1. Sử dụng ngôn ngữ để thúc đẩy hành động
Giao tiếp có thể được coi như một nghệ thuật, đặc biệt là khi bạn sử dụng từ ngữ để thôi thúc hành động của người khác. Những người có trí thông minh cảm xúc cao thường biết cách sử dụng từ ngữ lịch lãm và khéo léo để yêu cầu người khác thực hiện một việc gì đó, không làm tổn thương sự tự trọng của họ.
Họ hiểu rằng khi nói những lời tốt đẹp, có thể làm cho mọi việc dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thể hiện sự chân thành từ cả lời nói và ánh mắt. Lời nói chỉ là công cụ, trong khi thái độ chân thành là chìa khóa để thuyết phục người khác hành động.
2. Hài hước là biểu hiện đặc biệt của người có EQ cao
Khả năng hài hước và sự hóm hỉnh không chỉ đơn thuần là một kỹ năng giao tiếp, còn là một thái độ sống. Những người hài hước có khả năng tạo ra sự tích cực cho môi trường xung quanh, làm sôi động không khí và thường là người được mọi người chào đón trong mối quan hệ.
Trong cuộc sống, mọi người đều gặp khó khăn và rắc rối, nhưng người hài hước biết cách nhìn vào những khía cạnh lạc quan, tìm niềm vui trong những điều nhỏ bé. Họ có khả năng tạo ra tiếng cười, phá vỡ sự ngại ngùng và thậm chí giúp mọi người thấy hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ranh giới giữa hài hước và vô duyên là rất mỏng. Nhiều người cố tình làm hóm hỉnh, không tự nhiên, thậm chí có thể gây tổn thương cho người khác. Vì vậy, khi nói về người hài hước có EQ cao, điều quan trọng là khả năng họ thực sự chinh phục trái tim của người khác.
3. Phê bình cũng là nghệ thuật
Có câu ngạn ngữ cổ xưa: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng.” Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta không nên nói thẳng thừng, làm tổn thương lẫn nhau. Sự thật có thể không dễ chịu nhưng chúng ta cần lựa chọn lời nói sao cho đối phương có thể lắng nghe, không ghi thù. Khi chúng ta thân thiết với ai đó, việc phê bình một cách chân thành, thậm chí là bóc trần những khuyết điểm của họ để họ có cơ hội tự cải thiện là điều cần thiết.
Tuy nhiên, người có EQ cao biết cách thể hiện ý kiến mà không làm tổn thương lòng tự trọng của đối phương. Họ biết cách đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ nhiều chiều, khen ngợi và tìm điểm mạnh của đối phương. Khi phê bình mà đối phương không vui, họ không trách đối phương mà thay vào đó tự xem xét xem liệu lời nói của họ đã thể hiện sự chân thành hay không và liệu họ đã sử dụng từ ngữ đúng cách hay không.
4. Mạnh dạn từ chối, đừng để “ngại” tổn thương bản thân
Một nguyên tắc cơ bản của người có EQ cao là dũng cảm từ chối. Trong cuộc sống, sự ngại và việc cả nể có thể gây tổn thương cho bạn. Tất nhiên, việc này không phải lúc nào cũng xấu, có thể là do bạn muốn giúp đỡ người khác và sẵn lòng hy sinh lợi ích cá nhân để làm điều đó. Tuy nhiên, nhiều người “ngại” vì họ không dám từ chối, sợ hãi và lo lắng làm tổn thương đối phương.
Nhớ rằng, mỗi người có cuộc sống riêng, với giới hạn năng lực khác nhau. Bạn hoàn toàn có quyền từ chối những việc mà bạn không muốn hoặc không có khả năng thực hiện, đặc biệt là những việc bạn không đủ năng lực thực hiện. Việc từ chối không phải là sự ích kỷ, là sự dũng cảm sống vì bản thân mình, đồng thời cũng giúp đối phương tránh được những tổn thương không cần thiết. Trong quan hệ thân thiết, đừng ngần ngại nói không, vì nó có thể giúp bạn và đối phương hiểu rõ hơn về nhau và tránh những bất đồng không cần thiết.
Anh Anh (Tổng hợp)