Nhìn lại bản thân thấy mình không có thành tích nào “đủ tầm” để flex?
Có thể nói “flex” là từ khóa hot nhất những ngày vừa qua trong cộng đồng mạng Việt Nam. Trong hội nhóm có đến cả triệu thành viên, người ta flex đủ thứ trên đời: của cải, học vấn, tài năng, thành tựu cá nhân, truyền thống gia đình… Lâu nay mạng xã hội vẫn thường được xem là nơi để con người thể hiện bản thân, nhưng khi tất cả cùng tập hợp lại trong một group thì chúng ta mới sửng sốt nhận ra: Thì ra trên đời có nhiều người xuất sắc đến vậy! Cùng hít thở chung một bầu không khí, cùng sống dưới một bầu trời mà sao lại cảm thấy mình với họ cứ như sống ở hai thế giới khác nhau, thế giới của họ xán lạn còn cuộc đời mình tầm thường, nhàng nhàng, không có thành tựu nào “đủ tầm” để khoe khoang.
Mình có gì để flex như bao người?
Tôi muốn khoe mình đã đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt 12 năm học, nhưng nghĩ lại mình đâu phải người duy nhất đạt được thành tích ấy. Tôi muốn khoe mình từng đi thi và đạt giải thưởng Thành phố, nhưng rồi lại nghĩ thành phố đã là gì, nhiều người còn giành giải Quốc gia và đi thi quốc tế làm rạng danh nước nhà kia kìa. Hay khoe từng đỗ đại học mong ước ư? Người ta đỗ thủ khoa rồi tốt nghiệp với GPA 4.0 còn chưa flex thì thôi, cỡ mình đã là gì. Công việc thì càng khỏi phải nói, đủ ăn đủ mặc đã là tốt lắm rồi chứ nào dám nghĩ đến việc có thừa tiền để tậu xe hơi nhà sang.
Nghĩ ngợi một hồi, tôi rơi vào trạng thái giống như nhiều người trong group flex, cảm thấy mình “ở đáy xã hội”, ban đầu vào nhóm với tâm thế hóng hớt là chính, thế mà dạo qua một vòng tự dưng thấy buồn ngang, nghĩ sao mà mình thất bại quá!
Học cách tự khen bản thân, mỗi bước đi dù nhỏ cũng đáng để tự hào
Nhưng rồi tôi tự hỏi, thế nào mới được gọi là “đủ tầm”? Người đỗ đại học không bằng người đỗ thủ khoa, người đỗ thủ khoa không bằng người đạt học bổng và tốt nghiệp với GPA tuyệt đối, người cử nhân thì lại chẳng bằng người thi lên thạc sĩ, tiến sĩ. Mà tiến sĩ thì đã so được với giáo sư chưa?
Bạn muốn khoe có công việc ổn định, nhưng lại thấy người ta flex công việc lương cao. Bạn muốn khoe mới tự mua được một chiếc xe máy để đi làm, lại thấy người khác tiện tay vung một cái là sở hữu ngay ô tô đời mới nhất. Bạn muốn khoe tháng này đã gửi được tiền về cho bố mẹ, nhưng người ta đã đưa gia đình du lịch khắp nơi trên thế giới từ đời thuở nào rồi. Cứ thế bạn nhận ra cho dù có làm gì thì cũng không thể trở thành người giỏi nhất, không đủ tầm flex để khiến người ta phải ước ao và ngưỡng mộ.
Dù có cố gắng thế nào thì núi cao vẫn còn núi cao hơn
Nhưng bạn có biết ngay cả những người mà bạn cho là tài giỏi và xuất sắc ấy, chính bản thân họ chưa bao giờ dám tự nhận bản thân là số 1 thế giới. Càng học nhiều, càng đi nhiều, chúng ta càng nhận ra hiểu biết của mình thực chất rất hạn hẹp, cho dù dành cả đời để khám phá cũng không thể hiểu hết được thế giới. Xã hội đặt ra cấp bậc và xếp hạng để đánh giá con người, điều này dĩ nhiên hợp lý, nhưng vô hình trung đã tạo nên tâm lý so sánh và căn bệnh thành tích.
Không phải cứ vào được đại học top đầu mới là thành công, không phải cứ kiếm được nhiều tiền thì là hạnh phúc. Nhà khoa học hàng đầu chưa chắc đã biết nấu một bữa cơm ngon, người nổi tiếng tháng kiếm trăm triệu chưa chắc đã có nổi một người tri âm để sẻ chia tâm tình. Nhiều người cứ mỏi mắt trông lên để rồi tự ti, mà quên mất chính mình vốn sở hữu nhiều thứ đáng để tự hào. Chúng ta sống tuân thủ pháp luật, sống có đạo đức, không làm cha mẹ phiền lòng, đối xử tốt với bạn bè và được những người xung quanh yêu mến, khi gặp khó khăn được nhiều người giúp đỡ, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình qua mỗi ngày… Những điều này nghe có vẻ tầm thường nhưng thực tế không phải ai cũng làm được vậy. Đôi khi, cuộc sống bình thường đó lại là ước mơ của vô số người.
Chúng ta sở hữu nhiều thứ để flex hơn vẫn tưởng
Cuộc đời là hành trình dài, dám bước đi đã là một điều đáng khen ngợi. Không có thành tích nào là tầm thường. Mỗi bước đi dù nhỏ cũng là quyết tâm của mỗi người, hãy học cách tự khen bản thân và tự hào về mỗi thành tích chúng ta đạt được. Bạn tài giỏi hơn bạn nghĩ rất nhiều.
Vivian
Ảnh: Sưu tầm