Trong xã hội hiện đại, có vẻ như số lượng nam thanh nữ tú ở độ tuổi cưới xin và lập gia đình nhưng vẫn duy trì cuộc sống độc thân đang gia tăng. Họ thường bị coi là “những người lập dị.” Mọi người thậm chí còn lan truyền những lời đồn đoán vô căn cứ về họ, ví dụ như “chắc chắn là họ có vấn đề gì đó nên đã đến tuổi này mà chẳng ai muốn lấy.”
Trong những năm gần đây, có dấu cho thấy ngày càng nhiều người chọn bước chân ra khỏi hôn nhân. Theo Viện nghiên cứu quốc gia về Dân số và An sinh xã hội Nhật Bản, vào năm 2022, có 17,3% nam giới và 14,6% nữ giới trong độ tuổi 18-34 không có kế hoạch kết hôn. Đây là tỷ lệ cao nhất từ khi bắt đầu thực hiện khảo sát này vào năm 1982.
(Ảnh minh họa)
Tại Việt Nam, theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố vào năm 2019, mỗi 10 người, có một người “từ chối” hôn nhân. Theo các nhà tâm lý học, sự gia tăng này không xảy ra ngẫu nhiên và có nhiều lý do khiến nhiều người quyết định sống độc thân. Sau nhiều nghiên cứu và khảo sát, các nhà tâm lý học đã xác định ba ưu điểm chính của cuộc sống độc thân, và đây có lẽ chính là ba lý do khiến nhiều người “nói không” với hôn nhân.
Độc thân không đồng nghĩa với cô đơn
Người ta thường hiểu sai khi liên hệ trạng thái độc thân với cảm giác cô đơn. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng điều này hoàn toàn không chính xác.
Theo Paul Dolan, Giáo sư Khoa học Tâm lý và Hành vi tại Đại học Kinh tế Luân Đôn (LSE) nói: “Cô đơn là cảm giác khi một người muốn tìm sự kết nối với người khác nhưng bất thành. Không thể đánh đồng quyết định chọn cuộc sống độc thân với sự cô đơn nếu đó là một quyết định mang tính chủ động”.
(Ảnh minh họa)
Độc thân giúp thúc đẩy quá trình trưởng thành
Theo Tiến sĩ Tâm lý học người Mỹ Abigail Brenner, độc thân giúp người ta trưởng thành nhanh hơn, sống độc lập và tự quản lý cuộc sống cá nhân một cách hiệu quả. Abigail nói: “Thấu hiểu chính mình điều rất quan trọng. Nếu không xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với chính mình từ đầu, bạn sẽ khó lòng thể hiện mối quan hệ mạnh mẽ với người khác. Những người độc thân phát triển tư duy trưởng thành hơn và có khả năng tự quản lý cuộc sống tốt hơn so với những người kết hôn ở độ tuổi trẻ, dưới 25 tuổi.”
Tiến sĩ Brenner cũng nói thêm rằng đối với một số người, cuộc sống độc thân là cách để họ thể hiện bản thân tốt nhất. “Những người cảm thấy thoải mái ở một mình thường tự tin trong quyết định và suy nghĩ của họ. Điều này mang lại cho họ sự tự do và cơ hội để suy nghĩ một cách sáng suốt về mọi vấn đề, không bị áp lực từ người khác,” Abigail nhấn mạnh.
(Ảnh minh họa)
Độc thân giúp người ta có thời gian và tập trung để phát triển sự nghiệp
“Mở cửa trái tim trước, mở cửa sự nghiệp sau” là quan điểm phổ biến về việc “yên bề gia thất mới đặng bề nước non”. Tuy nhiên, những người chọn cuộc sống độc thân thường không theo quan điểm này, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Paul Dolan cho biết phần lớn những người ông đã nghiên cứu khẳng định không thể chia sẻ tập trung và năng lượng giữa việc chăm sóc gia đình và phát triển sự nghiệp cùng lúc, do đó họ quyết định sống độc thân.
Paul đã tiến hành nghiên cứu cho thấy phụ nữ độc thân sống lâu hơn phụ nữ đã kết hôn. Cụ thể, khi đến tuổi trung niên, phụ nữ đã kết hôn có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe về cả thể chất và tinh thần cao hơn so với những phụ nữ cùng độ tuổi nhưng vẫn độc thân.
Paul cũng cho rằng quan điểm kỳ thị phụ nữ độc thân và không có con nên được loại bỏ. Điều này sẽ giúp họ không bị áp lực và tránh việc kết hôn vội vã với những người không phù hợp.
Khánh An(Tổng hợp)