Giác ngộ thứ nhất: Mọi cuộc gặp gỡ và chia ly trên đời không phải thứ mà con người có thể định đoạt
Trong cuộc đời, giác ngộ đầu tiên mà chúng ta cần hiểu đó là có những thứ không thể cưỡng ép, mọi sự gặp gỡ và phân ly trên đời không phải thứ con người có thể nhúng tay can thiệp. Bất kể bạn có lên kế hoạch chi tiết tỉ mỉ đến đâu, rốt cuộc vẫn không đọ nổi một lần vận mệnh an bài.
Để báo ơn Lưu Bị, Gia Cát Lượng dù biết rõ không thể làm nhưng vẫn làm, dành hết tâm huyết cuộc đời để thực hiện sáu cuộc Bắc phạt.
Trong cuộc Bắc phạt lần cuối cùng, Gia Cát Lượng đã dẫn dụ thành công Tư Mã Ý tiến vào trong Thượng Phương Cốc và cho quân phóng hỏa. Ngay lúc Tư Mã Ý sắp chết trong biển lửa thì đột nhiên trời xanh trút xuống một trận mưa lớn, dập ngọn tắt lửa và cứu được Tư Mã Ý.
Gia Cát Lượng nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, ngửa mặt lên trời than dài: “Mưu việc tại người, thành việc do trời.”
Bài học mà chúng ta rút ra được ở đây chính là học cách thuận theo tự nhiên, trên đời có những việc không thể cưỡng cầu.
Giác ngộ thứ hai: Phiền não xảy đến mỗi ngày, nếu bạn không bận tâm, chúng sẽ tự biến mất
Trong cuộc sống luôn luôn xuất hiện những rắc rối cần phải giải quyết, trong quá trình đó, trí tuệ của con người được thể hiện ở cách thể hiện tâm thái khi đối mặt với các vấn đề.
Sức mạnh thật sự không phải ở việc kháng cự mà là buông bỏ. Bạn càng cố chấp bám víu thứ gì đó thì nó lại càng hành hạ bạn nhiều hơn. Còn khi bạn không quan tâm đến chúng nữa, ngay cả ông trời cũng không thể làm khó bạn. Hãy luôn nhớ rằng ngoại trừ sự sống và cái chết ra, mọi thứ khác trên đời đều là chuyện nhỏ.
Đừng quá bận tâm những chuyện rắc rối xung quanh, quan trọng nhất là có thể tận hưởng một cách tối đa giây phút hạnh phúc hiện tại.
Giác ngộ thứ ba: Họa kia biết đâu sau này trở thành phúc, phúc kia biết đâu lại chính là mầm mống tai họa
Trong phúc có họa, trong họa lại có phúc. Tôi từng nghe câu chuyện Tái Ông mất ngựa thế này:
Có ông lão kia nuôi một con ngựa, một ngày nọ con ngựa đi lạc, mọi người trong làng bèn đến an ủi Tái Ông.
Tái Ông nói: “Không sao cả, biết đâu mất ngựa lại là chuyện may!”
Vài ngày sau, con ngựa trở về và mang theo một con ngựa khác. Dân làng thấy thế thì đến chúc mừng ông.
Tái Ông nói: “Có gì đáng chia vui, thêm một con ngựa biết đâu lại là mầm mống tai họa!”
Vài ngày sau, con trai của Tái Ông bị ngã ngựa gãy chân. Người dân trong làng lại lần lượt đến an ủi ông.
Tái Ông nói: “Biết đâu đó lại là phúc!”
Lúc này, chiến tranh nổ ra ở biên giới, trai tráng trong làng đều bị gọi đi cả, 10 người đi thì đến 9 người không thể trở về. Con trai của Tái Ông vì tàn tật ở chân mà được thoát. Thế là gia đình họ sống hạnh phúc đến già.
Qua câu chuyện trên chúng ta có thể thấy trên thế giới này vốn không có phúc lành hay tai họa tuyệt đối, đừng để những thứ được và mất nhất thời làm xáo trộn tâm trí của bạn.
Giác ngộ thứ tư: Bình an và sức khỏe là của cải vô giá
Chúng ta dành cả cuộc đời để tích lũy của cải vượt quá nhu cầu của bản thân, đến khi tích đủ rồi thì sức khỏe và thời gian lại không cho phép chúng ta tận hưởng chúng. Cuộc sống là một hành trình trải nghiệm, trong quá trình trải nghiệm cuộc sống, hãy luôn nhớ rằng bình yên và sức khỏe là của cải vô giá, không còn điều gì hạnh phúc hơn.
Trên đây là 4 giác ngộ cao nhất của cuộc đời, hiểu được một điều đã đủ khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúc bạn đọc có thể thấu đạt 4 tuệ giác này, từ đó tìm được bình yên và tĩnh lặng trong tâm hồn.
Vivian (Tổng hợp)/ Theo Baijiahao
Ảnh: Sưu tầm