Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, cảm thấy mình chưa đủ giỏi, chưa xuất sắc ở ít nhất một lĩnh vực nào trong cuộc sống thì cũng đừng mất niềm tin vào bản thân. Vấn đề sẽ trở nên đơn giản hơn nếu bạn ngồi xuống, xác định những điều mình cần lúc này và bắt đầu đầu tư toàn lực cho nó. Đừng quên mạnh dạn bỏ đi điều ngược lại.
Đừng ép bản thân, cứ chọn không hoàn hảo trong một thời điểm nào đó. Điều này không khiến bạn trở nên bất tài, vô dụng mà đang là sự lựa chọn thông minh và tối ưu hơn.
Lựa chọn “không hoàn hảo” để có một cuộc sống hoàn hảo!
Điều này được tác giả cuốn sách “Thay đổi tí hon – Hiệu quả bất ngờ” – Blogger James Clear gọi là “Thuyết bốn lò lửa”.
Thuyết bốn lò lửa (The four burners theory) được hiểu là: Hãy tưởng tượng rằng cuộc sống của bạn như một cái bếp có bốn lò. Mỗi lò biểu tượng cho một mặt của cuộc sống: Lò thứ nhất là gia đình, lò thứ hai là bạn bè (hoặc các mối quan hệ xã hội nói chung), lò thứ ba là sức khoẻ, lò thứ tư là công việc. Thuyết bốn lò lửa cho rằng: “Để thành công, bạn phải tắt đi một trong bốn lò. Và để thành công xuất sắc, bạn phải tắt đi hai trong số bốn lò”.
Điều này có nghĩa là, cái gọi là “cân bằng cuộc sống” thực ra không bao giờ là hoàn hảo, bạn khó có thể vừa lo cho gia đình chu toàn, lại vừa có thời gian với bạn bè, vừa chăm sóc sức khoẻ cá nhân, lại vừa tập trung được cho công việc. Mà có chăng, nếu bạn có làm được tất cả mọi thứ cùng lúc như vậy, thì chất lượng mỗi thứ cũng sẽ khó có thể tốt được vì bạn bị phân tâm, dàn trải quá nhiều.
Chia sẻ của James Clear giúp chúng ta hiểu rằng: Cân bằng cuộc sống vốn không buộc ta phải hoàn hảo, phải dàn trải sự chú tâm của mình cho tất cả các khía cạnh trong cuộc sống mọi lúc, mọi nơi. Bạn không nhất định phải vừa là một người con tuyệt vời trong lòng bố mẹ, một nhân viên xuất sắc trong mắt sếp, một người thành công trong công việc, vừa lại là một người bạn, đồng nghiệp nhiệt tình, luôn có mặt ở các cuộc hẹn hò, hay sinh hoạt tập thể.
Thay vào đó, ở từng giai đoạn, bạn nên chọn tắt đi “lò lửa” nào đó và đun cho “lò” còn lại cháy rực nhất. Ví dụ, trong giai đoạn nước rút cho kỳ thi Đại học hoặc đang trong thời điểm đầu khởi nghiệp đầy gian nan, bạn chọn tắt đi lò “yêu đương, bạn bè” hay thậm chí là lò “sức khỏe, sở thích cá nhân” để tập trung hoàn thành tốt nhất mục tiêu đã đề ra.
Áp dụng lý thuyết này vào cuộc sống hằng ngày, ta có thể hiểu rằng, trong lúc học tập, làm việc, ta nên tập trung toàn bộ cho “lò lửa” công việc để nó cháy nhất, và khi hết giờ làm thì hãy tắt nó đi, dành toàn bộ thời gian, tâm trí vào gia đình, vào chuyện thư giãn với bạn bè, hoặc vào buổi hẹn hò với người yêu mà không lo nghĩ về công việc nữa.
Cân bằng cuộc sống là khi mình đầu tư đồng đều và chất lượng cho mọi mặt trong cuộc sống. Nói chính xác hơn nó là các quyết định “bật hoặc tắt”, chọn trở nên hoàn hảo ở khái cạnh này và cũng chấp nhận thiếu sót ở khía cạnh khác trong từng giai đoạn của cuộc đời.
Tuy nhiên không phải cuộc sống lúc nào cũng theo đúng kế hoạch của chúng ta. Cuộc đời vốn luôn vô thường và hữu hạn, chúng ta không thể lường trước được bất cứ điều gì. Có thể, khi còn trẻ, ta cố gắng cho bếp lò “công việc” ngùn ngụt cháy mà không quan tâm, chăm sóc cho gia đình hay nuôi dưỡng các mối quan hệ bạn bè. Đến khi đạt được thành tựu vẻ vang trong công việc, những biến cố, bệnh tật bất ngờ ập đến khiến người thân của bạn không còn nữa, bạn bè đều quay lưng vì sự xa cách lâu ngày. Lúc ấy, bạn có dồn hết tâm sức, dành hết thời gian để cố gắng vặn to những lò lửa đã từng bị “tắt” đi ấy cũng không thể nào làm được nữa. Vậy nên, thay vì tắt hẳn một hoặc hai bếp lò nào đó để có thể thành công như mặt lý thuyết, hãy giữ cho chúng luôn cháy “riu riu” nếu có thể.
Tái định nghĩa về sự “cân bằng”
“Cân bằng công việc và đời sống cá nhân” (work – life balance) là một chủ đề đã và đang được bàn luận rất nhiều. Thế nhưng, không biết từ bao giờ, người ta lại đặt những thứ này lên một cán cân – với công việc ở một bên và những yếu tố thuộc về đời sống cá nhân như gia đình, các mối quan hệ, sở thích và sự phát triển cá nhân ở bên còn lại – như thể đây là hai phần riêng lẻ và không liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, đây lại là hai phần không thể tách rời trong cuộc sống của mỗi con người. Vì thế, cân bằng công việc và đời sống sao cho 50/50 là điều không thể. Thay vào đó, dung hòa là cách thực tế và khả thi hơn nhiều để nâng cao chất lượng cuộc sống. Oprah Winfrey cũng từng nói: “Chúng ta có thể có tất cả mọi thứ, chỉ là không phải tất cả cùng một lúc.”
“Cân bằng” là một định mức cá nhân và mỗi chúng ta không nhất thiết phải có cùng một ngưỡng cân bằng. Nếu bạn là một người đam mê làm việc, bạn cảm thấy làm việc khiến bạn hạnh phúc hơn là gặp gỡ bạn bè, thì hãy cứ làm thật hăng say. Cân bằng không phải là “cân” hết, mà là “cân” những thứ thực sự quan trọng đối với bạn.
Dù lựa chọn của bạn có là gì, điều quan trọng nhất vẫn là khi nhìn lại cả một quá trình, bạn không hồi tiếc, bạn đã thật sự vui vẻ, đã không bị tiêu cực, đã sống hết mình.
Khi bạn hạnh phúc, đó là cuộc đời hoàn hảo!
Thu Trang
Ảnh: Sưu tầm