Bạn có bao giờ tự hỏi: mục đích của cuộc sống là gì? Liệu sự có mặt của mình trên đời có ý nghĩa gì?
Có lẽ những người đặt ra câu hỏi này đang cảm thấy hoang mang, trống rỗng về cuộc sống. Họ chưa tìm thấy ý nghĩa cho sự tồn tại của mình. Bởi lẽ, những người đang bận rộn với cuộc sống của mình, hoặc đang tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn sẽ không dành thời gian và tâm trí cho những câu hỏi vu vơ?
Việc tìm ra một mục đích sống có thật sự quan trọng? Nhiều người cho rằng nó quan trọng bởi đó là lý do bạn sống trên cuộc đời này và là động lực để vượt qua những khó khăn, trắc trở trong cuộc đời. Vì thế, người ta cố gắng tìm ra một mục đích nào đó và gán nó cho cuộc đời mình. Đôi khi, điều này không dễ dàng. Có những người tìm kiếm mãi vẫn không tìm ra mục đích sống của mình là gì cả, họ có thể vay mượn mục đích của người khác làm mục đích của mình.
Nhưng mục đích sống liệu có quan trọng đến thế?
Câu trả lời của vị yogi Sadhguru sẽ khiến bạn bất ngờ:
“Nếu không có mục đích gì hết, chẳng phải là điều tuyệt vời hay sao. Bạn chẳng cần phải đạt được điều gì, bạn chỉ cần sống thôi. Nhưng bạn muốn có một mục đích và không chỉ là mục đích đơn giản, bạn muốn có một mục đích mà chính Thượng Đế trao cho bạn. Khi bạn có một mục đích, cuộc sống không quan trọng bằng mục đích của bạn. Không, cuộc sống này mới quan trọng.”
Chân dung Sadhguru.
Có lẽ những người đang trăn trở tìm cho mình một mục đích sống sẽ bất ngờ với câu trả lời của vị đạo sư này. Cuộc sống mà Sadhguru nói đến ở đây không phải là môi trường xung quanh bạn như gia đình, công việc, những mối quan hệ mà là sự sống ở chính bên trong bạn. Khi tim bạn vẫn đập, bạn vẫn hít thở nhịp nhàng, bạn biết là mình đang sống.
Sự sống chính là nền tảng của mọi thứ, chúng ta cũng là một phần của vũ trụ bao la. Dù mang những mục đích cao siêu đến đâu thì bạn cũng phải dựa vào hơi thở này mà tồn tại. Một khi con người chết đi, tất cả mọi thứ, bao gồm cả mục đích của họ đều trở nên vô nghĩa.
Bản thân sự sống vốn không cần phải mang ý nghĩa gì cả, cây cỏ mọc lên đâu cần phải có lý do hay mục đích. Chính con người luôn cố gắng gán cho cuộc sống một ý nghĩa nào đó, vì về mặt tâm lý, họ dường như mất kết nối với cuộc sống.
Chính vì cố tìm bằng được cho mình một mục đích mà nhiều khi người ta tạo ra những mục đích sai lầm. Ví dụ, một người phụ nữ mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người chồng vũ phu nhưng không dám giải thoát cho chính mình vì lý do con cái, cô cho rằng mục đích sống của mình là vì con. Trên thực tế, chỉ khi người mẹ hạnh phúc thì con cái mới hạnh phúc.
Mục đích của cuộc sống giống như một căn phòng chật hẹp kìm kẹp cuộc đời bạn. Nó tạo cho bạn cái vỏ bọc an toàn, nhưng nó cũng giam cầm bạn. Những bức tường kiên cố cho ta cảm giác được bảo vệ nhưng chúng ta luôn cần những cánh cửa để thoát ra khi cần.
Chúng ta đạt được mục đích của mình và rồi sao nữa? Trong phim Soul, nhân vật chính Joe Gardner, một giáo viên dạy nhạc luôn mơ ước trở thành nghệ sĩ nhạc jazz biểu diễn trên sân khấu lớn. Anh quá mải mê chạy theo mục đích của mình mà quên đi việc cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống. Một tai nạn bất ngờ đã khiến anh hồn lìa khỏi xác và có thể sẽ không có cơ hội biến đam mê thành hiện thực. Trong hành trình quay trở về Trái đất với người bạn đồng hành, anh đã học được cách sống đúng nghĩa.
Nhiều người nghĩ rằng mình có một sứ mệnh nào đó mà Thượng Đế ban cho khi đến với cuộc đời này. Giả sử, Thượng Đế – đấng sáng tạo ra muôn loài, quá bận rộn với hàng tỉ sinh vật trong vũ trụ và không biết đến sự tồn tại của mỗi cá thể thì sao? Giả sử Ngài không hề giao cho bạn một sứ mệnh nào cả. Thế nên, thứ gọi là sứ mệnh cũng chỉ là sản phẩm trong trí tưởng tượng của chúng ta mà thôi.
Tâm lý con người vận hành dựa trên những dữ liệu mà chúng ta thu thập được, sau một hồi suy nghĩ thì suy nghĩ và cảm xúc trở nên quan trọng hơn chính cuộc sống của bạn. Khi bạn đang hiện diện giữa cuộc đời này, bạn chỉ cần sống trọn vẹn và khám phá những khía cạnh của cuộc sống. Tất nhiên, cuộc sống là mênh mông vô bờ, chúng ta đâu cần phải khám phá cả vũ trụ, chúng ta chỉ cần sống trọn vẹn cuộc đời mình thôi. Như vậy đã đủ để chúng ta sống tốt rồi.
Sadhguru (tên thật là Jagadish “Jaggi” Vasudev, sinh năm 1957) là một bậc thầy yoga người Ấn Độ và là nhà tâm linh nổi tiếng trên thế giới. Ông từng phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Thế giới của Liên hợp quốc, Hạ viện Quốc hội Anh, Diễn đàn kinh tế thế giới các năm 2007, 2017 và 2020. Năm 2017, ông từng nhận giải thưởng Padma Vibhushan từ Chính phủ Ấn Độ vì những đóng góp của mình cho phúc lợi xã hội. Sadhguru thông tuệ trên nhiều khía cạnh, không chỉ trong lĩnh vực tâm linh mà ông còn hiểu biết sâu rộng về kinh doanh, các vấn đề môi trường và quan hệ quốc tế. Ông được chào đón nồng nhiệt ở nhiều nơi trên thế giới. |
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm