“Bạn trông mệt mỏi đấy nhỉ”
Chúng ta thường nói câu này để bày tỏ sự quan tâm hoặc đồng cảm. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra những hậu quả không mong muốn. Câu nói này thường truyền đạt ý rằng người đó có vẻ mệt mỏi, không khỏe mạnh hoặc trông khác thường. Dù ý định có thể là để bày tỏ sự quan tâm, nhưng nó có thể dễ dàng bị hiểu lầm là một nhận xét tiêu cực về ngoại hình của người mà bạn nói.
Chúng ta thường mong muốn trông và cảm thấy tốt nhất, đặc biệt là trong các tình huống xã hội hoặc chuyên môn. Vì vậy, thay vì nói rằng người đó trông mệt mỏi, có một cách tốt hơn để bày tỏ sự quan tâm của mình mà không gây ra sự bất tiện. Bạn có thể đặt câu hỏi như: “Bạn có khỏe không?” hoặc “Mọi chuyện ổn chứ?” Điều này sẽ tạo cơ hội cho đối phương chia sẻ nếu họ đang gặp phải vấn đề nào mà không làm họ cảm thấy bị đánh giá về ngoại hình.
“Tôi không có ý xúc phạm gì đâu, nhưng…”
Câu này thường được sử dụng như một cách để làm dịu đi nội dung sau đó, giảm bớt sự khó chịu mà nó có thể gây ra. Tuy nhiên, thường thì những gì tiếp theo sau câu nói này thường mang tính xúc phạm hoặc chỉ trích. Khi sử dụng câu này, đối phương có thể hiểu rằng bạn muốn diễn đạt bất kỳ điều gì mà bạn muốn mà không cần phải quan tâm đến cảm xúc của họ.
“Tôi không có ý ngắt lời, nhưng…”
Có một nguyên tắc chung trong các cuộc trò chuyện rằng nếu bạn nói bạn không làm điều gì đó, thì có lẽ bạn đang thực hiện chính điều đó. Câu nói “Tôi không có ý ngắt lời, nhưng…” cũng có ý nghĩa tương tự. Bằng cách nói điều này, bạn thừa nhận rằng mình đang ngắt lời người khác và điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng. Nó để lại ấn tượng rằng những gì bạn muốn nói quan trọng hơn những gì người khác đang nói.
“Bạn đã giảm cân à”
Bạn nói ra câu này với ý khen ngợi nhưng nó có thể vô tình gây ra sự khó chịu hoặc đau khổ cho người nghe. Đầu tiên, câu nói này có thể ngụ ý rằng đối phương trước khi giảm cân trông kém hấp dẫn hơn, gây tổn hại đến lòng tự trọng của họ. Nó cũng cho thấy giảm cân là mục tiêu mà họ phấn đấu và điều này có thể không đúng.
Hơn nữa, câu nói này có thể đặc biệt gây tổn thương cho những người đang phải vật lộn với các vấn đề về hình thể hoặc rối loạn ăn uống. Những gì bạn thấy tích cực có thể là kết quả của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc những ành vi không lành mạnh.
“Đùa thôi mà”
Sự hài hước có thể là một cách tuyệt vời để xoa dịu tâm trạng và gắn kết mọi người lại với nhau. Nhưng đôi khi, điều người này thấy buồn cười có thể gây tổn thương cho người khác.
Câu nói “Đùa thôi mà” thường được sử dụng như một cách phòng vệ để làm chệch hướng những lời chỉ trích hoặc tránh chịu trách nhiệm về một bình luận xúc phạm. Đã đến lúc bạn nên đánh giá lại khiếu hài hước của mình. Sự hài hước đích thực không làm tổn hại đến cảm xúc của người khác. Nếu ai đó nói với bạn rằng họ bị tổn thương bởi trò đùa của bạn, phản ứng đúng đắn là xin lỗi thay vì gạt bỏ cảm xúc của họ.
Khánh Chi (Tổng hợp)