“Bạn thể hiện ra bên ngoài thế nào thì người khác sẽ nhìn nhận về bạn thế ấy”. Có thể nói câu này chính xác trong hầu hết trường hợp. Bạn trông như thế nào trong mắt người yêu? Quyết định thuộc về bạn. Bạn trông thế nào trong mắt bạn bè, đồng nghiệp hay những người xa lạ? Quyết định vẫn là của bạn.
Trong mắt bạn bè, bạn là người hòa đồng và đáng tin cậy; trong mắt đồng nghiệp bạn lại trở thành người hướng nội, lầm lì và ít nói. Bạn trông khác biệt trong mắt những người khác nhau. Nói tóm lại, người khác nhìn nhận bạn như thế nào là phụ thuộc vào bạn. Vậy nên khi người khác coi thường bạn, hãy hiểu rằng phần lớn nguyên nhân là từ bạn mà ra.
Bạn càng cố làm hài lòng người khác, bạn càng bị coi thường
Trong các mối quan hệ xã hội, coi người khác quan trọng hơn bản thân mình chính là biểu hiện của sự tự ti. Bạn có biết khi nào người khác sẽ khinh thường bạn không? Đó là khi ở chung với người khác bạn luôn bày ra dáng vẻ vâng vâng dạ dạ, khom lưng uốn gối, thậm chí cố gắng nịnh nọt người kia. Cần biết có một sự khác biệt rõ ràng giữa tôn trọng và xu nịnh.
Ví dụ, bạn và đối tượng xem mắt hẹn gặp nhau lần đầu ở một nhà hàng, người kia đến đúng giờ và chờ bạn. Thấy bạn đến, anh ta đứng dậy, chìa tay và nói với bạn: “Xin chào, tôi là A, mời ngồi.” Một câu trả lời tôn trọng sẽ là: “Cảm ơn, tôi xin lỗi vì đã đến muộn.” Còn câu trả lời lấy lòng sẽ là: “Vâng vâng, anh cứ ngồi trước đi.” Rồi chờ anh ta ngồi xuống mới dám tìm vị trí của mình, sau đó bắt đầu không ngừng xin lỗi về việc đi trễ. Bạn đã nhận ra sự khác biệt chưa?
Trong thực tế, bạn càng cố gắng lấy lòng, tự hạ thấp địa vị và đánh giá không đúng năng lực của bản thân thì sẽ càng bị người khác coi thường. Trong tình yêu cũng vậy, những người tự hạ thấp bản thân để lấy lòng người yêu sẽ không bao giờ được người ta để vào mắt. Tâm lý học gọi đây là hội chứng “People Pleaser” (những người làm hài lòng người khác) hay dùng cụm từ quen thuộc hơn đó là hội chứng người tốt. Thực ra, điều này chỉ thể hiện rằng bạn có lòng tự trọng thấp mà thôi.
Khi người khác coi thường bạn, họ đồng thời “ghen tị với bạn”
Còn có một tình huống khác xảy ra: sự coi thường xuất phát từ lòng ghen tị.
Ví dụ, gần đây bạn làm ăn phát đạt, sự nghiệp phất lên. Có người khen ngợi bạn, có người công nhận năng lực của bạn, có người tâng bốc bạn, nhưng cũng có những người nói xấu và coi thường bạn. Người đó cho rằng chẳng qua bạn ăn may nên mới có được thành công ấy. Hãy hiểu rằng thực ra trong lòng họ đang tức giận và ganh ghét với thành tích của bạn.
Một người càng ghen tị với bạn thì càng coi thường bạn. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng đó là sự thật. Về mặt tâm lý “trạng thái” tương phản này được hiểu như sau: Khi một người không muốn tiếp thu hiện thực, tiềm thức họ sẽ tìm cách phủ nhận như một cách phòng ngự.
Trong cuộc sống có ai không bao giờ so bì bản thân với người khác? Có người giấu cảm xúc ấy trong lòng; có người âm thầm “ném đá”; có người lại thể hiện sự ganh tị ấy bằng cách “coi thường bạn”.
Nói tóm lại, khi bạn bị người khác khinh thường, hãy hiểu rằng có hai vấn đề được thể hiện ở đây. Một là: Bạn càng làm hài lòng người khác thì sẽ càng bị coi thường. Và hai: Có một loại khinh thường xuất phát từ lòng đố kị với bạn.
Vivian (Tổng hợp)/ Theo Baidu
Ảnh: Sưu tầm