nhất – điều mà người ta lẽ ra không nên lãng quên lúc còn trẻ.
Nhìn lại..
Như mỗi đám giỗ, các buổi họp mặt gia đình ngày Tết, hầu như người lớn như ba mẹ, cô chú bác dì cậu đều về rất đông đủ, ai nấy đều chăm chút ngoại hình, nói cười rôm rả. Còn đám con cháu cỡ bọn mình (tầm mười mấy, hai mươi mấy tuổi) đều có vẻ rất dửng dưng và thậm chí còn thấy phiền hà khi bị ba mẹ bắt tham gia các buổi tiệc như thế vì cảm thấy lãng phí thời gian, ồn ào và không hòa nhập nổi.
Bỗng dưng vào độ tuổi trung niên, các bậc cô chú bác lại càng hướng về gia đình hơn, tạo nhóm chat Zalo, Facebook chia sẻ các trạng thái của gia đình hay sự kiện mỗi ngày, hào hứng lên kế hoạch các chuyến đi dã ngoại đại gia đình chỉ để ăn uống và trò chuyện. Trong khi bọn trẻ sẽ chỉ mê đắm với các chuyến đi phượt thử thách cùng bè bạn, ăn món lạ chụp ảnh đẹp đăng mạng xã hội và đu đưa trong các bữa tiệc thâu đêm để “flex” độ chịu chơi.
Con đi học đại học, bước ra khỏi vòng tay ba mẹ giống như cá ao ra gặp biển lớn, tha hồ vùng vẫy khám phá. Cùng với bao nhiêu cơ hội, cũng là bấy nhiêu thử thách, cạm bẫy giăng sẵn trước mắt mà đứa trẻ hầu như chẳng mấy để ý. Trong khi con bận học hành, làm việc, yêu đương, quay cuồng với các dự định tương lai, du lịch, bè bạn thì cha mẹ ở nhà chỉ ngày đêm ngóng trông con, không biết bao giờ con về? Không biết con khỏe không? Vào mùa mưa rồi không biết nó có nhớ mang theo áo mưa không? Lỡ tối nó sốt thì biết ai mà chăm? Bận như thế ăn uống tử tế kiểu gì? Bạn bè có đối xử tốt với con không? Mong nó đừng có si mê mà khổ sở vì tình?…Ngàn vạn câu hỏi mà các bậc phụ huynh luôn không ngừng đặt ra và lo lắng cho con mình, dù con còn đi học, hay đi làm hoặc thậm chí đã lập gia đình.
Tìm câu trả lời
Mình thấy có chút dừng lại… trong lòng. Mình đặt câu hỏi, liệu sau này về già mình có như thế không? Chẳng lẽ người lớn không có đam mê hay ước mơ gì sao? Như mình nếu mà rảnh mình sẽ nghĩ ra được trăm công ngàn thứ để làm, thậm chí không có gì để làm mình vẫn có thể đốt thời gian bằng cách xem phim, ngủ lười. Mình chẳng rảnh mà nghĩ lo cho cuộc sống của ai khác, phải chăng là mình ích kỷ?
Nhưng không, mình bắt đầu hiểu ra, có lẽ đến một giai đoạn nào đó của cuộc đời, người ta chẳng còn đủ dũng khí và nhiệt huyết của tuổi trẻ nữa. Tâm thế không còn lúc nào cũng hừng hực sẵn sàng khám phá và chinh phục thế giới. Mà bắt đầu sống hướng về bên trong, bắt đầu bằng việc nghiền ngẫm về cuộc đời đã qua của chính mình, những tiếc nuối, những dở dang quá muộn để sửa chữa. Cùng với việc quay về sự nội tại, con người cũng sẽ nhìn nhận các mối quan hệ gia đình nhiều hơn. Họ chẳng còn ước mơ gì cho cuộc đời mình nữa, chỉ kỳ vọng vào các con, các cháu. Hy vọng rằng thế hệ sau sẽ sống tốt hơn, sẽ không bỏ rơi mình với sự cô đơn của tuổi già, cũng từ đó bắt đầu lệ thuộc niềm tin và hạnh phúc vào con cháu.
Có lẽ khi đã trải qua một quãng thời gian nhất định, sẽ khiến con người dù ngông cuồng nhất cũng sẽ trở nên điềm đạm hơn. Người già ấy, họ rất rất quý trọng gia đình, vì hơn ai hết, họ hiểu cảm giác mất đi người thân đau đớn cỡ nào. Khi một người bắt đầu được gọi là cô/ bác/ ông/ bà, họ có lẽ đã mất đi ba mẹ, bậc chú bác của họ cũng khó mà còn sống, anh/chị/ em của họ cũng người còn người mất, và thậm chí tệ hơn họ cũng từng trải qua cảm giác mất con. Thế giới xung quanh họ lúc này là những thứ công nghệ sắc màu thay đổi chóng mặt, con cháu bận rộn, vật chất lên ngôi và những người không bao giờ hiểu họ từng trải qua những gì. Thử tưởng tượng mà xem, nếu chúng ta là họ, liệu chúng ta có còn nhìn mọi thứ màu hồng và đặt tâm vào các cuộc vui hời hợt? Có phải ta cũng sẽ hành xử như họ, quay về trân trọng và quan tâm từng mối quan hệ gia đình mà ta thường hay xem nhẹ.
Gửi bạn
Vậy nên bạn ạ, những thứ bạn bước qua trong cuộc đời, đau khổ có, hạnh phúc có. Có những biến cố có thể khiến ta biến dạng cả thể chất, nhưng cũng qua đó mà cải hóa tâm hồn. Mình từng thấy đôi mắt ánh lên những vết hằn của mẹ khi nhìn di ảnh của bà ngoại, mẹ chỉ nhẹ nhàng nói rằng: “Con có thể sẽ khóc rất nhiều lần trong đời, nhưng ngày mà con chỉ muốn dốc cạn nước mắt, đó là ngày mà con mất đi người thân.”
Những mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình đôi khi khiến ta thấy mệt mỏi vô cùng, cảm thấy bản thân mãi chẳng thể hiểu và đồng điệu với suy nghĩ của người lớn. Nhưng đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra, phải “tích góp” đủ năm tháng, phải trải đủ trong đời, thì đến một độ tuổi nào đó, bạn sẽ hiểu hóa ra đến khi mình từng đó tuổi, mình cũng sẽ suy nghĩ và hành động y hệt bố mẹ. Vậy nên xin đừng vội thấy phiền, đừng vội phán xét, đừng để đến khi những câu nói quen thuộc như “mẹ ơi, ba ơi,..” nghẹn lại nơi cổ họng, mới chợt nhận ra mình vừa mất những gì.
Một đời người này nói ngắn cũng không quá ngắn, nhưng dài cũng không phải là dài. Mỗi cá thể chúng ta đều được sinh ra một lần, tự mình lựa chọn và họa nên bức tranh cuộc đời như thế nào đều do chính bạn quyết định. Giống như danh ngôn của Mae West từng nói rằng: “Chúng ta chỉ sống một lần, nhưng nếu sống đúng, một lần là đủ.”
Nghiêng Nhiên
Ảnh: Sưu tầm