Để trở thành “cao thủ giao tiếp”, chúng ta cần xem xét hành vi hàng ngày và thể hiện mình một cách thích hợp. Vì điều này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cách người khác đánh giá về mỗi người. Một số thói quen có thể khiến bạn trở thành kẻ yếu thế trong các mối quan hệ, gây ấn tượng với đối phương rằng chúng ta thiếu tự tin hoặc rụt rè.
Để trở thành người giỏi trong giao tiếp, trước hết chúng ta cần từ bỏ và cải thiện 6 thói quen sau đây:
1. Thiếu giao tiếp bằng mắt
Giao tiếp qua ánh mắt là một phương pháp quan trọng để tạo sự kết nối và thể hiện sự tự tin. Khi bạn không giao tiếp qua ánh mắt trong các cuộc trò chuyện hàng ngày, đặc biệt là trong giao lưu và các buổi gặp mặt quan trọng, người khác có thể xem chúng ta là thiếu tự tin hoặc không chắc chắn.
Hãy học cách tự tin đối mặt và đón nhận ánh nhìn của người khác, nhìn thẳng vào mắt của họ. Đây cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng. Đồng thời, hãy học cách “giải mã” ánh nhìn để hiểu tâm tư và ý định của người khác. Từ đó, giao tiếp trơn tru hơn và tránh những tình huống nhạy cảm có thể xảy ra.
2. Im lặng hoặc nói lắp bắp
Sự im lặng quá mức hoặc nói lắp bắp tạo ra ấn tượng bạn thiếu tự tin hoặc thiếu kỹ năng tư duy. Thật ra, việc nói lắp bắp đôi khi là một thói quen khó sửa. Để cải thiện, bạn cần tự tin vào bản thân và thường xuyên tập nói trước gương.
Hãy tham gia tích cực vào cuộc trò chuyện, diễn đạt quan điểm và ý tưởng của mình một cách rõ ràng, đồng thời thể hiện sự tự tin. Đừng ngại bày tỏ ý kiến cá nhân, nhưng đồng thời cũng biết lắng nghe chân thành quan điểm của người khác để xây dựng một môi trường giao tiếp tích cực.
3. Thiếu tự tin trong ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể của chúng ta có thể truyền tải nhiều thông điệp. Những động tác ngôn ngữ cơ thể tiêu cực như khom lưng, cong lưng, khoanh tay hoặc đút túi có thể tạo ấn tượng rằng bạn thiếu tự tin. Để truyền tải hình ảnh bạn tự tin và sự cởi mở, hãy duy trì tư thế thẳng đứng, cử chỉ rõ ràng và nét mặt tươi cười.
4. Thiếu chủ kiến
Quá nuông chiều và nhường nhịn người khác trong giao tiếp và các mối quan hệ có thể tạo ấn tượng bạn thiếu tự tin hoặc thiếu cá tính.
Để cải thiện vấn đề này, hãy học cách thể hiện bản thân một cách quyết đoán, bày tỏ giá trị và ý tưởng của riêng bạn. Đừng ngại tham gia vào các cuộc tranh luận và thảo luận mang tính xây dựng với những người khác, thể hiện kỹ năng tư duy và khả năng ra quyết định.
5. Dễ bị ảnh hưởng bởi người khác
Việc dễ bị ảnh hưởng bởi người khác và đánh mất vị trí cũng như khả năng đưa ra quyết định của chính mình có thể tạo ấn tượng một người đang thiếu tự tin.
Việc “gió thổi chiều nào che chiều ấy” và không có chính kiến thể hiện sự thiếu bản sắc và sự yếu đuối, cho thấy bạn chỉ biết do dự và có khả năng kém, chỉ biết bước theo người khác.
6. Khiêm tốn thái quá
Mặc dù khiêm nhường là một đức tính tốt nhưng khiêm tốn quá mức có thể bị người khác hiểu sai là thiếu tự tin. Hãy tin tưởng vào giá trị và khả năng của chính bạn, đồng thời không đánh giá thấp những đóng góp và thành tựu của riêng mình.
Quan trọng nhất, sự tự tin và mạnh mẽ bên trong là chìa khóa để lan tỏa sự tự tin ra bên ngoài. Đơn giản hơn, hãy tin tưởng và yêu bản thân. Thông qua việc tích cực tự nhìn nhận và không ngừng trưởng thành, chúng ta có thể từng bước nâng cao sự tự tin và thể hiện con người thật của mình trong giao tiếp hàng ngày.
Khánh Chi